Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/11/2013-10:50:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 tỉnh Nghệ An
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2013
Đặc điểm tình hình: Bước vào năm 2013, tình hình kinh tế thế giới nói chung đang trên đà hồi phục nhưng chậm hơn dự báo và diễn biến khó lường. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, chưa ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình trong nước chưa có nhiều chuyển biến khả quan và còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Ở trong tỉnh, thời tiết diễn biến bất thường, nhất là ảnh hưởng cơn bão số 8, 10, 11 gây thiệt hại lớn, tình hình dịch bệnh, sâu hại diễn biến phức tạp; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm mạnh, tồn kho cao ở một số ngành; đời sống dân cư gặp nhiều khó khăn...
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Lĩnh vực kinh tế
1.1. Thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế
Đã hoàn thành tốt 20/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) đạt khoảng 7,0%/KH 7-8% (cùng kỳ năm 2012 đạt 6,13%); trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,14%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,34% (riêng công nghiệp tăng 8,28%); dịch vụ tăng 10,2%. Giá cả ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 4,92% so với tháng 12/2012. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23,57 triệu đồng (năm 2012 là 21,22 triệu đồng).
1.2. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thuỷ sản: Mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 1.178.614 tấn, tăng 0,6% cùng kỳ. Các loại cây công nghiệp hàng năm được tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và phát triển khá. Tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 38.422 ha, tăng 5,8% cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 201.196 tấn, tăng 2,9% cùng kỳ. Các địa phương bao vây, dập dịch, kiểm soát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan đến lưu thông trên địa bàn. Diện tích trồng rừng tập trung, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng tăng so với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 126.766 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2013. Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường GTNT. Đến nay, có 01 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành), 6 xã đạt 16 tiêu chí; 8 xã đạt 15 tiêu chí, tăng 8 xã; 126 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 229 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 65 xã đạt từ 1- 4 tiêu chí.
Các cấp, các ngành đã chủ động phòng, chống và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, góp phần hạn chế thiệt hại, giúp nhân dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
1.3. Về sản xuất công nghiệp – xây dựng
a) Sản xuất công nghiệp: Năm 2013, tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn: giá nhiên liệu (điện, xăng) tăng cao, chủ trương chính sách đối với ngành khai khoáng, giá thiếc thị trường thế giới xuống thấp,… Tuy vậy, một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như bia, điện sản xuất, sữa tươi vẫn tăng khá. Năng lực mới tăng của ngành công nghiệp có khởi sắc từ các dự án bắt đầu hoàn thành và đi vào hoạt động như: Thuỷ điện Hủa Na), thuỷ điện Khe Bố, nhà máy may Hanosimex, nhà máy may MLB Tenergy, Nhà máy sữa tươi sạch TH, nhà máy nhựa Tiền Phong,...
Một số sản phẩm của năm 2013 có mức tăng so với cùng kỳ đó là: đường tinh luyện (tăng 29,3%), sợi (tăng 27,84%), bia chai (tăng 15,56%), bia lon (tăng 4,42%), điện sản xuất (tăng 89,93%), điện thương phẩm (tăng 5,12%), nước máy (tăng 11,43%), sản phẩm nhựa (tăng 111,85%),... Tuy vậy, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tồn kho tăng cao, nhiều sản phẩm chủ lực tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ.
b) Về xây dựng cơ bản: Năm 2013 là năm thứ 2 thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn ngân sách địa phương được UBND tỉnh giao sớm và từng bước khắc phục đầu tư dàn trải. Tiến độ các công trình XDCB đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội năm 2013 ước đạt 31.539 tỷ đồng, tăng 8,54% so với năm 2012. Khối lượng thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ ước đạt 4.292 tỷ đồng, bằng 122,91% kế hoạch, giải ngân đạt tỷ lệ 83,5% kế hoạch vốn.
