Đây là đánh giá thẳng thắn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ ngày 28/4/2016.
|
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ KHĐT đã có báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tính đến ngày 25/7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của 18 Bộ, cơ quan và 30 tỉnh, thành phố.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ các Bộ đã có Kế hoạch hành động gồm: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công Thương, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, NHNN Việt Nam, BHXH Việt Nam, VCCI, TTXVN.
Các địa phương đã có Kế hoạch gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang, Hà Nam, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, An Giang, Tuyên Quang, Tiền Giang, Bình Phước, Hưng Yên, Yên Bái, Bình Thuận, Đắk Nông, Hà Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên-Huế, Lào Cai, Thái Nguyên, Bình Định, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Tây Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Kế hoạch hành động của hầu hết các Bộ đã bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết; phù hợp với cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Kế hoạch hành động của một số Bộ, cơ quan như Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BHXH, VCCI,… khá chi tiết, cụ thể. Đây cũng là những Bộ, cơ quan đã liên tục tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19 trong thời gian vừa qua.
Về phía địa phương, nhìn chung chất lượng Kế hoạch hành động cũng có cải thiện so với trước; đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ bám theo yêu cầu của Nghị quyết, điển hình như TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Sóc Trăng, Quảng Nam, Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Ninh… Một số địa phương đã triển khai thực hiện Kế hoạch và đã đạt được kết quả đáng khích lệ trên một số chỉ tiêu, ví dụ như Quảng Ninh.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa cụ thể hóa cách thức triển khai, tiến độ thực hiện cũng như dự kiến kết quả đạt được. Kế hoạch hành động của một số địa phương (như Tiền Giang, Tuyên Quang, Quảng Ngãi) chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, có thể do chưa hiểu rõ phương pháp, cách xác định và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 19.
Nhiều vấn đề chưa được giải quyết
Về tình hình và kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần ba năm thực thi Nghị quyết 19 đã đạt được một số kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Nghị quyết và thực thi Nghị quyết; trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.
Thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và Nghị quyết 19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệtcác Bộ, ngành tập hợp và rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật đầu tư, soạn thảo các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanhvà trình Chính phủ ban hành để đảm bảo hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Kết quả, Chính phủ đã xem xét và thông qua 50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đúng thời hạn.
Chất lượng các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành đã có cải thiện, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết đã được bãi bỏ; điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã được sửa đổi, bổ sung. Mặc dù vậy, đánh giá chung chất lượng của nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và yêu cầu cải cách.
Về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, một trong những trọng tâm cải cách của Nghị quyết 19, mới chỉ có một số Bộ (gồm Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động triển khai thực hiện theo định hướng và yêu cầu của Nghị quyết; còn lại hầu hết các Bộ, ngành về cơ bản chưa quan tâm tới các tiêu chí về cải cách quản lý chuyên ngành như Nghị quyết đã đề ra, chưa triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan như yêu cầu của Nghị quyết.
Theo kết quả rà soát gần đây của Tổng cục Hải quan (vào tháng 6/2016) về văn bản pháp lý liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành (77 văn bản) thì chỉ có 2 văn bản đáp ứng hoàn toàn, 56 văn bản đáp ứng một phần và 19 văn bản không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ánh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết. Một số quy định về quản lý chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết, chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới một số vấn đề vướng mắc cụ thể như quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng (Thông tư số 07/2012/TT-BCT); quy định về kiểm tra formaldehyt đối với sản phẩm dệt may theo Thông tư 37/2015/TT-BCT), quy định về “xác nhận khai báo hóa chất” (Nghị định 26/2011/NĐ-CP và Thông tư 40/2011/TT-BCT); thủ tục kiểm dịch bông nhập khẩu (Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT), những vướng mắc trong ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu.
Đánh giá chung, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số Bộ, cơ quan, địa phương vẫn đang duy trì tích cực việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết, hiện vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động vào cuộc, chưa coi trọng việc thực hiện Nghị quyết (ví dụ như Bộ Công thương).
“Vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết hoặc chỉ giải quyết hình thức để đối phó dư luận”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn.
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu đề nghị các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu./.