Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/10/2013-09:40:00 AM
Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2013 tỉnh Nghệ An
9 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An diễn biến trong điều kiện khó khăn do sự suy giảm kinh tế chung của cả nước và thế giới, sản xuất đình đốn, giá cả của các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như điện, gas, xăng dầu; một số ngân hàng nợ xấu còn cao, giao dịch bất động sản đang còn trầm lắng; thời tiết thất thường; dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của các tầng lớp dân cư. Trước bối cảnh đó ngay từ đầu năm dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Thực hiện Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-UBND về những giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2013. Do đó kinh tế - xã hội 9 tháng đã đạt được một số kết quả nhất định trong điều kiện khó khăn đó là sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, cụ thể như sau
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1, Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 9 tháng/2013 theo giá so sánh 2010 ước đạt 39568,5 tỷ đồng, tăng 6,48% so với 9 tháng/2012, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 10479 tỷ đồng, tăng 3,36%; khu vực công nghiệp – xây dựng 11476,6 tỷ đồng, tăng 3,53% và khu vực dịch vụ 14962,9 tỷ đồng, tăng 8,56% và thuế sản phẩm 2650 tỷ đồng, tăng 22,97% (Thuế sản phẩm được tách riêng theo quy định của thông tư 08/2012/TT-BKHĐT bao gồm thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế sản phẩm khác. Do vậy trước đây tính giá trị sản xuất theo giá sản xuất thì nay tính giá trị sản xuất theo giá cơ bản và khi đó trong giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm từng ngành không có thuế và thuế sản phẩm được tính riêng và cộng vào tổng sản phẩm trong tỉnh). Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay cao hơn tốc độ tăng 9 tháng của năm 2012 (6,13%). Trong 3 khu vực của nền kinh tế thì khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lại có tốc độ tăng thấp hơn.
Trong 6,48% mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã đóng góp 0,92 điểm %; khu vực công nghiệp, xây dựng đóng góp 1,05 điểm %; khu vực dịch vụ đóng góp 3,18 điểm % và thuế sản phẩm đóng góp 1,33 điểm %.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,36%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 2,94% do sản phẩm trồng trọt 9 tháng tăng ở mức vừa phải như lương thực tăng 0,64%, rau tăng 10,83%, lạc tăng 12,55%, … cộng với ngành chăn nuôi vẫn phát triển bình thường, sản lượng xuất chuồng tăng, do đó giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp có mức tăng vừa. Còn lại 2 ngành lâm nghiệp và thủy sản đều có mức tăng khá, trong đó ngành lâm nghiệp tăng 3,0% do trong kỳ sản lượng lâm sản khai thác đều tăng so với cùng kỳ năm trước và ngành thủy sản tăng 7,2% do sản lượng đánh bắt tăng mạnh.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP)
(Theo giá so sánh 2010)
9 tháng đầu năm 2013 (Tỷ đồng)
So sánh với cùng kỳ năm trước (%)
Mức đóng góp vào tăng trưởng chung (%)
Tổng số
39 568,5
106,48
6,48
- Nông, lâm nghiệp, thủy sản
10 479,0
103,36
0,92
- Công nghiệp, xây dựng
11 476,6
103,53
1,05
- Dịch vụ
14 962,9
108,56
3,18
- Thuế sản phẩm
2 650,0
122,97
1,33
Khu vực công nghiệp, xây dựng giá trị tăng thêm chỉ tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2012 tăng 5,48%), trong nhiều năm gần đây khu vực này luôn đạt tốc tăng tương đối cao và đóng góp nhiều cho tốc độ tăng chung của tỉnh nhưng năm nay tăng thấp. Nguyên nhân do ngành công nghiệp Nghệ An chịu tác động lớn của suy thoái kinh tế, nguồn vốn khó khăn, thị trường thu hẹp, sản phẩm sản xuất không tiêu thụ được, không có sản phẩm mới đột biến, sản phẩm chủ lực tăng thấp hoặc giảm nhất là những sản phẩm đầu vào cho ngành xây dựng như đá xây dựng, gạch, xi măng do đó chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 6,79%. Đặc biệt là ngành xây dựng, các công trình xây dựng bị đình trệ, sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã giải thể hoặc phá sản do đó giá trị tăng thêm của ngành này tương đương (tăng 0,11%) so với cùng kỳ năm trước, làm cho giá trị tăng thêm của khu vực này đạt thấp.
Khu vực dịch vụ phát triển khá do tổng mức bán lẻ, doanh thu vận tải, chi thường xuyên, … tăng khá so với cùng kỳ năm trước nên mức tăng của khu vực này đạt 8,56%. Trong đó giá trị tăng thêm của ngành bán buôn, bán lẻ tăng 7,36%; vận tải kho bãi tăng 7,46%; thông tin, truyền thông tăng 19,18%; quản lý nhà nước tăng 12,04%; giáo dục tăng 11,88%...
2, Thu chi ngân sách, tài chính tín dụng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4551,9 tỷ đồng, bằng 81,08% dự toán cả năm và tăng 25,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa ước đạt 3783,6 tỷ đồng, bằng 77,47% dự toán và tăng 18,67%. Thu ngân sách đạt dự toán và tăng khá trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn đó là sự nỗ lực lớn của các ngành chức năng cũng như các đối tượng nộp thuế, một số lĩnh vực có tỷ lệ thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như thu từ doanh nghiệp trung ương tăng 15,53%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 36,67%; thu từ CTN-DV ngoài quốc doanh tăng 27,80%; lệ phí trước bạ tăng 43,97%;…Thuế xuất nhập khẩu 9 tháng đã thu được 759,3 tỷ đồng, bằng 105,46% dự toán và tăng 72,86%.