1.4. Khu vực dịch vụ:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cả năm ước đạt 47.158,5 tỷ đồng, tăng 19,32% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 460 triệu USD đạt kế hoạch; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 344,369 triệu USD. Giá trị nhập khẩu ước 197,1 triệu USD.
- Lĩnh vực du lịch, vận tải, thông tin truyển thông tăng trưởng khá. Doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 1.899,96 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ; doanh thu ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin ước đạt 3.190,64 tỷ đồng; doanh thu vận tải hàng hoá và hành khách ước đạt 5.723,54 tỷ đồng, tăng 20,8% cùng kỳ.
- Lĩnh vực tài chính ngân hàng: Đến 31/12/2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 56.505 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 94.950 tỷ đồng, tăng 22,8% so với đầu năm;trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 51,5%, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 48,5%. Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước 1.230 tỷ đồng, chiếm 1,3% trong tổng dư nợ.
1.5. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp
- Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được đổi mới, triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, bài bản, tranh thủ tốt các nguồn vốn trong nước cũng như nước ngoài. Đón tiếp nhiều đoàn ra vào làm việc với tỉnh, tổ chức và tham dự nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng. Đến 15/11/2013, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 72 dự án/vốn đăng ký 12.885,76 tỷ đồng, trong đó 67 dự án đầu tư trong nước/12.464,15 tỷ đồng và 05 dự án đầu tư FDI/21,081 triệu USD.
- Về phát triển doanh nghiệp: Đến 16/12/2013, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.046 doanh nghiệp, tăng 2,16% so với cùng kỳ; vốn điều lệ đăng ký bình quân 4,56 tỷ đồng/doanh nghiệp
1.6. Tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách
Thực hiện thu ngân sách năm 2013 ước đạt 6.062 tỷ đồng, bằng 108% dự toán, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa 5.200 tỷ đồng, bằng 106,5% dự toán và tăng 2,4%% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 850 tỷ đồng, bằng 118,1% dự toán, tăng 23,5% so với cùng kỳ; Thu từ xổ số kiến thiết: 12 tỷ đồng, bằng 120% dự toán, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước thực hiện cả năm là 16.297,25 tỷ đồng.
2. Về thực hiện mục tiêu các lĩnh vực văn hoá - xã hội
- Chất lượng giáo dục có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông; việc đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng nề nếp. Chất lượng học sinh giỏi ổn định, vững chắc; giành được nhiều thành tích thông qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, kỳ thi đại học cao đẳng... Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 52.98%.
- Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được chăm lo. Áp dụng thành công nhiều phương pháp và kỹ thuật điều trị mới, hiện đại và khám và điều trị.Kịp thời xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương bị ngập lụt.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đã bám sát chương trình KHCN trọng điểm cấp tỉnh; các đề tài, dự án đã giải quyết vấn đề cấp thiết của địa phương và ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
- Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong các dịp lễ, kỷ niệm của đất nước. Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; trùng tu, chống xuống cấp di tích. Phối hợp tổ chức lễ công bố di sản dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa quốc gia và trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
- Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo,ước tạo việc làm mới cho 36.000 người. Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai thực hiện khá tốt các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 30a.
3. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường
Hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 08/5/2012 của Tỉnh ủy; tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Nghệ An đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đến 15/11/2013, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của tỉnh đạt tỷ lệ 87,09%.
Chấn chỉnh các tồn tại về quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường, bảo vệ rừng và lâm sản.
4. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo. Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông; đề án vị trí việc làm… Tổ chức triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực tham gia cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp" trong giai đoạn 2013-2015 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính mà đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.
5. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đã chủ động triển khai nhiều đợt tấn công, truy quét các loại tội phạm và tệ nạn xã hội và nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Xử lý tốt các vấn đề liên quan đến an ninh xã hội, an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, văn hoá, tư tưởng, không để xẩy ra đột xuất, bất ngờ; kìm giữ không để xẩy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Bảo vệ tốt các hoạt động chính trị, xã hội, các lễ hội lớn. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện đạt tỷ lệ 97,2%.
