Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/10/2015-10:05:00 AM
WB dự báo Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 5/10 cho biết, trong các nền kinh tế ASEAN thì Philippines và Việt Nam có điều kiện tăng trưởng hứa hẹn nhất.

Ông Sudhir Shetty-chuyên gia kinh tế trưởng WB tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh lên nhờ các động lực chính là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Trong các nền kinh tế ASEAN,Philippines và Việt Nam là hai quốc gia có điều kiện tăng trưởng hứa hẹn nhất.

Theo WB, tuy vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn Việt Nam nói chung là tích cực, nhờ cầu trong nước mạnh.

WB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 và 6,3% vào năm 2016, cao hơn so với mức là 6% và 6,2% trong dự báo đưa ra hồi tháng 4/2015.

Đánh giá tác động của giá năng lượng toàn cầu giảm đối với nền kinh tế, ông Sudhir Shetty cho rằng: Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm dầu thô, nhưng lại nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, nên việc giá năng lượng giảm mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn là những tác động trái chiều.

WB cho rằng, theo dự kiến, thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ được điều chỉnh nhờ các nỗ lực chấn chỉnh nhằm hạn chế tăng nợ công. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do xuất khẩu tăng trưởng chậm, trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng. Nhưng lượng kiều hối mạnh sẽ giúp đảm bảo thặng dư cán cân thanh toán, tuy có kém hơn so với năm trước.

Theo WB, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển tại khu vực cần chú ý 3 lĩnh vực ưu tiên cải cách trung hạn: Một là, chú ý đến các nhu cầu đầu tư lớn. Một số nước cần cấp thiết đổi mới quy chế thì mới có thể khuyến khích đầu tư được.

Hai là, cần thay đổi ưu tiên tập trung trong chính sách nông nghiệp, thiết lập một chính sách lương thực đa ngành và am hiểu khái niệm an ninh lương thực một cách linh hoạt.

Ba là, cần hội nhập khu vực theo chiều sâu. Tháng 12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời. Thực hiện và mở rộng AEC sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn, nhưng điều đó cũng đòi hỏi các nước ASEAN phải giải quyết một số thách thức mới, trong đó có việc xóa bỏ các biện pháp bảo hộ phi thuế quan, đẩy nhanh hội nhập dịch và và thúc đẩy hợp tác về chính sách quản lý./.

Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1240
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)