Tổng chi ngân sách 9 tháng ước đạt 10943 tỷ đồng, bằng 73,53% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 2190 tỷ đồng, bằng 81,86% dự toán; chi thường xuyên 8623 tỷ đồng, bằng 72,43% dự toán. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 3768,2 tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán; chi sự nghiệp y tế 852 tỷ đồng, bằng 70,05% dự toán; chi đảm bảo xã hội 495,5 tỷ đồng, bằng 73,89% dự toán; chi quản lý hành chính 1531,7 tỷ đồng, bằng 73,63% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế 845,73 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng mạnh và tăng hầu hết ở các tổ chức tín dụng, tính đến 30/9/2013 nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 53216 tỷ đồng, tăng 9072 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 20,5%); chủ yếu tăng nguồn tiền gửi tiết kiệm do khối lượng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều, mặt khác sản xuất đang trong giai đoạn cầm chừng nhiều kênh đầu tư có độ rủi ro lớn nên việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn được người dân lựa chọn. Dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 92087 tỷ đồng, tăng 14748 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 19%), trong đó dư nợ ngắn hạn là 46964 tỷ đồng, chiếm 51% tổng dư nợ, tăng 26%; dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 49% tổng dư nợ, tăng 13%. Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước 2622 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 319 tỷ đồng.
3, Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 19478,4 tỷ đồng (theo giá 2010). Trong đó ngành nông nghiệp ước đạt 15910 tỷ đồng, ngành lâm nghiệp 1147,4 tỷ đồng và ngành thủy sản 2421 tỷ đồng. Mức tăng của ngành nông nghiệp và thủy sản cao hơn mức tăng của 9 tháng 2012. Cụ thể từng ngành như sau:
a, Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt:
9 tháng đầu năm 2013, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Vụ đông sản xuất không phải chịu ảnh hưởng của cơn bão nào cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp nên đã hoàn thành tốt cả về diện tích, năng suất và sản lượng; Vụ xuân thời tiết ấm áp, tuy nhiên cơ cấu giống lúa thay đổi, cùng với sâu bệnh phát sinh nên đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, do đó năng suất và sản lượng giảm hơn cùng kỳ năm trước. Vụ thu mùa đầu vụ nguồn nước đảm bảo, thời tiết thuận lợi cho nên hầu hết các huyện đã khép kín diện tích, cụ thể như sau:
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2013 ước đạt 369756,7 ha, tương đương (giảm 0,09%) so với năm 2012, chủ yếu diện tích giảm ở các cây trồng vụ mùa. Cây lương thực gieo trồng ước đạt 240697 ha, giảm 0,51% (-1239 ha) bao gồm:
Cây lúa diện tích gieo cấy ước đạt 184498 ha giảm 0,87% (-1614 ha) so với năm 2012, cây lúa vẫn là cây chủ lực của tỉnh và tập trung phần lớn ở những huyện có điều kiện thâm canh như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Nam Đàn; năng suất ước đạt 51,35 tạ/ha, giảm 0,76 tạ/ha so với năm 2012. Vụ xuân nắng ấm kéo dài làm cho thời gian sinh trưởng bị rút ngắn, lúc làm đòng gặp thời tiết lạnh, gió lốc cùng với cơ cấu giống lúa thay đổi (lúa lai giảm) nên năng suất chỉ đạt 61,27 tạ/ha, giảm 3,82 tạ/ha so với cùng vụ năm ngoái; Vụ hè thu thời tiết thuận lợi năng suất sơ bộ đạt 47,02 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha. Sản lượng thóc 9 tháng 2013 ước đạt 824983 tấn, giảm 2,44% (-20630 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Cây ngô diện tích gieo trồng ước đạt 56163 ha, tăng 0,67% (+374 ha) so với năm 2012, năng suất ngô ước đạt 41,14 tạ/ha, tăng 5,18 tạ/ha, sản lượng ước đạt 231047 tấn, tăng 15,16% (+30414 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng ngô tăng chủ yếu ở vụ đông 2012.
Mặc dù sản lượng lúa giảm nhưng bù lại sản lượng ngô tăng mạnh nên sản lượng lương thực có hạt 9 tháng ước đạt 1005246 tấn, tăng 1,24% (+12340 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Cây khoai lang diện tích gieo trồng ước đạt 8155 ha, giảm 5,83% (-505 ha), năng suất ước đạt 65,44 tạ/ha, sản lượng ước đạt 53366 tấn, giảm 3,17% (-1749 tấn) so với năm 2012. Diện tích sắn cả năm ước đạt 18369 ha, giảm 5,04% (-974 ha) so với năm trước do giá thu mua sắn nguyên liệu của nhà máy giảm nhiều, vì vậy nhiều hộ nông dân thu hẹp diện tích trồng sắn. Cây rau đậu diện tích gieo trồng 36411 ha, tăng 5,0% (+1734 ha) so với năm 2012, trong đó rau các loại diện tích 29398 ha; năng suất ước đạt 127,7 tạ/ha; sản lượng ước đạt 375402 tấn, tăng 8,58% (+29675 tấn).
