Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cho rằng việc cảnh báo về tình trạng nhiều nơi vẫn tiếp tục ban hành “giấy phép con” là rất cần thiết.
|
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông - Ảnh VGP |
Trong bối cảnh một số Bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, gây quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh làm Tổ trưởng.
Một nhiệm vụ được Thủ tướng giao cụ thể cho Tổ công tác là giúp Thủ tướng theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cải cách các điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ. Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, Tổ phó Tổ công tác về vấn đề này.
Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ, Bộ KHĐT đã bày tỏ đặc biệt quan ngại trước việc một số Bộ vẫn ban hành hoặc xây dựng các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Xin ông cho biết thông tin cụ thể hơn?
Ông Đặng Huy Đông: Theo trách nhiệm thì Bộ KH&ĐT phải báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tình trạng trên. Chúng tôi rất lấy làm tiếc là có lẽ một số bộ ngành chưa hiểu hết quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này nên vẫn làm theo thói quen cũ. Tôi cho đây là bước cảnh bảo rất cần thiết.
Ở đây có vấn đề về thẩm quyền ban hành. Từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực (ngày 1/7/2015), nếu muốn ban hành điều kiện kinh doanh, các bộ phải xây dựng Nghị định của Chính phủ hoặc văn bản có hiệu lực cao hơn. Điều này nhằm bảo đảm rằng các điều kiện kinh doanh mới ra đời sẽ được thẩm định khách quan bởi nhiều cơ quan, nhiều đối tác, bảo đảm các quy định đó thực sự cần thiết cho quản lý. Những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc có cách khác để quản lý thì làm theo cách khác.
Việc các Bộ ban hành các thông tư, quyết định quy định về điều kiện kinh doanh là không bảo đảm yêu cầu của Luật Đầu tư, cũng như của Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư sắp được ban hành.
Một số cơ quan lập luận rằng họ căn cứ vào các luật chuyên ngành để ban hành các thông tư quy định điều kiện kinh doanh, hoặc họ không ban hành điều kiện kinh doanh mà chỉ đưa ra các yêu cầu với doanh nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Về về thứ nhất, lường trước tình huống này, Luật Đầu tư đã chỉ rất rõ, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì Luật Đầu tư là luật chi phối, phải áp dụng theo Luật Đầu tư. Lập luận “ban hành điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của luật chuyên ngành” là không đúng theo tinh thần của Luật Đầu tư.
Còn về vế thứ hai, tất cả các văn bản của nhà nước liên quan đến các điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì đều phục vụ mục đích quản lý. Nhưng Luật Đầu tư đã chỉ rõ, việc xây dựng, ban hành phải đi theo một quy trình, trình tự, ít nhất phải là nghị định của Chính phủ thì mới bảo đảm điều kiện kinh doanh khách quan, cần thiết chứ không phụ thuộc ý muốn chủ quan của một đơn vị, cơ quan nào.
Quá trình xây dựng nghị định cũng cho phép các đối tượng bị ảnh hưởng và cơ quan đại diện cho các đối tượng đó được tham gia. Các cơ quan độc lập khác cũng có thể tranh luận trở lại là có nhất thiết ban hành điều kiện kinh doanh không hay có cách khác để quản lý. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, thì văn bản ra điều kiện kinh doanh dù có cần thiết nhưng năng lực quản lý, chi phí quản lý không đủ thì cũng phải tìm cách khác.
Là Tổ phó Tổ công tác, ông có thể chia sẻ gì về nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh có thể gặp phản ứng từ các bộ?
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng chúng tôi tin với tinh thần hợp tác, trao đổi thẳng thắn, tất cả vì sự nghiệp chung là xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi, cạnh tranh được các nước láng giềng, thì các bộ đều phải cố gắng. Quyết tâm phải đến từ mọi phía. Chúng ta đã hội nhập sâu, không thể “một mình một chợ”. Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu là môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức trung bình của ASEAN-4, đó là đòi hỏi rất cao. Mà ASEAN-4 cũng chưa phải là môi trường đầu tư thuận lợi nhất.
Chúng ta không chủ động thay đổi thì người ta cũng bắt ta thay đổi, với các định chế thương mại quốc tế mà chúng ta đã ký, đã cam kết. Chúng ta không thực hiện thì các nước sẽ làm khó khi chúng ta đưa sản phảm hàng hóa sang nước họ. Đây là việc đương nhiên phải làm, bắt buộc phải làm, không sớm hay muộn cũng phải làm, nhưng chủ động làm và làm sớm thì hơn.
Trong trường hợp các bộ vẫn tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh thì Bộ KHĐT, Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng và Chính phủ sẽ “thổi còi”.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hà Chính
Cổng thông tin điện tử Chính phủ