Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/06/2016-18:41:00 PM
Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 07/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương và các tập đoàn, hiệp hội, ngân hàng, tổng công ty tham gia đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Thông qua Hội nghị, Bộ GTVT mong muốn cùng các bộ, ngành, địa phương và toàn thể xã hội nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện về kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015. Từ đó đề ra giải pháp khắc phục, tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư, thực hiện thành công chiến lược, kế hoạch phát triển GTVT nhằm góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ.

Theo kế hoạch 5 năm 2011-2015, chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư các dự án do Bộ GTVT quản lý trình Thủ tướng Chính phủ là khoảng 484.000 tỷ, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn ODA chỉ cân đối được khoảng 181.000 tỷ, tương đương 37%. Chính vì vậy, cũng tại Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra giải pháp có tính đột phá là thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng…

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng, chiếm 42% và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA, với 62 dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án với tổng mức đầu tư là 158.070 tỷ đồng; Đường thủy nội địa 01 dự án tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng; Hàng hải 02 dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng; Lĩnh vực đào tạo 01 dự án tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân nguồn vốn tư nhân đạt 121.833 tỷ đồng, chiếm 32,13 % trong tổng vốn giải ngân giai đoạn này khoảng 379.213 tỷ đồng. Hai lĩnh vực chưa huy động được vốn là đường sắt và hàng không. Lĩnh vực cảng biển là một trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và khá thành công trong hình thức doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, đặc biệt là giai đoạn khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải đã có mặt tại Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả và quá trình triển khai đầu tư dự án BOT, BT, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Chính yếu tố này đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là sự tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình triển khai dự án về cơ bản được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sự minh bạch trong quá trình thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng dự án được chú trọng.

Việc lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được căn cứ trên nhu cầu thực tế, kiến nghị của địa phương, sự cần thiết phải đầu tư và đặc biệt là đảm bảo phù hợp quy hoạch được phê duyệt. Các dự án đều nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành và chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT ngày 27/01/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT. Mọi thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT.

Về nhu cầu nguồn lực đầu tư PPP giai đoạn 2016-2020, Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam và các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành GTVT đã được duyệt, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn này có tổng nhu cầu nguồn lực khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách chỉ áp dụng khoảng 11%. Do vậy, việc tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là một giải pháp tất yếu.

Bộ GTVT đề nghị Ban chỉ đạo Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP lựa chọn và chủ trì thực hiện một số dự án thí điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó làm cơ sở đánh giá, hoàn thiện cơ chế chính sách là cơ sở để các bộ, ngành thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các dự án đường bộ cao tốc, sân bay, đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao… có tổng mức đầu tư lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển giao thông có vai trò quan trọng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã xác định xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nhất là hệ thống giao thông, một trong những nhiệm vụ có tính đột phá phát triển. Với mục tiêu trọng tâm đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn với một số công trình hiện đại, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT rà soát chiến lược, quy hoạch, hạ tầng giao thông gắn với đề án tái cấu trúc ngành giao thông hướng đến phát triển hài hòa, có cơ cấu hợp lý giữa các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy… Chủ trì đề xuất các dự án ưu tiên trên tất cả các loại hình giao thông bằng hình thức BOT, quy hoạch các trạm thu phí, hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các chính sách, hệ thống pháp luật để huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Tăng cường kiểm soát của nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng theo hình thức BOT, đảm bảo lợi ích của nhà nước, toàn dân và nhà đầu tư. Bộ Tài chính rà soát chính sách phí và lệ phí theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2015 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn về giá, phí, quản lý hạ tầng theo hình thức BOT, hướng dẫn quyết toán về hợp đồng PPP. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư, bộ, ngành chức năng và địa phương để thẩm định các dự án BOT, tích cực tham gia các dự án BOT trong thời gian tới./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4066
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)