Cây lạc diện tích gieo trỉa ước đạt 19618 ha, giảm 2,46% (- 494 ha) so với năm trước; năng suất 22,66 tạ/ha, tăng 2,92 tạ/ha, sản lượng ước đạt 44457 tấn, tăng 11,95% (+4746 tấn). Cây mía diện tích ước đạt 27000 ha, tăng 5,66% (+1447 ha) so với năm 2012, năng suất ước đạt 575,92 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1554987 tấn, tăng 5,3% (+78247 tấn) so với năm 2012.
Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng ước đạt 37031 ha, tăng 3,4% (+1221 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây công nghiệp lâu năm 17895 ha, tăng 8,1% và cây ăn quả lâu năm ước đạt 14561 ha, tăng 1,8%.
Còn lại các cây trồng khác phát triển bình thường.
Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ổn định, dịch cúm gia cầm và dịch ở đàn gia súc được kiểm soát tốt. Các ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh nên dịch bệnh khi xảy ra đã bao vây dập dịch do vậy dịch bệnh nhanh chóng được khống chế.
Trong 9 tháng sản lượng xuất chuồng tăng khá, cụ thể thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 6920 tấn, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước, thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 10261 tấn, tăng 5,47%, thịt gà xuất chuồng ước đạt 20500 tăng 4,49%, thịt vịt xuất chuồng 5060 tấn, tăng 1,34%. Nguyên nhân số lượng trâu, bò xuất chuồng tăng do giá cả trên thị trường tăng lên mạnh (thịt bò thăn loại 1 hiện nay giá 215 ngàn đồng/kg, tăng 26% so với tháng 12/2012); gà xuất chuồng tăng do là loại dễ nuôi, tận dụng được thức ăn sẵn có và lại được giá.
b, Sản xuất lâm nghiệp
Diện tích trồng rừng tập trung 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 9540 ha, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trồng rừng phòng hộ ước đạt 997 ha, tăng 0,2%; rừng sản xuất 8543 ha, tăng 0,6%; trong kỳ cũng đã trồng được 8100 ngàn cây phân tán. Diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ đã giao được 885875 ha, tăng 0,67%, trong đó khoanh nuôi 53720 ha và bảo vệ 832155 ha. Sản xuất cây giống phục vụ công tác trồng rừng 9 tháng ước đạt 18830 ngàn cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng khai thác lâm sản 9 tháng đạt khá, gỗ các loại khai thác 108250 m3, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước; củi 2000500 ste; tre luồng vầu 17670 ngàn cây, tăng 4,06%; nứa hàng, giang 25810 ngàn cây, tăng 5,82%; nhựa thông 2500 tấn, tăng 3,86%; song mây 447 tấn, tăng 4,2%.
Công tác bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, tuy nhiên các vụ vi phạm luật bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Trong tháng 9 đã phát hiện và xử lý 83 vụ, đưa tổng số vụ vi phạm từ đầu năm đến nay là 912 vụ, trong đó: cháy rừng đã xảy ra 17 vụ; phá rừng 3 vụ; vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác 8 vụ; vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã 22 vụ; mua bán tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép 662 vụ; vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác 92 vụ;… Các ngành chức năng đã tịch thu 945,29 m3 gỗ tròn, trong đó nhóm quý hiếm 7,88 m3; 1401,71 m3 gỗ xẻ, trong đó nhóm quý hiếm 16,3 m3; 596 cá thể, 853 kg động vật rừng… thu nộp ngân sách 14 tỷ đồng, trong đó tiền phạt hơn 4,3 tỷ đồng.
c, Sản xuất thủy sản
Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 20000 ha, trong đó diện tích nuôi trồng mặn lợ 1416 ha và chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng 1308 ha; diện tích nuôi trồng nước ngọt đạt 18584 ha; số lồng bè nuôi trồng thủy sản có 404 lồng, tăng 146 lồng so với cùng kỳ năm trước.
Để đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh, công tác sản xuất, phân phối giống thủy sản cũng phát triển khá, 9 tháng đầu năm đã sản xuất, phân phối được 600 triệu con cá giống các loại, 1020 triệu con tôm giống và 9 triệu con giống thủy sản khác.
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2013 tăng khá do thời tiết tương đối thuận lợi cho ngư dân ra khơi, thời gian bám ngư trường nhiều hơn, số tàu và công suất phương tiện đánh bắt tăng hơn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 35050 tấn, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu là sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt 28429 tấn, tăng 1,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 64470 tấn, tăng 9,48%, trong đó khai thác từ biển 60700 tấn, tăng 9,45%. Tính chung tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 99520 tấn, tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá 74900 tấn, tăng 4,69%; tôm 6270 tấn, tăng 12,99%; thủy sản khác 18350 tấn, tăng 16,78%.
