Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 8/7, Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 5 đã diễn ra tại khách sạn Taj Mahal ở trung tâm thủ đô của Ấn Độ.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ-ASEAN lần thứ 5. (Ảnh: Huy Bình/Vietnam+) |
Diễn đàn lần này do Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) tổ chức và được xem là hoạt động đầu tiên hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 14 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11.
Tới dự Diễn đàn lần thứ 5 này có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. K Singh, Bí thư Phương Đông Bộ Ngoại giao Preeti Saran, đại sứ các nước Philippines, Thái Lan, Chủ tịch Assocham Sunil Kanoria, Tổng Thư ký Assocham D. S. Rawat.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành tham dự Diễn đàn lần này và có bài phát biểu quan trọng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Phương Đông Preeti Saran cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ không chỉ mang tính lịch sử và kết nối về mặt địa lý mà còn có những nhân tố chiến lược cho tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng, hòa bình và ổn định của khu vực.
Mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát triển vững chắc từ chính sách hướng Đông được đề ra từ đầu những năm 1990 và giờ đây đã chuyển sang chính sách Hành động hướng Đông.
Bà Saran cho biết thêm về lĩnh vực chính trị-an ninh, Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ với ASEAN về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có các vấn đề như xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực, an ninh mạng và tội phạm xuyên quốc gia, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa…
Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm đối phó với khủng bố thông qua việc cải thiện chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật giữa hai bên, dẫn độ thủ phạm thực hiện các hành động khủng bố và thúc đẩy phát triển những kết nối chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và các tổ chức hải quan giữa hai bên.
Về lĩnh vực kinh tế và thương mại, bà Saran cho rằng khả năng ký kết một Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo động lực rất lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc ký kết thỏa thuận về thương mại trong dịch vụ và đầu tư năm 2015 cùng với thỏa thuận thương mại dịch vụ năm 2009 đã hoàn tất cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ.
|
Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Huy Bình/Vietnam+) |
Bà cho biết chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ chú trọng đến vấn đề kết nối và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố hạn mức tín dụng 1 tỷ USD cho kết nối khu vực ASEAN và Ấn Độ tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 13 diễn ra hồi tháng 11/2015.
Ngoài ra, Thủ tướng Modi còn công bố một quỹ phát triển dự án để xây dựng các đầu mối sản xuất ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhằm thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ.
Bí thư Phương Đông của Ấn Độ nhấn mạnh năm 2017, Ấn Độ và ASEAn sẽ tổ chức kỷ niệm 25 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ, diễn ra trùng thời điểm ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây là cơ hội để hai bên tái khẳng định và tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó tăng cường hợp tác kinh tế cũng là một trọng tâm quan trọng.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ-ASEAN lần thứ 5 là một sự kiện quan trọng và đúng thời điểm khi hai bên đang hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại Ấn Độ-ASEAN.
Đại sứ cho biết Ấn Độ và ASEAN đã cùng nỗ lực hướng tới những kết nối về chiến lược và kinh tế mạnh mẽ hơn. Từ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ từ năm 1991, sau hơn hai thập niên, mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng từ quan hệ đối tác đối thoại từng lĩnh vực sang quan hệ đối tác đối thoại đầy đủ, từ mối quan hệ đối tác cấp cao năm 2002 lên quan hệ đối tác chiến lược năm 2012.
Nhằm tăng cường không gian kinh tế và chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lâu dài, Ấn Độ muốn cải thiện quan hệ với ASEAN và coi ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách “Hướng Đông” trước đây và “Hành động hướng Đông” hiện nay.
Về phần mình, phần lớn các nước thành viên ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác tiềm năng có sự tin cậy cao trong khu vực và hai bên đã, đang phát triển mối quan hệ đối tác dựa trên quan điểm chung về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu cùng với những kết nối lâu nay trên 3 cột trụ về hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội (gần đây tập trung nhiều hơn vào kết nối).
Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định vẫn còn nhiều tiềm năng cho mối quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bấp bênh, Ấn Độ đang nổi lên là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là điểm hấp dẫn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất.
Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, qua đó biến cộng đồng này trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với dân số 622 triệu người và GDP là 2.500 tỷ USD.
Với tư cách là hai trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ASEAN và Ấn Độ đang cùng nhau trở thành những đối tác và đầu tàu kinh tế ngày càng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng cường thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN là một lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động mới trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện mối quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, khối lượng thương mại hàng năm giữa ASEAN và Ấn Độ vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đại sứ đề nghị khu vực tư nhân của Ấn Độ tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực hơn nữa để tận dụng các lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực nhất định, trong đó có điện tử, đá quý và trang sức, ôtô, dược phẩm, sợi bông và dệt may, công nghệ thông tin, dịch vụ.
Đại sứ Tôn Sinh Thành còn cho biết Việt Nam sẽ tích cực hợp tác thúc đẩy mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và ASEAN, đặc biệt là các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và sẽ nỗ lực thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn nữa của cả Ấn Độ và ASEAN vào các cơ chế hợp tác khu vực, trong đó có việc đánh giá thực hiện các hiệp định thương mại tự do và các cuộc thương lượng về RCEP.
Diễn đàn lần này tập trung thảo luận các chủ đề về thương mại, đầu tư, tài chính, nước, năng lượng bền vững và kết nối giao thông giữa Ấn Độ và ASEAN.
Theo số liệu thống kê của Assocham, tổng thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng hơn 3 lần, từ mức 21 tỷ USD trong giai đoạn năm 2005-2006 lên 65 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2016.
Chủ tịch Assocham Kanoria nhận định trong những năm tới, việc Thỏa thuận Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực và thuế quan áp dụng với nhiều mặt hàng được dỡ bỏ sẽ mang lại động lực lớn thúc đẩy lớn cho thương mại song phương./.