Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 7 NĂM 2013
Đặc điểm tình hình tháng 7:
Tháng 7 tập trung chỉ đạo các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7); kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống thanh niên xung phong (15/7); tổ chức làm việc với Bộ Chính trị, hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An, diễn ra Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh khoá XVI... Kinh tế - xã hội tháng 7 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, gió Tây Nam hoạt động mạnh, gây hạn hán cục bộ, làm tăng nguy cơ cháy rừng,... Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, sâu hại diễn biến phức tạp; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, tình hình thế giới và trong nước chưa có nhiều chuyển biến khả quan, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy vậy, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn tỉnh, kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2013 của Nghệ An đạt được một số kết quả như sau:
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
* Sản xuất nông nghiệp: Tháng 7, sản xuất nông nghiệp tỉnh Nghệ An tập trung vào việc gieo, cấy vụ hè thu và vụ mùa năm 2013. Kết quả:
+ Cây lúa: Ước tính gieo, cấy được 84.151 ha lúa vụ hè thu - mùa, trong đó lúa hè thu là 58.287 ha, đạt 105,98% kế hoạch, bằng 98,06% cùng kỳ. Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguồn nước tại các hồ đập thấp thua năm 2012, nguy cơ xảy ra hạn hán cao. Để né tránh lụt cuối vụ (thu hoạch trước 31/8/2013), đồng thời đảm bảo thời vụ cho sản xuất vụ đông 2013 nên vụ hè thu năm nay tập trung vào một số giống lúa thuần chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn như Việt lai 20,24, Q.ưu 6, Vật tư-NA1, P6 đột biến, KD18, nếp 87... Lúa hè thu phần lớn tập trung tại các huyện như Yên Thành ước tính đạt 12.900 ha, Diễn Châu 9.000 ha, Quỳnh Lưu 5.400 ha, Thanh Chương 5.300 ha, Đô Lương 7.100 ha, Nam Đàn 5.600 ha... Diện tích lúa vụ mùa tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Diện tích gieo cấy lúa mùa toàn tỉnh đến 12/7 được 25.864 ha, đạt 61,58% kế hoạch, tăng 5,57% cùng kỳ.
+ Cây ngô: Diện tích gieo trỉa ước tính là 11.000 ha/KH 16.000 ha, đạt 68,75% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ.
+ Cây rau, đậu các loại: Diện tích ước đạt 11.400 ha, trong đó rau các loại là 5.400 ha, đạt 63,53% kế hoạch, bằng 98,18% cùng kỳ; đậu các loại là 6.000 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,83% cùng kỳ.
+ Cây đỗ tương: Diện tích ước tính đã gieo trỉa khoảng 139 ha, tăng 2,96% cùng kỳ.
+ Cây lạc: Diện tích gieo trỉa ước đạt 1.450 ha, đạt 96,67% kế hoạch, tăng 3,57% cùng kỳ.
+ Cây vừng: Diện tích gieo trỉa 5.200 ha, bằng 94,55% kế hoạch, tăng 0,29% cùng kỳ.
Hiện tại các loại cây trồng đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển, cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Các địa phương tiếp tục đẩy nhanh gieo trồng các loại hoa màu khác đồng thời thường xuyên ra đồng để chăm sóc cây trồng, dặm, tỉa cho cây lúa, chú trọng công tác bảo vệ thực vật để phát hiện và phòng trừ tất cả các loại sâu bệnh. Kiểm tra các công trình thủy lợi, công tác phòng chống hạn vào mùa nắng nóng.
- Đối với các cây trồng lâu năm: Do đang là thời điểm nắng nóng gay gắt trong năm. Vì vậy, các doanh nghiệp và các hộ nông dân đang tập trung chăm sóc cây giống, chuẩn bị vật tư phân bón và các điều kiện cần thiết khác để trồng mới vụ thu năm 2013 của các cây công nghiệp chính như chè, cà phê, cao su, dứa... nhằm đạt kế hoạch đề ra.
- Về chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trong tháng 7 nhìn chung phát triển bình thường, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Với thời tiết diễn biến thất thường, ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi chưa cao, nên luôn có nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện các dịch bệnh như tụ huyết trùng, thương hàn, dịch tả, lợn tai xanh... Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đối với vùng có nguy cơ cao.