4, Sản xuất công nghiệp
9 tháng đầu năm 2013 tình hình sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, (8 tháng đầu năm đã có 722 doanh nghiệp đóng mã số thuế, 283 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang làm thủ tục đóng mã số thuế, 922 doanh nghiệp không kê khai, 330 doanh nghiệp kê khai thuế bằng 0), . Tuy nhiên phát triển công nghiệp những tháng còn lại có tín hiệu tích cực, ngày 9/7 Công ty cổ phẩn sữa TH đã khánh thành Nhà máy sữa tươi sạch với công suất giai đoạn 1 là 200 nghìn tấn/năm; nhà máy nhựa Tiền Phong cùng với lượng nước trên các hồ thủy điện tăng lên tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện tăng công suất chạy máy.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2013 ước tăng 0,77% so với tháng trước và tăng 6,75% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm công nghiệp khai khoáng giảm 15,98% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,61%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,80%. Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như đá xây dựng 196 nghìn m3, tăng 11,77%; sữa tươi tiệt trùng 1595 nghìn lít, tăng 85,68% do hỗ trợ sản xuất cho nhà máy sữa Lam Sơn (Thanh Hóa); bia chai 7,1 triệu lít, tăng 14,35%; sợi 1088 tấn, tăng 29,22%; áo sơ mi 908,6 nghìn cái, tăng 52,0%; cửa gỗ 3727 m2, tăng 23,3%; bao bì và túi bằng giấy 3,9 triệu chiếc, tăng 29,6%; đá lát các loại 121,26 ngàn m2, tăng 91,97%; tấm lợp bằng kim loại 297 tấn, tăng 35,39%; điện sản xuất 340 triệu kwh, tăng 44,69%; nước máy 2,05 triệu m3, tăng 17,87%. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều sản phẩm sản xuất giảm sút như đá phiến giảm 34,79%; thuốc lá giảm 11,65%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 20,14%; phân NPK giảm 17,53%; gạch granite giảm 37,5%; xi măng giảm 2,75%; cửa sắt, thép giảm 46,09%...
Tính chung 9 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm công nghiệp khai khoáng giảm 26,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 25,26% do trong kỳ Nhà máy thủy điện Hủa Na với công suất 180 MW và Nhà máy thủy điện Khe Bố với công suất 100 MW đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,62%. Nguyên nhân 9 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng vừa phải so với cùng kỳ năm trước ngoài những khó khăn chung của toàn nền kinh tế thì trên địa bàn sản phẩm các ngành khai thác giảm mạnh, nhất là quặng thiếc giảm nhiều vì trữ lượng mỏ đã cạn dần; không có sản phẩm mới đột biến (Công ty chế biến sữa TH mặc dù đã khánh thành nhưng đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có sản phẩm), Công ty sữa Vinamilk tại Nghệ An bị thu hẹp thị trường do chia sẻ thị trường tiêu thụ với nhà máy Vinamilk ở Đà Nẵng nên sản xuất giảm sút, các sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xây dựng đều giảm như đá xây dựng, gạch nung, xi măng…
9 tháng đầu năm một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như đường tinh luyện 106078 tấn, tăng 42,92%; bia đóng chai 57,95 triệu lít, tăng 22,86%; bia đóng lon 67,37 triệu lít, tăng 8,64%; sợi 8661 tấn, tăng 34,65%; áo sơ mi cho người lớn 6,96 triệu chiếc, tăng 61,4%; bao bì và túi bằng giấy 35,8 triệu chiếc, tăng 17,86%; đá lát các loại 1066,2 ngàn m2, tăng 16,52%; vỏ lon bia, vỏ hộp 6797,5 tấn, tăng 12,64%; điện sản xuất 1651,58 triệu kwh, tăng 64,53% nước máy 16,83 triệu lít, tăng 9,66%; còn lại các sản phẩm khác có mức tăng thấp và nhiều sản phẩm giảm như đá phiến giảm 27,6%; đá xây dựng giảm 13,98%; sữa tươi tiệt trùng giảm 40,35%; sữa chua, sữa và kem lên men giảm 11,26%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 2,54%; thùng, hộp bằng bìa cứng giảm 7,21%; phân NPK giảm 11,37%; gạch nung quy chuẩn giảm 10,53%; xi măng giảm 10,95%; tấm lợp bằng kim loại giảm 23,23%...
5, Đầu tư và xây dựng
Những tháng đầu năm 2013 hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhất là việc giải ngân các nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, nợ xấu do đó vốn đầu tư phát triển tháng 9/2013 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 378,5 tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 10,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thực hiện vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 145,8 tỷ đồng, cấp huyện 145,9 tỷ đồng và cấp xã 86,8 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2789,6 tỷ đồng, giảm 10,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thực hiện vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1206,3 tỷ đồng, chiếm 43,24% giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước, cấp huyện 999,8 tỷ đồng, tăng 17,17% và cấp xã 583,5 tỷ đồng, tăng 35,51%.
Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 9 tháng/2013 đạt 23039,5 tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước ước đạt 6163,8 tỷ đồng, tăng 6,82% (vốn trung ương quản lý tăng 15,53%, địa phương quản lý tăng 2,54%); vốn ngoài nhà nước 16679,2 tỷ đồng, tăng 3,39% (vốn tổ chức, doanh nghiệp giảm 5,32%, vốn dân cư tăng 7,55%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 196,5 tỷ đồng, giảm 18,19%. Nếu phân theo khoản mục đầu tư thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 19333,2 tỷ đồng, chiếm 83,9% tổng vốn, tăng 1,10% so với cùng kỳ năm trước; vốn mua sắm tài sản cố định 1152,4 tỷ đồng, tăng 25,76%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 958,8 tỷ đồng,…
Vốn đầu tư thực hiện trong kỳ chủ yếu tập trung vào các công trình chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong thời gian gần như Dự án phát triển hạ tầng đô thị Vinh; đại lộ Vinh – Cửa Lò; nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Diễn Châu – Quán Hành; tuyến đường trục dọc D3, trung tâm đô thị mới Thái Hòa; đường 15A đoạn qua khu di tích lịch sử Truông Bồn; trụ sở UBND tỉnh; đường nối Quốc lộ 1A đi thị xã Thái Hòa; Bệnh viện ung bướu Nghệ An; Bệnh viện đa khoa Nghệ An; …
Trong kỳ đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại Nghĩa Đàn với tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ chế biến gỗ thanh với công suất 8800 m3/năm, ván sợi MDF giai đoạn 1 là 130000 m3/năm; khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách – Cảng hàng không Vinh có diện tích 11706 m2 với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014; Tập đoàn Mường Thanh khánh thành khách sạn Mường Thanh Sông Lam tiêu chuẩn 5 sao với 425 phòng đầy đủ tiện nghi; Tập đoàn TH đã khánh thành Nhà máy sữa tươi sạch TH giai đoạn I với công suất 200 nghìn tấn sữa/năm; Khánh thành đền thờ các anh hùng liệt sỹ Khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng mức đầu tư 175,4 tỷ đồng.
Công tác xúc tiến đầu tư: Trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức thành công hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Quý Tỵ tại Thành phố Vinh, tổ chức Hội nghị doanh nhân giỏi Nghệ An, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, tổ chức tốt thông tin quảng bá hình ảnh Nghệ An. Từ đầu năm đến 15/9/2013 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 52 dự án đầu tư trong nước với số vốn 5106,77 tỷ đồng, 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 20,08 triệu USD. Lũy kế đến ngày 16/9/2013 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 836 doanh nghiệp với vốn điều lệ bình quân 1 doanh nghiệp là 4,68 tỷ đồng.
6, Thương mại giá cả
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2013 theo giá hiện hành ước đạt 4006,6 tỷ đồng, tăng 18,52% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2013 tổng mức bán lẻ ước đạt 36011,6 tỷ đồng, tăng 19,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thành phần kinh tế nhà nước ước đạt 4799 tỷ đồng, giảm 11,05% do một số doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần ngoài nhà nước; thành phần kinh tế tư nhân 13326,7 tỷ đồng, tăng 37,26%; thành phần kinh tế cá thể 17336,8 tỷ đồng, tăng 19,35%. Trong tổng mức bán lẻ 9 tháng thì doanh thu ngành thương mại ước đạt 28496,3 tỷ đồng, tăng 23,97%; ngành lưu trú và ăn uống 3141,8 tỷ đồng, tăng 14,67%; ngành du lịch lữ hành 37 tỷ đồng, giảm 8,48%; ngành dịch vụ khác 4336,5 tỷ đồng. Nếu loại trừ ảnh hưởng của tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng còn tăng 5,07%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2013 ước đạt 23,3 triệu USD, giảm 28,46% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2013 ước đạt 238,9 triệu USD, giảm 2,8%. Trừ thành phần kinh tế tư nhân còn lại các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu đều tăng hơn cùng kỳ năm trước, tăng mạnh ở kinh tế tập thể và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như hàng rau quả tăng 32,11%; chè búp khô tăng 22,52%; hạt tiêu tăng 38,65%; thực phẩm chế biến tăng 89,52%; hàng dệt may tăng 223,81%; sản phẩm bằng gỗ tăng 30,13%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng 20%; đồ chơi trẻ em tăng 37,24%. Kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước do một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như dăm gỗ, vật liệu xây dựng chỉ bằng 82,38% hay tinh bột sắn cũng xuất khẩu cầm chừng.
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9/2013 ước đạt 12,5 triệu USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 138,1 triệu USD, giảm 15,91%, trong đó thành phần kinh tế nhà nước giảm 58,71%, thành phần kinh tế tư nhân giảm 19,05%. Ngoại trừ vải may mặc, phân bón, chất dẻo nguyên liệu và bông xơ sợi dệt có mức tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, còn lại các hàng hóa khác đều có giá trị nhập khẩu giảm và nhiều mặt hàng trong kỳ không được nhập về như thuốc tân dược, bột giấy và ô tô.
Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2013 tăng 0,3% so với tháng trước; so với cùng kỳ tăng 14,14% và tăng 3,5% so với tháng 12/2012. CPI tháng này tăng nhẹ so với tháng trước do giá các mặt hàng tăng ở mức thấp và có 3 nhóm hàng giảm giá là giao thông giảm 0,13% do tác động của giá xăng dầu giảm 300 đồng/lít vào ngày 22/8; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06% và nhòm bưu chính viễn thông giảm 0,08%.
Giá vàng biến động thất thường, so với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 0,25% và giảm 19,62% so với tháng 12/2012; chỉ số đô la Mỹ giữ nguyên so với tháng trước và tăng 1,93% so với tháng 12/2012.
Tính chung chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2013 tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,19% (lương thực giảm 6,93%, thực phẩm tăng 4,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 6,55%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,58%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,65%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 205,1% do việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 11 năm trước theo Quyết định 72/2012/QĐ-UBND; nhóm giáo dục tăng 15,92%… Chỉ có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,12%.
Chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng đầu năm 2013 giảm 7,34% và chỉ số đô la Mỹ tăng 0,80% so với cùng kỳ năm trước.
7, Vận tải
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 9 ước đạt 3929,2 ngàn lượt khách và 339 triệu lượt khách.km, trong đó chủ yếu là vận tải đường bộ. So với cùng kỳ năm trước khối lượng hành khách vận chuyển tăng 11,7%, luân chuyển tăng 6,89%. Do nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao vào dịp 2/9 và học sinh, sinh viên đến ngày tựu trường nên hoạt động vận tải hành khách tăng khá. So với tháng 8 vận tải hành khách tăng 9,58% lượt khách và tăng 4,8% lượt khách.km. Tính chung 9 tháng khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 39220,2 ngàn lượt khách, tăng 7,26% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 3545,4 triệu lượt khách.km, tăng 8,13%.
Vận tải hàng hóa tháng 9/2013 ước đạt 3533,7 ngàn tấn và 173,2 triệu tấn.km. Tính chung 9 tháng đầu năm khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 31 triệu tấn, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa 1462 triệu tấn.km, tăng 5,58%. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa kỳ này tăng thấp do nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn, các ngành sản xuất liên quan đến vận tải hàng hóa hoạt động cầm chừng nhất là chở vật liệu xây dựng giảm nên ảnh hưởng đến khối lượng vận chuyển và luân chuyển chung.
Doanh thu vận tải bốc xếp tháng 9 ước đạt 483,3 tỷ đồng đưa doanh thu 9 tháng ước đạt 4244,8 tỷ đồng, tăng 16,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 2654,9 tỷ đồng, tăng 16,78%; doanh thu vận tải hành khách 1325,4 tỷ đồng, tăng 20,09% và doanh thu bốc xếp dịch vụ vận tải 264,5 tỷ đồng.
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1, Đời sống dân cư
9 tháng năm 2013 kinh tế - xã hội tỉnh nhà mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có bước phát triển và giá cả của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ tăng thấp, nên nhìn chung đời sống của các tầng lớp dân cư tương đối ổn định và có phần cải thiện hơn tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những người làm công ăn lương và những người thu nhập thấp.
Trong khu vực Nhà nước đời sống của cán bộ công nhân viên chức có được cải thiện hơn do tiền lương tối thiểu của các đơn vị Hành chính sự nghiệp tăng từ 830 ngàn đồng lên 1050 ngàn đồng từ tháng 5/2012 (tăng 26,5%) cùng với đó là tăng phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức từ 10 lên 25% và phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và từ ngày 01/7/2013 lương tối thiểu tăng lên 1150 ngàn đồng (tăng 9,52%). Cán bộ, công nhân viên đương chức đều được trả lương, thưởng đầy đủ, đúng kỳ và trong dịp Tết các cơ quan hành chính sự nghiệp không có thu, các đoàn thể hiệp hội đều phát thưởng cho cán bộ từ 1000 -2000 nghìn đồng/người. Các đơn vị sự nghiệp có thu từ 2000 – 3000 nghìn đồng/người. Các trường phổ thông chi tiền Tết cho cán bộ và giáo viên chỉ từ 300 - 500 nghìn đồng/ người. Các đơn vị sản xuất kinh doanh tuy mức lương tối thiểu được điều chỉnh từ 01/10/2012 nhưng thu nhập của công nhân tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, dịp tết nguyên đán các doanh nghiệp làm ăn được đã phát thưởng cho cán bộ, công nhân từ 1 đến 4 tháng lương và nhìn chung tiền thưởng tết bình quân tương đương so với năm trước.
Đối với hộ sản xuất nông nghiệp do thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên sản xuất 9 tháng năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cộng với giá cả hàng hóa tăng thấp do đó đời sống của bà con nông dân tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã được cải thiện hơn; Tuy nhiên tính đến thời điểm 10-9-2013 trên địa bàn tỉnh còn có 5323 hộ nông nghiệp thiếu đói với 22857 khẩu chiếm 1,17% số khẩu nông nghiệp, trong đó số hộ thiếu đói gay gắt là 1599 hộ với 6897 khẩu chiếm 0,35% số khẩu nông nghiệp.
Để mọi người dân đều có cái Tết Quý Tỵ vui tươi, đầy đủ Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trích ngân sách hơn 35 tỷ đồng để chi cho việc thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó quà của Chủ tịch nước là 20,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 117 nghìn hộ nghèo trong dịp tết với số tiền 11,7 tỷ đồng. Ngoài ra Chính phủ còn hỗ trợ 3870 tấn gạo cứu đói cho các hộ nghèo đói…
Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề đạt kết quả khá, ước tính 9 tháng toàn tỉnh đã đạo tạo nghề và giải quyết việc làm cho 25250 lao động, trong đó xuất khẩu 8900 lao động tại các nước Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan… Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 4828 lao động với tổng số tiền 38 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và khắc phục khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Nghị quyết 30a, chương trình 135, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quyết định 134/TTg, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quyết định 1592/TTg, định canh định cư theo quyết định 33/TTg, … Ngân hàng chính sách xã hội từ đầu năm đến 10/9 đã giải ngân cho 22852 hộ nghèo vay vốn với số tiền 503 tỷ đồng, cho vay 19 tỷ đồng để giải quyết việc làm; cho 40258 học sinh, sinh viên vay 201,3 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh 101,85 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 7,2 tỷ đồng…
2, Giáo dục
Năm học 2013-2014 là năm học thứ hai triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, nhất là giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong giáo dục; tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2013 Nghệ An có 95 học sinh đạt giải (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu 73 giải, Trường THPT chuyên Đại học Vinh 22 giải), đứng thứ 2 cả nước. Thi Ôlimpíc Vật lý học sinh lớp 8 và lớp 11, kết quả có 90/130 học sinh lớp 8 và 141/220 học sinh lớp 11 được công nhận học sinh giỏi. Thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 với 1.294 em dự thi.
Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã công nhận thêm 22 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 817 trường (mầm non 241 trường, tiểu học 427 trường, THCS 130 trường, THPT 19 trường), đạt tỷ lệ 52,5%. Hoàn thành thi giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS, kết quả 293 người được công nhận/412 người dự thi, đạt tỷ lệ 71,1%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012-2013 có 90 hội đồng thi với 41031 thí sinh dự thi, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo an toàn. Kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung cả hai hệ giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên là 96,09%, trong đó hệ THPT 96,84%, hệ giáo dục thường xuyên 84,23%. Các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% là: Chuyên Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh, Huỳnh Thúc Kháng, DTNT tỉnh, Cửa Lò, Cửa Lò 2, Thái Lão, Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên); Nam Đàn 1; Diễn Châu 3, Diễn Châu 4, Quỳnh Lưu 1, Bắc Yên Thành, Đô Lương 3, Đô Lương 4, Thanh Chương 1... TTGDTX Quế Phong, TTGDTX Con Cuông.
Trong kỳ thi đại học năm 2013 toàn tỉnh có 118 em đạt từ 27 điểm trở lên khối A, B; 132 em đạt từ 24 điểm trở lên khối C, D; 3 em đạt từ 26 điểm trở lên khối A1. Để động viên kịp thời UBND tỉnh đã tổ chức lễ trao thưởng và tuyên dương lần thứ 4 nhằm động viên khen thưởng và tôn vinh thành tích xuất sắc mà các em học sinh đạt được trong mỗi năm học.
3, Y tế
Trên địa bàn tỉnh tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn và vừa xảy ra, các yếu tố dịch được giám sát chặt chẽ. Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đảm bảo tiến độ. Không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Công tác vệ sinh an toàn thực thực phẩm được chú trọng, trong kỳ các ngành chức năng đã thanh kiểm tra và kiên quyết xử phạt đối với những cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên trong kỳ các bệnh thông thường vẫn xảy ra như Tiêu chảy 17458 ca, trong đó có 2 ca tử vong ở Kỳ Sơn và Diễn Châu; Sốt rét có 653 ca; Sốt xuất huyết có 31 ca; So với cùng kỳ năm trước tiêu chảy tăng 3,98% (+668 ca), sốt rét giảm 16,71% (-65 ca), sốt xuất huyết giảm 22,5% (-9 ca). Ngộ độc xảy ra 61 vụ, giảm 18 ca. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy và ngộ độc là do thời tiết, uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 31/7/2013 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 9150người, trong đó có 7104người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 410/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã, nhiều nhất là thành phố Vinh 1903 người, Quế Phong 1024 người, huyện Tương Dương 835 người, Quỳ Châu 481 người, Đô Lương 388 người, Diễn Châu 335 người, Thái Hòa 305 người, Thanh Chương 243 người, Con Cuông 230 người, Quỳ Hợp 211 người... Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới (83,96%), có độ tuổi từ 20-39 tuổi (88,43%) và tiêm chích ma túy (84,75%). Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 4643 người chuyển sang bệnh AIDS (trong tỉnh 4009 người, ngoài tỉnh 634 người) và đã tử vong 2451 người. So với cùng kỳ năm trước số người nhiễm HIV tăng 785người (+9,38%), số người bị AIDS tăng 506 người (+12,23%), số người bị chết do AIDS tăng 173 người (+7,59%).
4, Hoạt động Văn hóa – Thể thao
9 tháng đầu năm 2013 công tác văn hóa thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền, trang trí cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc như: Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng; 58 năm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2; 24 năm ngày biên phòng toàn dân; Ngày thành lập đoàn TNCS HCM 26/3; 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ; 100 năm ngày sinh đại tướng Chu Huy Mân; 38 năm giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước; 123 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh; quảng bá du lịch biển Cửa Lò; 68 năm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9 … Tuyên truyền trong nhân dân nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Trong kỳ khắp nơi trong toàn tỉnh đã tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Vua Mai ở huyện Nam Đàn, Lễ hội đền Vạn Lộc ở Cửa Lò, lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu, lễ hội Mường Ham ở Quỳ Hợp, lễ hội đền Quả Sơn ở Đô Lương, lễ hội đền Vạn – Cửa Rào, lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Lưu, lễ hội Đền Nguyễn Xí ở Nghi Lộc, Lễ hội Làng Vạc ở Thị xã Thái Hòa, Lễ Hội đền chín gian ở Quế Phong, Lễ hội đền Cuông ở Diễn Châu... Các lễ hội trên được tổ chức trang nghiêm, thành kính và các chương trình ca nhạc đặc sắc cùng với tổ chức thi đấu các môn thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, ném tiêu, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, đốt lửa trại...