II. KHÓ KHĂN, TỒN TẠI
1. Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra và đạt thấp so với cùng kỳ. Có 5/25 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra, bao gồm: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, số trường đạt chuẩn quốc gia, số giường bệnh trên vạn dân và tỷ lệ xã phường thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ.
Chưa thu hút được những dự án lớn mang tính đột phá để tạo chuyển biến lớn. Chưa phát huy tốt các nguồn lực tại chỗ. Xu hướng tụt hậu về kinh tế của Nghệ An so với một số tỉnh trong khu vực đã xuất hiện rõ.
2. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm; nhiều chỉ tiêu, sản phẩm trọng điểm không đạt mục tiêu đề ra như: Xi măng; đá trắng xuất khẩu; chăn nuôi và chế biến sữa...;công tác quản lý trên một số lĩnh vực còn hạn chế như: tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, nợ xây dựng cơ bản còn lớn, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu...
3. Một số vấn đề xã hội bức xúc đã được quan tâm giải quyết nhưng chuyển biến chậm như: Tỷ lệ sinh con thứ 3+; tinh thần phục vụ kém của một số cán bộ ngành Y tế; khai thác khoáng sản trái phép, tái định cư các dự án thủy điện; nợ đọng thuế của các doanh nghiệp; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế.
5. Công tác chỉ đạo điều hành của một số cấp ủy, chính quyền trên một số lĩnh vực, nhất là về văn hóa - xã hội còn hạn chế; cải cách hành chính có chuyển biến nhưng còn chậm, thiếu quyết liệt; ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao, còn gây khó khăn cho cơ sở, doanh nghiệp.
6. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp: Việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan địa giới hành chính, xâm canh, xâm cư, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án, khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường… vẫn còn xảy ra. Tội phạm, ma tuý và tệ nạn xã hội có giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCHPHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014
I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, từng bước lấy lại đà tăng trưởng vững chắc trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế; bứt phá, tăng tốc để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2014 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.
II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:
1. Chỉ tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7 - 8%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt4,0% - 4,5%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 9 - 10%, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11 - 12%.
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất dịch vụ đạt 9 - 10%.
- Cơ cấu kinh tế: tỷ trọng nông, lâm, ngư chiếm 22 - 25%; công nghiệp xây dựng chiếm 32 - 34%; dịch vụ chiếm 42- 46%.
- Thu ngân sách đạt 6.732 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD.
- Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33 - 34 ngàn tỷ đồng.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25 triệu đồng.
- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm tối thiểu là 10 xã.
2. Chỉ tiêu xã hội:
- Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,3-0,4%o.
- Tỷ lệ hộ nghèo 10%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19,3%.
- Số trường đạt chuẩn quốc gia là 917 trường, trong đó số trường đạt chuẩn trong năm là 91 trường.
- Tạo việc làm mới cho 37 ngàn người.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 50%,
- Tỷ lệ xã chuẩn quốc gia về y tế đạt 55%.
- Số bác sỹ/ 1vạn dân đạt 6,7 bác sĩ.
- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 88%.
- Số giường bệnh trên vạn dân đạt: 23,8 giường/1 vạn dân.
- Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 77%.
- Tỷ lệ xã phường có thiết chế văn hoá đạt chuẩn quốc gia đạt 20%.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 73,6%.
3. Chỉ tiêu môi trường:
- Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 72%.
- Tỷ lệ dân số đô thị dùng nước sạch đạt 94%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,6%.
