(Ảnh minh họa: Thùy Dung/TTXVN) Ngày 3/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng nhằm góp ý cho Chính phủ trong việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết đây là chủ đề hết sức quan trọng - tăng trưởng có sự tham gia và hưởng thụ của mọi người dân và cũng là chủ đề nổi bật trên những diễn đàn chính sách toàn cầu. Những diễn biến của tình hình thế giới cho thấy tuy tốc độ tăng trưởng là rất quan trọng, song không đủ. Các nước cần phải có phương thức phù hợp để đảm bảo tăng trưởng công bằng, để không ai bị tụt lại phía sau, có như vậy tăng trưởng mới thực sự vì con người và củng cố các mối gắn kết xã hội, là tiền đề để tăng trưởng mang tính bền vững.
Báo cáo đưa ra khái niệm "tăng trưởng bao trùm" dựa vào những tài liệu nghiên cứu trên thế giới và vận dụng khái niệm này cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Khái niệm này được định nghĩa là tăng trưởng vừa thúc đẩy mở rộng cơ hội và không để ai bị tụt lại phía sau; vừa nhấn mạnh tăng tốc về mặt kinh tế vừa nhấn mạnh sự bình đẳng trong phân phối, nhằm xóa đói giảm nghèo cũng như giúp tất cả các nhóm dân cư cùng phát triển, ở cấp độ hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý, khuyến nghị trong ba lĩnh vực là năng suất lao động cao hơn thông qua việc làm có năng suất cao hơn, giáo dục y tế có chất lượng tốt hơn và công bằng hơn, an sinh xã hội phù hợp với mục đích phát triển.
Việt Nam có thành tích tốt về phát triển con người trong 35 năm qua, những thành tích này biến động và chậm dần trong những năm gần đây. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, chỉ số phát triển con người (HDI) và đặc biệt là chỉ số giáo dục có phần chậm lại và đã xuất hiện khoảng cách giữa Việt Nam và các nước có cùng điều kiện phát triển. Mặc dù Việt Nam có tiến bộ nhanh hơn vào thời kỳ sau những năm cuối thập kỷ 90, khoảng cách này chưa được san bằng.
Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam nhìn chung là tốt trong 35 năm qua, nhưng so với nền tảng ban đầu là chậm. Tăng trưởng về thu nhập có đóng góp lớn vào tiến bộ của chỉ số HDI và có thành tích tốt trong thời kỳ chuyển đổi ban đầu khi những cải cách phát huy tác dụng nhưng những năm sau đó, tốc độ tăng trưởng đã chững lại, đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra./.
LÝ THANH HƯƠNG
TTXVN/VIETNAM+