Đặc biệt là Lễ hội làng Sen là hoạt động có ý nghĩa chính trị – văn hóa sâu sắc thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ thành kính của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Qua đó tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ ngày 17/5-19/5/2013 trên huyện Nam Đàn và thành phố Vinh. Về dự lễ hội năm nay có 17 đoàn văn nghệ - thể thao quần chúng trình diễn hơn 100 tiết mục với hơn 400 diễn viên, nhạc công ca ngợi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiều hoạt động thể dục thể thao truyền thống.
Về thể dục thể thao tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kỷ niệm 67 năm ngày thể thao Việt Nam nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở phát triển mạnh mẽ cả quy mô và chất lượng như: Tổ chức các giải thể thao truyền thống trong các lễ hội, giải thể thao của các ngành, trường học... Các giải thi đấu trên đã tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, sôi động cuốn hút hàng chục vạn người tham gia, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Thể thao thành tích cao: Tổ chức tốt các trận bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trên sân Vinh; Công ty cổ phần bóng đá SLNA kết thúc giải V-League dành được 9 trận thắng, 6 trận hoà, 5 trận thua được 33 điểm xếp thứ 4/11 đội tham gia. Ngoài ra Nghệ An còn thi đấu nhiều giải thể thao khác và đạt được nhiều huy chương.
5, Trật tự, an toàn xã hội:
Từ 05/8/2013 đến 05/9/2013 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ, bắt giữ 13 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, thu giữ 120 kg hạt điều, 150 kg hạt tiêu, 1,1 tấn bột béo, 3,4 tấn bột lọc, 500 kg bột ngọt, 560 kg chân trâu, bò, 183 máy nghe nhạc và nhiều hàng hóa khác có tổng trị giá 1 tỷ đồng. Cộng dồn 9 tháng đầu năm đã xảy ra 147 vụ với 195 đối tượng phạm pháp kinh tế, giảm 14,53% số vụ và giảm 17,72% đối tượng so với cùng kỳ năm trước.
Phạm pháp hình sự xảy ra 99 vụ với 190 đối tượng, tội phạm chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân và 1 vụ hiếp dâm ở huyện Con Cuông làm mất 37 chỉ vàng, 10 xe máy, 5 máy tính xách tay, nhiều điện thoại di động và tài sản khác trị giá 640 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm xảy ra 1062 vụ với 2046 đối tượng phạm pháp hình sự, giảm 0,65% số vụ nhưng tăng 7,46% số đối tượng so với cùng kỳ năm trước.
Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý xảy ra 43 vụ 50 đối tượng thu giữ 467,61 gam hêrôin, 200 gam ma túy đá và 186 viên ma tuý tổng hợp. Trong tháng có 12 đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện, 8 đối tượng hoạt động mại dâm. Cộng dồn 9 tháng đầu năm số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy xảy ra 483 vụ giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện 154 người giảm 27,7%, số người hoạt động mại dâm 40 người, giảm 29,82%.
Trong tháng xẩy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 17 người, bị thương 32 người, ước giá trị thiệt hại 417 triệu đồng. Như vậy 9 tháng đầu năm đã xẩy ra 444 vụ tai nạn giao thông, làm chết 145 người, bị thương 454 người, ước giá trị thiệt hại 4163 triệu đồng. So với 9 tháng năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 4,47% (+19 vụ), số người chết giảm 0,68% (-1 người), số người bị thương giảm 7,35% (-36 người).
Trong tháng phát hiện 22 vụ đánh bạc gồm 70 đối tượng thu giữ 32 triệu đồng và nhiều tài sản khác; 2 vụ đuối nước làm chết 3 em. Tính chung 9 tháng phát hiện 344 vụ đánh bạc với 1297 đối tượng tham gia, thu giữ 1262 triệu đồng và nhiều tài sản khác.
Ngoài ra 9 tháng đã xảy ra 23 vụ cháy, 5 vụ nổ làm chết 2 người, làm bị thương 15 người, ước giá trị thiệt hại khoảng 9777 triệu đồng; phát hiện 49 vụ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là các công ty xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường. Các ngành chức năng đã kiểm tra và xử phạt hành chính 42 vụ với số tiền 2276 triệu đồng.
Khái quát lại:9 tháng đầu năm 2013 nền kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn như kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, sức mua giảm mạnh, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao và sự tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng cao, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn ổn định và có mặt phát triển: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,48%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,79%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 19,52%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 13,75%, thu ngân sách tăng 25,18%, văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với mục tiêu là nâng cao chất lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tiếp tục phấn đấu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển…các ngành, các cấp cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô; mở rộng thị trường nội địa hướng về vùng nông thôn; tăng cường công tác quản lý giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Hai là, tổ chức tốt sản xuất vụ mùa và vụ đông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư các dự án có tính khả thi và hiệu quả nhất là các dự án công nghệ cao; phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh như xi măng, vật liệu xây dựng, điện, bia, đường, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa…
Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh, bình ổn giá thuốc và dịch vụ y tế; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực hiện cơ chế một cửa liên thông; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước; giải quyết hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Năm là, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội nhất là vùng giáo, tập trung đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm về tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông và các tai nạn khác./.

Website Nghệ An

    Tổng số lượt xem: 1641
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)