- Tỷ lệchất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 88%.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020
a) Các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 08/10/2013 của Tỉnh ủy và Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế theo Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
b)Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các ngành, các huyện đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
c) Rà soát đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách hiện hành của tỉnh để bổ sung, sửa đổi; xây dựng mới hệ thống quy hoạch, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới trên tất cả các lĩnh vực để quản lý và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
d) Thực hiện tốt việc khâu nối, phối kết hợp công tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương trong việc triển khai, tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
2. Cải thiện môi trường đầu tư,kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các cơ sở sản xuất hiện có, triển khai tăng quy mô sản xuất một số dự án có lợi thế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng
a) Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; rà soát, xử lý và thu hồi đối với các dự án đầu tư không triển khai hoặc chậm tiến độ.
b)Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các dự án đầu tư trọng điểm để đảm bảo đúng tiến độ.
c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Tiếp tục tăng cường các biện pháp vận động tài trợ vốn ODA, thúc đẩy giải ngân vốn ODA; huy động nguồn vốn đầu tư Trung ương đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án đã ký kết. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
d) Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, khoán rừng; hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo rà soát tình trạng đất bỏ hoang, kể cả đất trồng lúa, đất nông nghiệp.
đ) Rà soát, đánh giá việc quy hoạch, hoạt động xây dựng và hiệu quả thực hiện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
e) Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
g) Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng.
h) Khai thác hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tiềm năng về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển, tài nguyên lao động. Thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội
a) Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế và các vấn đề an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện các chính sách về phát triển văn hoá, thể dục thể thao, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội; đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao.
b) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá XVII) về chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020. Chú trọng nâng cao trình độ tay nghề của của người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn. Làm tốt công tác đào tạo theo các ngành nghề. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cả về thể lực và trí lực trên cơ sở củng cố hệ thống giáo dục các cấp.
c) Xây dựng đề án tổng thể về giải quyết tình trạng dôi dư, thừa thiếu cục bộ giáo viên. Rà soát, đánh giá tình hình thu chi trong nhà trường; chấn chỉnh tình hình dạy thêm, học thêm đảm bảo đúng quy định pháp luật.
d) Nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý; đổi mới nghiên cứu ứng dụng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh và quản lý. Tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là công nghệ tin học, công nghệ sinh học. Quan tâm đăng ký thương hiệu hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm có ưu thế của tỉnh.
đ) Tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, các chính sách giải quyết việc làm và giảm nghèo, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất, học tập, chữa bệnh, ổn định đời sống người nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để đảm bảo nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng, kịp thời, không để thất thoát, lãng phí.
4. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh
a) Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt Luật đất đai sửa đổi và chuẩn bị việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013. Tăng cường công tác quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường đến cộng đồng dân cư, cơ sở sản xuất. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải.
5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "Một cửa", “một cửa liên thông” ởcác ngành, các huyện và cấp xã. Đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật hành chính ở các cấp.
b) Thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, kỷ niệm, lễ hội... Công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, mua sắm công…
c) Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đề cao tránh nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tập trung giải quyết ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường công tác thanh tra gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo quyết liệt công tác thi hành án dân sự.
6. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm.
b) Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
7.Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện
a) Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đốc thúc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, kỷ luật, kỷ cương. Tập trung cao việc chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch để các cấp, các ngành chủ động xử lý công việc, tránh chồng chéo, thụ động. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
b) Rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách hiện hành. Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết XVII Đại hội Đảng bộ tỉnh chuẩn bị phương hướng cho nhiệm kỳ 2015-2020.
c) Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình công tác đã đề ra theo cơ chế điều hành, nhất là những lĩnh vực đang làm cản trở sự phát triển (giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, thủ tục hành chính, khoáng sản…)
8. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2014
a) Tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tin tưởng và tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan thông tin đại chúng đảm bảo có nhiều tin bài phản ánh các nhiệm vụ chính trị, kịp thời tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của tỉnh.
b) Các cơ quan nhà nước các cấp đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch phát triển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ trương, chính sách, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án để nhân dân biết và giám sát. Tăng cường tổ chức đối thoại và tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014./.

UBND tỉnh Nghệ An

    Tổng số lượt xem: 1559
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)