Hãng nghiên cứu BMI Research thuộc Tập đoàn thông tin dịch vụ tài chính toàn cầu Fitch Group (Mỹ) nhận định rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2015 là tích cực và Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,4% năm 2015, tăng so với mức 6,0% năm 2014.
|
Một góc thành phố Hà Nội |
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo báo cáo vừa công bố của BMI Research cho biết tổ chức này vẫn giữ "quan điểm tích cực" về nền kinh tế Việt Nam nhờ triển vọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; sự tham gia của lĩnh vực tư nhân ngày càng mở rộng và năng lực của ngành ngân hàng được nâng cao.
BMI Research nhận định ngành sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong những quý tới. Chi phí lao động tương đối thấp, cho dù mức lương cơ bản gần đây có tăng, và những biện pháp giảm thuế hấp dẫn nhà đầu tư cũng như triển vọng có một lực lượng lao động trẻ, năng động sẽ tiếp tục "lôi cuốn" các công ty chuyên về chế tạo, sản xuất của nước ngoài tăng cường đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có tiềm năng mạnh mẽ trong ngành xây dựng và bất động sản. Việc nới lỏng các quy định về sở hữu tài sản đối với người nước ngoài, có hiệu lực từ tháng 7/2015, sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường nhà đất của Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm tỷ lệ lạm phát sẽ tạo cú hích cho ngành xây dựng và bất động sản trong thời gian tới.
Đối với dòng vốn FDI, BMI Research nhận định rằng việc tiếp tục các nỗ lực củng cố sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI trong những quý tới và những năm tới, nhờ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng đầu tư cố định nội địa (GFCF). Với xu thế hiện nay, GFCF có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 12% trong năm 2015, so với mức 9,5% của năm 2014.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng, việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, vốn là gánh nặng với các ngân hàng do các khoản nợ xấu, sẽ giúp cải thiện “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng, đồng thời "giải phóng" được nhiều nguồn lực để có thể tái phân bổ cho ngành tư nhân. Việc phát huy được tiềm năng của ngành tư nhân sẽ tạo ra một động lực dồi dào cho tăng trưởng của Việt Nam về dài hạn./.