* Sản xuất lâm nghiệp: Trong tháng 7 thời tiết nắng nóng, các địa phương tập trung làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, do vậy không để xảy ra cháy rừng. Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh 7 tháng ước đạt 3.345 ha, tăng 2,86% cùng kỳ. Diện tích rừng được chăm sóc đạt 22.000 ha, tăng 1,17% cùng kỳ. Diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ thuộc các dự án 258.976 ha, tăng 3,47% cùng kỳ.
Ước tính tháng 7 sản lượng gỗ khai thác 8.150 m3 đưa tổng số gỗ khai thác 7 tháng năm 2013 ước đạt 88.720 m3, tăng 3,47% cùng kỳ; trong đó, từ rừng tự nhiên 14.420 m3, bằng 97,36% cùng kỳ.
Lực lượng Kiểm lâm tăng cường chế độ kiểm tra, kiểm soát các vùng rừng trọng điểm, các tuyến đường sông, đường bộ. Trong tháng 7 đã phát hiện, bắt giữ 91 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng, đưa tổng số vụ vi phạm 7 tháng năm 2013 là 735 vụ, thu nộp ngân sách gần 10,96 tỷ đồng; Trong tổng số vụ vi phạm, chủ yếu là mua bán tàng trữ và vận chuyên lâm sản trái phép (530 vụ, chiếm 72,1% tổng số vụ vi phạm).
* Sản xuất Thuỷ sản: Tháng 7 là tháng khai thác chính vụ cá nam với thời tiết tương đối thuận lợi nên sản lượng khai thác ước đạt 6.789 tấn, tăng 6,44% cùng kỳ, đưa sản lượng khai thác 7 tháng ước đạt 51.272 tấn, tăng 9,99%. Sản lượng nuôi trồng tháng 7 ước đạt 6.129 tấn và 7 tháng ước đạt 24.912 tấn, tăng 2,14%. Tính chung cả nuôi trồng và khai thác tháng 7/2013 sản lượng thủy sản ước đạt 12.918 tấn, tăng 7,2% cùng kỳ, luỹ kế 7 tháng ước đạt 76.184 tấn, tăng 7,29% cùng kỳ; trong đó, sản lượng cá ước đạt 57.256 tấn, tăng 4,07%; sản lượng tôm 3.198 tấn, tăng 2,43% và sản lượng thủy sản khác 15.730 tấn, tăng 22,25%.
* Về xây dựng nông thôn mới:Tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2013. Phát triển hợp tác xã và trang trại nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới năm 2013; chuyển đổi mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập; triển khai 16 mô hình cánh đồng mẫu lớn (lúa, ngô, lạc); dồn điền, đổi thửa, hiến đất làm giao thông nông thôn... Đã sơ kết công tác hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn (đợt 1)[1] và sơ kết công tác hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
2. Sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi đầu với tín hiệu tích cực: Công ty cổ phần sữa TH đã tổ chức khánh thành nhà máy sữa tươi sạch TH công suất 500 nghìn tấn/năm, giai đoạn 1 công suất dự kiến 200 nghìn tấn/năm. Đồng thời, việc bắt đầu có mưa sau nhiều tháng khô hạn làm cho sản lượng thuỷ điện tháng này tăng hơn dự kiến. Tuy vậy, khó khăn của các doanh nghiệp vẫn đang còn hiện hữu và thể hiện rõ nhất ở các ngành sản xuất đầu vào của ngành xây dựng; cụ thể là Xi măng Hoàng Mai gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đã phải giảm quy mô sản xuất bởi lượng gạch ngói tồn kho cao. Nhìn chung trong 7 tháng, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Nghệ An tháng 7 ước tăng 7,34% so cùng kỳ; tính chung bình quân 7 tháng năm 2013, IIP ước tăng 5,8% so cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 29,88% cùng kỳ, Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,77%, Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước tăng 18,67%.
