Ảnh minh họa. Nguồn: Internet (MPI Portal) – Chính phủ ban hành Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp.
Nghị định gồm 21 điều quy định chi tiết Điều 10, Điều 44, Điều 189, Điều 208 của Luật doanh nghiệp và được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 của Luật doanh nghiệp. Nghị định quy định chi tiết về con dấu đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, quy định về những hình ảnh, ngôn ngữ không được sử dụng trong nội dung mẫu con dấu; Hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty; Nguyên tắc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; Phối hợp chia sẻ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp giữa các cơ quan đơn vị; ... .
Về chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội, Nghị định quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, doanh nghiệp xã hội phải thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động. Trong trường hợp chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự. Doanh nghiệp xã hội chỉ được chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã xử lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp đã nhận.
Việc quản lý và sử dụng con dấu doanh nghiệp được quy định như sau: Các doanh nghiệp đã thành lập trước 01/07/2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước 01/7/2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước 01/7/2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời, thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp và có hiệu lực thi hành từ ngày 08/12/2015. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và ban hành các biểu mẫu để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định này./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư