Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Chính phủ về nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương trong năm 2016 và giai đoạn tới.
|
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Thưa ông, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, trong năm 2016, ông sẽ ưu tiên những vấn đề nào để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên ?
Ông Hoàng Văn Trà: Năm 2016, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Phú Yên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, UBND tỉnh sẽ ưu tiên tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây.
Trước hết là tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt 6 chương trình hành động, trong đó có việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hoá dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động; tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng.
Đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư cởi mở, lành mạnh; Đầu tư phát triển, đưa ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…
Thực hiện hiệu quả các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2015. Tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục, nhất là thủ tục đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn (dự án nuôi bò sữa và bò thịt; dự án hợp tác phát triển trồng ngô của Tập đoàn Invivo NSA Vietnam; dự án thu mua, chế biến cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hokugan Nhật Bản; dự án nhà máy điện sinh khối Phú Yên…).
Tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2016 có 34% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (30 xã).
Năm 2016, với chủ đề “Năm doanh nghiệp Phú Yên” theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, tỉnh sẽ chú trọng tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; làm cầu nối giúp cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc; cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp... Đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sớm triển khai đầu tư các dự án lớn trên địa bàn. Phấn đấu trong quý I/2016, bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực 404 ha dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô cho nhà đầu tư triển khai dự án…
Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)…
Tỉnh sẽ thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất…; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý, thay thế, chuyển đổi vị trí công tác những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, uy tín thấp, năng lực công tác hạn chế không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu.
|
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Thưa ông, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ưu tiên đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trong giai đoạn 2016-2020. Vậy Phú Yên sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào?
Ông Hoàng Văn Trà: Khu kinh tế Nam Phú Yên có diện tích tự nhiên 20.730 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; là đầu mối cửa ngõ giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.
Trong thời gian qua, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, tạo điều kiện để thu hút đầu tư.
Để tiếp tục phát huy lợi thế từ khu kinh tế này, Tỉnh ủy Phú Yên sẽ ban hành chương trình hành động về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên; tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hoá dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đây cũng là một trong 4 giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI đề ra.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên tập trung điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để thu hút đầu tư.
Cùng với đó là sẽ hình thành các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp lọc, hóa dầu. Hiện nay, đã thu hút được một số dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên, đặc biệt là Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, với quy mô công suất 8 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 3,2 tỉ USD. Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã cơ bản hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Tỉnh đã bàn giao 134 ha đất khu vực xây dựng cảng Bãi Gốc cho nhà đầu tư. Dự kiến trong quý I/2016 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng 404 ha khu vực xây dựng nhà máy, để nhà đầu tư tổ chức khởi công dự án.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, xin ông cho biết thêm trong năm 2016 tỉnh sẽ quan tâm, chăm lo như thế nào đến đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách?
Ông Hoàng Văn Trà: Cùng với việc phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình chăm sóc, nâng cao mức sống cho người có công; tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng. Tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 5,72%. Đẩy mạnh công tác xóa nhà ở tạm, huy động nhiều nguồn vốn xây dựng nhà ở cho hộ chính sách, hộ nghèo.
|
Một góc TP. Tuy Hòa. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Chỉ đạo triển khai tốt các chính sách bảo trợ xã hội như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; trợ cấp tiền điện; miễn giảm học phí; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác... Tăng mức trợ cấp xã hội đối với một số nhóm đối tượng đặc thù. Tiếp tục triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện Sông Hinh và Đồng Xuân.
Trước mắt, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cho các đối tượng trên địa bàn, theo kế hoạch đã đề ra. Tổ chức kiểm tra, rà soát lại các chế độ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng. Kiểm tra, hỗ trợ kịp thời số hộ dân có nguy cơ thiếu đói, không để hộ nào thiếu ăn trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán./.
Xin cảm ơn ông!
Thế Phong (thực hiện)
Chinnhphu.vn