Trong tháng 7, một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng so với cùng kỳ là: điện sản xuất tăng 20,78%, Phân NPK tăng 85,41%, bao bì tăng 54,76%, bia lon tăng 42,58%, sợi tăng 57,5%, quần áo dệt kim tăng 68,42%, đá phiến xuất khẩu tăng 52,15%,...
Tính chung 7 tháng năm 2013, một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ là: đường (106 nghìn tấn, tăng 42,92%), sợi (6,6 nghìn tấn, tăng 38%), sản phẩm may (5,2 triệu chiếc, tăng 62,36%), bia lon (50,6 triệu lít, tăng 9,95%), bia chai (42,8 triệu lít, tăng 23,56%), điện sản xuất (980 triệu KWh, tăng 60%), điện thương phẩm (828 triệu KWh, tăng 1,32%), đá ốp lát (829,8 nghìn m2, tăng 9,4%)... Bên cạnh đó, nhiều ngành hiện gặp khó khăn[2] trong khâu tiêu thụ và giá cả nên sản xuất giảm: quặng thiếc (214 tấn, giảm 86,61%), đá phiến (769 nghìn m3, giảm 23,85%), đá xây dựng (1,4 triệu m3, giảm 17,49%), xi măng (613 nghìn tấn, giảm 16,84%), gạch (262 triệu viên, giảm 14,71%)
3. Lĩnh vực dịch vụ
- Về lĩnh vực thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 3.833,17 tỷ đồng, tăng 18,08% cùng kỳ; luỹ kế 7 tháng ước đạt 28.098,87 tỷ đồng, tăng 19,76% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 31,49 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng lên 188,9 triệu USD, tăng 13,01% so cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: hàng thuỷ hải sản (tăng 7355,12%), chè búp khô (29,75%), sản phẩm bằng gỗ (tăng 32,69%), hàng dệt may (tăng 285,53%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 17,45%)...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 19,64 triệu USD, bằng 95,43% so cùng kỳ; luỹ kế 7 tháng ước đạt 116,75 triệu USD, bằng 87,83% cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu tăng tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng hoá: thực phẩm chế biến (tăng 15,23%); phân bón (tăng 84,27%); vải may mặc và phụ liệu (tăng 80,85%); xơ, sợi dệt (tăng 14,94%)...
- Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2013 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,82% so với tháng 12/2012. Tính chung chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2013 tăng 13,62% so với cùng kỳ.
- Lĩnh vực du lịch:Trong tháng 7, lượng khách du lịch đến Nghệ An tiếp tục tăng với 550 ngàn lượt người, trong đó khách quốc tế ước 8,5 ngàn lượt, doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 384,8 tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.085,8 ngàn lượt người, trong đó khách quốc tế ước đạt 38,55 ngàn lượt, bằng 50% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 1.346,2 tỷ đồng, bằng 99% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động khách sạn 7 tháng ước đạt 389,4 tỷ đồng, tăng 4,24%, doanh thu hoạt động nhà hàng ước đạt 1.955,19 tỷ đồng, tăng 15,67% cùng kỳ.
- Lĩnh vực vận tải: Khối lượng luân chuyển hàng hóa tháng 7 ước đạt162,4 triệu tấn.km, tăng 8,5% so cùng kỳ; luỹ kế 7 tháng ước đạt 1.099,7 triệu tấn.km, tăng 4,86% so cùng kỳ. Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 7 đạt 407,7 triệu hành khách.km, tăng 1,99%; 7 tháng ước đạt 2.879,7 triệu hành khách.km, tăng 7,98%. Doanh thu vận tải 7 tháng ước đạt 3.305,88 tỷ đồng, tăng 17,71% cùng kỳ.
- Lĩnh vực thông tin truyền thông tiếp tục phát triển. Doanh thu lĩnh vực viễn thông, số thuê bao điện thoại đạt khá. Tổng doanh thu ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin 7 tháng ước đạt 2.254,85 triệu đồng, đạt 57,77% kế hoạch 2013. Luỹ kế đến tháng 7/2013, thuê bao điện thoại ước đạt 4.332.471 thuê bao, mật độ khoảng 151,5 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao internet quy đổi đạt 739.070 thuê bao, mật độ 25,2 thuê bao/100 dân.
- Lĩnh vực tài chính ngân hàng: Tiếp tục đảm bảo triển khai thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 31/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2013.
Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính đến 31/7/2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 51.300 tỷ đồng, tăng 7.157 tỷ đồng so với đầu năm (bằng 16,2%). Đến 31/7/2013, tổng dư nợ trên địa bàn ước đạt 88.290 tỷ đồng, tăng 10.951 tỷ đồng so với đầu năm (bằng 14,2%). Nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,8% trong tổng dư nợ. Đến nay trên địa bàn Nghệ An chưa có dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở.
4. Tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách
Thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước thực hiện 3.463,5 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 21,4% cùng kỳ năm 2012. Trong đó:
- Thu nội địa ước thực hiện 2.903,5 tỷ đồng, đạt 59,4% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; trong đó thu tiền sử dụng đất 183,2 tỷ đồng, đạt 33,3% dự toán, bằng 73,7% so cùng kỳ. Loại trừ thu tiền sử dụng đất thì thu nội địa đạt 2.720,3 tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán và tăng 20,8% so với cùng kỳ.
- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 553 tỷ đồng, đạt 76,8% dự toán, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
- Thu xổ số kiến thiếtước thực hiện 7,0 tỷ đồng, đạt 70% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách 7 tháng đầu năm ước thực hiện 8.175,18 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán UBND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.620 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán; chi thường xuyên 6.457,88 tỷ đồng, đạt 54,2% dự toán.
5. Về đầu tư và xây dựng, công tác đối ngoại, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
- Tháng 7 tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình đầu tư XDCB; đôn đốc thu hồi vốn ứng; tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra công trình XDCB. Khối lượng thực hiện XDCB thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ 7 tháng ước đạt 2.617 tỷ đồng, bằng 67,85% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 54,86% kế hoạch vốn, ước giải ngân 7 tháng ước đạt khoảng 66%. Tập trung đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư XDCB năm 2014 để làm việc với các bộ, ngành Trung ương.
- Công tác đối ngoại: Tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế sang thăm, làm việc với tỉnh; trong tháng có 308 đoàn khách nước ngoài vào Nghệ An. Tổ chức thành công Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa tại cửa khẩu Thanh Thuỷ theo nghi lễ cấp Nhà nước, có sự tham dự của Thủ tướng 2 nước Việt Nam và Lào. Tổ chức lễ đón nhận các Huân, Huy chương, Bằng khen của Nước Cộng hoà DCND Lào cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Hoạt động xúc tiến đầu tư: Trong tháng 7, đã khai trương Trang xúc tiến đầu tư bằng tiếng Việt Nam, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc trên Cổng TTĐT Nghệ An. Chuẩn bị và tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư[3] Hàn Quốc vào Nghệ An tại Hà Nội; đồng thời, làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các Hiệp hội đầu tư nước ngoài, Trung tâm Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc để thảo luận về việc đầu tư các dự án lớn của Nghệ An.
Về thu hút đầu tư, tính đến ngày 16/7/2013 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 38 dự án đầu tư, trong đó 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.287,35 tỷ đồng và 03 dự án FDI/vốn đăng ký 10,08 triệu USD.
- Về phát triển doanh nghiệp: Đến 17/7/2013, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 766 doanh nghiệp, bằng 97,68% cùng kỳ, vốn điều lệ bình quân 4,59 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng quản trị doanh nghiệp tại huyện Quỳnh Lưu. Chuẩn bị các nội dung để UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệpđể nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
6. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội
a) Giáo dục đào tạo
- Tổ chức kỳ thi Đại học, Cao đẳng đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đạt chất lượng tốt. Hoàn thành chấm thi, phúc khảo tuyển sinh lớp 10 THPT và chuyên Phan Bội Châu.
- Tổ chức cho giáo viên dự các lớp tập huấn bồi dưỡng hè của Bộ GDĐT tổ chức cho các cấp học, ngành học; Tập huấn vềchuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số với 200 cốt cán mầm non; Tập huấn dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục cho 1.200 giáo viên tiểu học.
b) Khoa học công nghệ
- Tổ chức nghiệm thu 8 đề tài, dự án: Kết quả 5 đề tài xếp loại xuất sắc và 3 đề tài xếp loại khá. Đến nay đã nghiệm thu 17/47 đề tài, dự án nghiệm thu trong năm 2013.
- Phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Việt nam tổ chức thành công Hội thảo cấp quốc gia di sản thiên nhiên, di sản văn hóa khu vực Bắc Miền Trung; Phát sóng chuyên đề truyền hình số 6 “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển giống bò vàng địa phương tại Kỳ Sơn”.
- Thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác QLNN về chất lượng, trưng cầu giám định cho các cơ quan chức năng và yêu cầu quản lý chất lượng của các Doanh nghiệp: số lượng 10 mẫu, 49 chỉ tiêu chất lượng. Lũy kế từ đầu năm: 209 mẫu; 861 chỉ tiêu.
c) Lĩnh vực y tế
- Trên địa bàn toàn tỉnh tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn và vừa xẩy ra, các yếu tố dịch được giám sát chặt chẽ. Trong tháng 7 có 02 trường hợp bệnh dại lên cơn và tử vong (01 trường hợp ở Thái Hoà, 01 trường hợp ở Nghĩa Đàn), 02 trường hợp sốt xuất huyết ngoại lai từ Lào về.
- Đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân ở tất cả các tuyến. Triển khai tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế năm 2013.
- Các hoạt động chuyên môn về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa thi và mùa du lịch.
- Đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tổ chức cho các đơn vị ký cam kết thực hiện chính sách dân số. Tập trung triển khai chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.
d) Lĩnh vực lao động, dạy nghề và an sinh xã hội:
- Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo,tháng 7 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 2.300 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 900 người); luỹ kế 7 tháng giải quyết việc làm 18.250 người (trong đó xuất khẩu lao động 6.500 người). Tuyển sinh, đào tạo nghề cho 38.500 lượt người (chủ yếu là sơ nghề và dạy nghề thường xuyên).
- Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sỹ. Trong tháng 7 đã tổ chức các đoàn Lãnh đạo tỉnh dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Điện Biên – tỉnh Điện Biên, Nghĩa trang Đường 9 – tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang Việt – Lào, Nghĩa trang Truông Bồn. Tổ chức xét duyệt cấp quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2013 của Chủ tịch nước cho các huyện, thành, thị để chuyển quà tặng cho đối tượng Người có công. Tổ chức Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà gia đình Người có công tiêu biểu.
- Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Triển khai tốt chương trình giảm nghèo năm 2013, Nghị quyết 30a tại 4 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu. Hoàn chỉnh đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững huyện Quỳ Châu giai đoạn 2013-2017 để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Thực hiện kịp thời việc xác nhận, giải quyết các chế độ chính sách người có công với cách mạng; chi trả trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho các đối tượng. Kiểm tra việc thực hiện chính sách người có công tại một số huyện, thành, thị.
- Công tác Bình đẳng giới; vì tiến bộ phụ nữ; công tác cai nghiện phục hồi và phòng chống mại dâm được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cao.
e) Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao
- Tổ chức khánh thành Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Khu di tích lịch sử Truông Bồn; đồng thời, phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tổ chức đại lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
- Tiếp tục thực hiện nội dung kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các nội dung liên quan đến di tích; chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân (Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Biểu, Lê Mao...)
- Hoạt động văn hóa cơ sởtiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hoá và xây dựng mô hình văn hoá năm 2013.
- Xây dựng quy định về tiêu chuẩn, trình tự thực hiện thực hiện thủ tục, hồ sơ công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
- Phối hợp, tổ chức tốt giải Bóng đá mini phong trào Cúp Bia Sài Gòn tỉnh Nghệ An và vòng chung kết giải bóng đá Nhi đồng cúp YAMAHA tại Nghệ An.
7. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính
- Tổ chức làm việc với Bộ Chính trị (khoá XI), vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
- Chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh khoá XVI thành công tốt đẹp, hoàn thành tốt chương trình kỳ họp đề ra. Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu.
