Chiều 24/7, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) tại Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 6 đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã trao đổi về tình hình triển khai hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong năm vừa qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong triển khai Kế hoạch hành động 2014-2017, trong đó có việc thực hiện các dự án điển hình như Nghiên cứu về giao thông đường thủy trên sông Mekong, Chương trình trao đổi giáo viên châu Á-Thái Bình Dương 2016, Chương trình đào tạo về dịch vụ hậu cần, Xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm hiện đại hóa hệ thống Khí tượng quốc gia Myanmar và Xây dựng hệ thống thông tin luật pháp tại Myanmar.
Các bộ trưởng hy vọng Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát huy vai trò, hỗ trợ tài chính cho các dự án trung và dài hạn, góp phần thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Các bộ trưởng hoan nghênh thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc lần thứ tư tại Myanmar vào cuối tháng Sáu vừa qua, coi đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp các nước được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, các bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các đối tác, tổ chức quốc tế trong khu vực Mekong, bao gồm Ủy hội sông Mekong (MRC).
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực như diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tình hình biển Đông, vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước-năng lượng-lương thực.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và bảy dự án sử dụng kinh phí của Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc, trong đó có dự án “Xây dựng mô hình ba bên giữa các viện nghiên cứu-ngành-chính phủ nhằm phát triển kỹ năng và đẩy mạnh công nghiệp hóa” của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại hóa; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong hợp tác Mekong-Hàn Quốc và đặc biệt là ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề cao tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự sống còn của tiểu vùng Mekong và đề nghị các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Mekong-Hàn Quốc cần bổ trợ hơn nữa cho hoạt động của Ủy hội sông Mekong.
Các Bộ trưởng nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2017.
Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng (HNBT MGC) lần thứ 7 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Komasith.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác Mekong-Sông Hằng trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay và thảo luận về phương hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Các bộ trưởng hoan nghênh kết quả đạt được trong hợp tác MGC, điển hình là dự án Bảo tàng dệt may truyền thống châu Á tại Siêm Riệp, Campuchia và Chương trình học bổng MGC với hơn 900 suất học bổng đã cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Tính đến nay, Quỹ Dự án Hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ cho 20 dự án của các nước Mekong, trong đó Việt Nam có năm dự án với tổng số vốn tài trợ khoảng 250.000 USD.
Về định hướng hoạt động thời gian tới, hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế, kết nối Mekong-Ấn Độ, nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua triển khai các hoạt động, dự án cụ thể như thành lập các nhóm công tác, tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch chung… phù hợp với nhu cầu của các nước Mekong và bối cảnh thay đổi ở khu vực.
Ấn Độ cam kết tiếp tục đóng góp 1 triệu USD/năm vào Quỹ Dự án Hiệu quả nhanh cho bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, mỗi nước sẽ được tài trợ 250.000 USD/năm.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và Kế hoạch Hành động MGC giai đoạn 2016-2018, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởngMGC lần thứ 8 tại Philippines trong năm 2017, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50./.