Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/10/2015-14:35:00 PM
Gần 130 hợp đồng được ký kết trong Tuần nhận diện hàng Việt 2015
Sau 5 ngày diễn ra hội chợ "Tuần nhận diện hàng Việt 2015" ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 27/9-2/10) đã có 129 hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp.
Gần 130 hợp đồng đã được ký kết trong 5 ngày diễn ra "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015"
(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ Tổng kết "Tuần nhận diện hàng Việt 2015" do Bộ Công Thương tổ chức tối nay (4/10), tại Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, thành công lớn nhất của Tuần nhận diện hàng Việt năm nay là tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nhằm cung ứng các sản phẩm của nhau.

Bên cạnh đó,thông qua Tuần nhận diện hàng Việt, Bộ Công Thương và các địa phương có thể hiểu rõ được các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đề ra những chính sách hỗ trợ và phát triển thị trường.

Theo ​đánh giá của Ban tổ chức, Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 đã thu hút gần 300 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn, nhỏ tham gia giới thiệu và quảng bá hàng hóa và trong suốt 5 này diễn ra hội chợ, đã có khoảng 20.000 lượt khách hàng tham quan và mua sắm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết ​doanh nghiệp đã tìm được các nhà cung cấp cho hệ thống siêu thị của mình, từ đó tiết giảm chi phí cũng như ​nâng cao hiệu quả ​​sản xuất kinh doanh.

“Nếu như trước đây chúng tôi phải đi tìm hàng để phục vụ cho hoạt động thương mại của mình thì nay các đơn vị sản xuất trong nước đã chủ động hơn trong giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình,” ông Vượng nói.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại lễ tổng kết "Tuần nhận diện hàng Việt 2015" tối 4/10 tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù được đánh giá là những cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng theo Ban tổ chức, để các chương trình như “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015” phát huy hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính các doanh nghiệp.

Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng của các sản phẩm từ đó có thể cạnh tranh được với những mặt hàng cùng loại của một số nước trong khu vực.

"Trong quá trình hội nhập thì cạnh tranh là một xu thế tất yếu, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình những chiến lược dài hạn để tồn tại và phát triển. Chủ động để chiến thắng trên sân nhà và chủ động tìm kiếm cơ hội trên sân người," Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa n​ói./.

Đức Duy
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1343
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)