- Tiến hành họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013. Tổ chức hội nghị triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 tới các cấp, các ngành.
- Tổ chức làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với kiểm tra thực tế một số công trình trọng điểm và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tập trung giải quyết những đơn vị ở các vị trí sinh lợi cao có xây dựng ốt cho thuê kinh doanh.
- Chuẩn bị tổ chức phương án lấy ý kiến triển khai Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp” giai đoạn 2013-2015; phương án tổ chức lấy ý kiến đánh giá trực tuyến về mức độ hài lòngcủa tổ chức, cá nhân đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh
8. Quốc phòng, an ninh và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để bị động bất ngờ xảy ra; Xử lý tốt các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo, an ninh kinh tế, văn hoá, tư tưởng,điểm nóng về an ninh trật tự. Triển khai tốt công tác diễn tập phòng thủ ở một số địa phương.
- Đã triển khai đợt tấn công, truy quét các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Trong tháng 7 toàn ngành thanh tra triển khai 46 cuộc thanh tra hành chính tại 87 đơn vị; đã kết thúc 14 cuộc, trong đó đã ban hành kết luận 06 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện 31 đơn vị có vi phạm về kinh tế, với tổng số tiền 2.567 triệu đồng. Thực hiện 16 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 813 tổ chức trên địa bàn tỉnh; qua thanh tra, đã ban hành 452 quyết định xử phạt đối với 452 tổ chức có sai phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm 1.019,6 triệu đồng.
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện trong dân. Trong tháng 7 năm 2013 đã tiếp 318 lượt công dân (giảm 4,8% so với tháng 6/2013, giảm 13,8% so với cùng kỳ tháng 7/2012); tiếp nhận 556 đơn các loại (tăng 0,9% so với tháng 6/2013, tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng 7/2012); với 53 vụ việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết (giảm 3,6% so với tháng 6/2013, tăng 6% so với cùng kỳ tháng 7/2012); đến nay đã giải quyết được 20/53 vụ việc, đạt tỷ lệ 39,2% số vụ việc phát sinh.
Lũy kế đến tháng 7 năm 2013, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiếp 3.089 lượt công dân (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012); tiếp nhận 3.737 đơn (giảm 0,8%); với 260 vụ việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết (tăng 2%); đến nay đã giải quyết được 227/260 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,3% số vụ việc phát sinh.
II. HẠN CHẾ, TỒN TẠI
1. Tình hình kinh tế đang trong giai đoạn rất khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sức mua thấp, nhiều doanh nghiệp phải đóng mã số thuế và ngừng kinh doanh, kê khai thuế bằng không; hàng hoá tiêu thụ chậm; thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án không triển khai và triển khai chậm tiến độ.
2.Việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã còn hạn chế. Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trong xây dựng NTM còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
3. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tháng 7 nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: đá phiến giảm 15,73%, đá xây dựng giảm 25,99%, gạch giảm 32,24%, xi măng giảm 15,67%... Nhiều sản phẩm khó khăn trong tiêu thụ, phải giảm quy mô sản xuất bởi lượng tồn kho cao (gạch, xi măng...).
4. Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách có cố gắng nhưng nhìn chung vẫn đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 33,3% dự toán và bằng 73,7% so với cùng kỳ. Nợ thuế ở mức cao (trên 734 tỷ đồng).
5. Tình hình khai thác cát sỏi lòng sông, gỗ lậu... vẫn còn diễn ra ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn phức tạp.
6. Trong tháng 7 đã xảy ra 01 vụ ngộ độc tập thể làm 67 công nhân tại nhà máy dệt may Hanosimex (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) phải nhập viện. Xảy ra đình công ở nhà máy may Đô Lương.
Phần thứ hai:
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THÁNG 8 NĂM 2013
Để bảo đảm thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2013, các ngành, các cấp cần tiếp tục khắc phục khó khăn, thách thức; kiên trì mục tiêu đề ra, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; trong tháng 8 năm 2013 cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:
1. Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013; chủ động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của kế hoạch năm 2013 ở mức cao nhất
- Các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp và nghiên cứu giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại trong 6 tháng đầu năm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013 ở mức cao nhất. Cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể; bám sát chương trình công tác đề ra để thực hiện, tránh tình trạng xử lý tuỳ tiện.
- Chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị (khoá XI) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020.
- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
2. Tăng cường các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch năm 2013; tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
a) Sản xuất nông, lâm, ngưnghiệp
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây trồng còn lại theo kế hoạch đề ra trong khung thời vụ cho phép. Tăng cường chăm sóc các loại cây trồng vụ hè thu và vụ mùa. Tập trung hoàn thành kế hoạch tiêm phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Phát hiện ngay những ổ dịch mới xuất hiện để bao vây, dập dịch kịp thời. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, chống các hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng. Chỉ đạo công tác khai thác, sản xuất con giống thuỷ sản; tăng cường kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên biển, cấp phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, chương trình 135, chương trình sắp xếp bố trí dân cư…
b) Sản xuất công nghiệp
- Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là ngành chế biến; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; đưa hàng hoá, dịch vụ về khu vực nông thôn, đổi mới các kênh thu mua, phân phối.
- Tăng cường chỉ đạo triển khai các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất. Thực hiện các giải pháp điều tiết điện, đảm bảo điện phục vụ sản xuất.
- Chỉ đạo các cơ sơ sản xuất công nghiệp tập trung phát huy tối đa năng lực sản xuất (nhà máy bia, thuỷ điện, các mũi trọng điểm,...). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương đưa vào hoạt động một số cơ sở sản xuất mới vào khai thác.
c) Phát triển các ngành dịch vụ
- Tăng cường công tác thông tin quảng cáo, tiếp thị tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hoá, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng cường chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo công suất các nhà máy.
- Thực hiện các biện pháp phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương để bình ổn giá; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả trên địa bàn, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm gắn với thực tiễn, hoạt động thực chất, hiệu quả. Xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá.
- Chỉ đạo hoạt động ngân hàng trên địa bàn kịp thời, nhanh nhạy, góp phần đảm bảo hoạt động ngân hàng của tỉnh có bước tăng trưởng lành mạnh, an toàn, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tổ chức đối thoại giữa ngân hàng với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vay vốn, lãi suất...
3. Đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút, xúc tiến đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã đăng ký đầu tư, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
a) Về xây dựng cơ bản
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, thu hồi vốn ứng, đốc thúc các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai đúng tiến độ.
- Kiểm tra các công trình XDCB, rà soát để có kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu XDCB năm 2013. Tích cực thu hút, bổ sung các nguồn vốn để hoàn thành các công trình dở dang.
- Triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 đảm bảo theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg, Chỉ thị số 13/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Về xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp
- Tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh và xúc tiến đầu tư vào Nghệ An; cập nhật tiến độ thực hiện các dự án đã ký thoả thuận đầu tư.
- Tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho các nhà đầu tư. Hoàn thiện đầu tư hạ tầng để có quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; thu hồi các dự án đã hết hạn chưa triển khai để giao cho nhà đầu tư có năng lực.
- Tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
4. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách
- Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống gian lận thuế và khai thác các nguồn thu mới, đẩy mạnh việc khai thác nguồn thu sử dụng đất...
- Tiến hành các biện pháp thu hồi nợ đọng, có các giải pháp để khai thác các khoản thu tiềm năng như: xổ số kiến thiết, thuê đất, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu (trong đó cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại cảng Cửa Lò).
- Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 09/2013/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013.
5. Chăm lo thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Tập huấn bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học; chuẩn bị cơ sở vật chất, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2013-2014 đúng kế hoạch. Tích cực chỉ đạo công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
- Tập trung công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao phục vụ các ngày lễ. Triển khai các biện pháp chấn chỉnh hoạt động lễ hội, quản lý di tích. Tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình văn hoá tiêu biểu; chỉ đạo tổ chức liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh năm 2013.
- Chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch xảy ra trên địa bàn. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh. Kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường, đề xuất giải pháp để tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch đưa vào sử dụng trong năm 2014. Đẩy mạnh công tác truyền thông dân số nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh, hạn chế sinh con thứ 3 trở lên.
- Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc tuyển chọn đề tài khoa học. Tổ chức giao ban khoa học và công nghệ cấp huyện. Khảo sát thu thập thông tin về đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ và hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ tại một số doanh nghiệp. Thực hiện thống kê khoa học công nghệ trên địa bàn. Hướng dẫn và tổ chức cấp phép hoạt động khoa học công nghệ và an toàn bức xạ cho các tổ chức có yêu cầu.
- Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường công tác giải quyết việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho nông dân. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công, trợ giúp các đối tượng xã hội, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện các dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng.
6. Phòng chống cháy rừng, phòng chống bão lụt, dịch bệnh
- Tích cực phòng, chống cháy rừng và phòng, chống lụt bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, cháy rừng và bão lụt gây ra. Cảnh giác đề phòng đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, có kế hoạch khắc phục hậu quả do thiên tai thảm hoạ gây ra, đáp ứng yêu cầu cần thiết của nhân dân trong mọi tình huống.
- Tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn và vừa xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, sau lũ lụt.
7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Các cấp, các ngành cần phải tổ chức và thực hiện ngay những nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ trên cơ sở phân tích từng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) và một số định hướng mới trong thời gian tới. Đồng thời, cụ thể hoá thành kế hoạch, phân công cụ thể lãnh đạo, đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
- Các địa phương cần chú trọng để có biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm luật bảo vệ rừng; phối hợp tốt trong việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, xâm canh, xâm cư.
- Tiếp tục công bô, công khai thủ tục hành chính; thực hiện cuộc vận động cán bộ, công chức đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Triển khai hình thức lấy ý kiến trực tuyến về mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với dịch vụ hành chính công; lấy ý kiến về mức độ hài lòng đối với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực giáo dục và y tế.
- Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở tất cả các loại hình. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng an ninh, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
8. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo
- Tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, chú trọng an ninh nông thôn, an ninh kinh tế, an ninh vùng giáo, an ninh biên giới, miền núi và dân tộc. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới.
- Tiếp tục đẩy mạnh tấn công truy quét các loại tội phạm; nắm chắc và xử lý kịp thời, hiệu quả tình hình nổi cộm về quốc phòng, an ninh trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn và đối tượng trọng điểm. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động chính trị, xã hội lớn trên địa bàn.
- Đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, thực hiện pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Bảo vệ an toàn các lễ hội.
- Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xẩy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài. Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
[1] Kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường GTNT đợt 1 tính đến ngày 31/5/2013: Đã thực hiện trên địa bàn 19 huyện, tổng cộng kinh phí là 125,002 tỷ đồng, trong đó số xi măng đã vay 86.687 tấn, tương đương 103,388 tỷ đồng, kinh phí vận chuyển 24,664 tỷ đồng. Hiện đã thanh toán trả nợ 40 tỷ đồng, còn nợ 85,002 tỷ đồng.
[2] Sản xuất Quặng thiếc giảm thấp so với cùng kỳ vì trữ lượng mỏ đang khai thác cạn. Sản phẩm Đường gặp khó khăn trong tiêu thụ vì giá thấp. Sản phẩm Sữa tươi và Sữa chua giảm do Nhà máy Vinamilk phải chia sẻ thị trường với nhà máy tại Đà Nẵng. Sản phẩm Xi măng và gạch ngói khó khăn trong tiêu thụ vì Xây dựng giảm và sự cạnh tranh quyết liệt của một số Công ty ngoại tỉnh.
[3] Hội nghị diễn ra vào ngày 12/7/2013 tại Khách sạn Deawoo, Hà Nội với sự tham dự của hơn 400 đại biểu; đặc biệt có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, các doanh nghiệp đã đầu tư và kinh doan tại các nước khác trong khu vực và tại Việt Nam. Tại hội nghị đã ký kết các thoả thuận hợp tác xúc tiến đầu tư và thương mại (với Cơ quan xúc tiến KOTRA Hà Nội), ký 02 thoả thuận đầu tư với tổng vốn 12,5 triệu USD.