Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/06/2016-09:48:00 AM
Họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi
(MPI) – Cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi diễn ra ngày 08/6/2016, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi. Tham dự buổi họp có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2.564 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015. Các hiệp định ký kết chủ yếu là các khoản ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi, tập trung ở một số nhà tài trợ nhất định, chủ yếu là các nhà tài trợ thuộc Nhóm 6 Ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AfD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB).

Về tình hình ký kết, thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Đây là một xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững.

Tổng mức giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016 xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có sự đột phá. Nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện giải ngân là do vướng mắc về thể chế, pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; Do các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; Sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; Vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời cũng như những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…

Theo Báo cáo, phản ánh của Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án không đạt được theo tiến độ cam kết trong các hiệp định đã ký kết do các nguyên nhân: Quy định không cho phép giải ngân vượt kế hoạch giao hằng năm của Chính phủ; Vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải; Công tác chuẩn bị dự án bị chậm do chịu tác động của quá trình chuyển tiếp từ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP sang Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và phải tuân thủ quy trình, thủ tục của Luật đầu tư công. Một số quy định trong Nghị định số 16/2016/NĐ-CP chưa được hướng dẫn rõ ràng, thiếu các văn bản pháp lý về cho vay lại thông qua các tổ chức tín dụng để giảm thiểu rủi ro,...

Báo cáo cũng đưa các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới như: Các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định và Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các cam kết đối ứng của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở kiện toàn bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Tăng cường năng lực các Ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3499
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)