Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/06/2016-14:36:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 năm 2016 thành phố Đà Nẵng

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 7,92% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6 tháng đầu năm 2015 (6 tháng 2015 tăng 8,25%).

Trong mức tăng 7,92% của toàn nền kinh tế trên địa bàn, VA khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,6%, cao hơn mức tăng 5,82% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,54 điểm phần trăm; VA khu vực dịch vụ tăng 7,69%, thấp hơn mức tăng 9,01% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,26 điểm phần trăm; VA khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,35% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 12,1% so cùng kỳ, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 7,58%, thấp hơn mức tăng 10,85% so cùng kỳ và đóng góp 0,95 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP toàn thành phố.

Như vậy, mức đóng góp vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 chủ yếu do khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của hai khu vực này đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 VA Công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,63 điểm; VA Dịch vụ đóng góp 4,45 điểm),

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tính riêng khối công nghiệp tăng 10,74%, đóng góp 1,88 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung. Nhìn chung, công nghiệp Đà Nẵng 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2015 tốc độ này là 7,94%). Trong đó, một số ngành công nghiệp có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao như công nghiệp sản xuất trang phục (tăng 7,19%); sản xuất cao su và plasstic (tăng 18,22%); sản xuất chất khoáng phi kim loại (tăng 28,71%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 21,95%); sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 28,08%). Ngành khai khoáng tăng 14,1% chủ yếu là do đóng góp của hoạt động khai thác đá xây dựng. Ngành xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ với mức tăng tăng 3%, cao hơn mức tăng 0,63% so với cùng kỳ, chủ yếu do đóng góp của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đối với khu vực dịch vụ, tốc độ tăng được đánh giá là thấp hơn so với cùng kỳ, nguyên nhân là do một số ngành chiếm tỷ trọng cao lại có tốc độ tăng thấp như ngành thương mại (tăng 1,65% thấp hơn mức tăng 5,9% cùng kỳ 2015); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 1,12%, thấp hơn mức tăng 15,57% so với cùng kỳ); ngành Y tế do ảnh hưởng của chỉ số giá nên có giảm nhẹ so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn có mức tăng 9,09%, cao hơn mức tăng 8,75% so với cùng kỳ với nhiều tín hiệu tốt trong hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà chung cư giá rẻ cho người có thu nhập thấp nói riêng, trong đó giá trị tăng thêm của khấu hao nhà ở dân cư tăng 8,09%.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,4% và khu vực dịch vụ chiếm 54,13%, thuế sản phẩm 11,02% (Cùng kỳ năm trước tỷ trọng tương ứng là: 2,54%; 32,61%; 53,78% và 11,07%).

Chỉ số phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010 tính theo phương pháp giá cơ bản

(Năm trước = 100)

Đơn vị tính: %

Tốc độ tăng so với cùng kỳ

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016

6 tháng 2014

6 tháng 2015

6 tháng 2016

TỔNG SỐ

107,97

108,25

107,92

7,92

Phân theo khu vực kinh tế

- Nông lâm nghiệp và thủy sản

91,59

112,10

105,35

0,17

- Công nghiệp và xây dựng

109,05

105,82

108,60

2,54

Trong đó: Công nghiệp

112,54

107,94

110,74

1,88

- Dịch vụ

108,29

109,01

107,69

4,26

- Thuế sản phẩm - trợ cấp sản phẩm

107,05

110,85

107.58

0,95

Công nghiệp

* Chính thức tháng 5/2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,18% so với tháng 5/2015. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 13,07%; công nghiệp chế biến tăng 10,81%; công nghiệp điện tăng 12,45%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,81%.

Một số ngành tăng mạnh so tháng 5/2015 như: Sản xuất sản phẩm từ cao su plastic tăng 18,92%; Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 49,17%; Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 32,68%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 20,33% (Công ty điện tử Việt Hoa ).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm 2016 tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,64%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 25,71%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 26,74%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 24,77%... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; Dệt …

Tại thời điểm 01/6/2016, chỉ số toàn kho toàn ngành chế biến chế tạo tăng 6,50% so với cùng thời điểm năm 2015. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng hơn so với mức chung: sản phẩm ngành may mặc tăng 36,46%, sản phẩm ngành dệt tăng 19,60%, sản xuất xe có động cơ tăng 146.72%, ... Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hơn so với mức chung: Sản phẩm từ giấy giảm 34,2%, sản phẩm ngành sản xuất thuốc, hóa dược liệu và dược liệu giảm 69,37%, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 27,71%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 73.95% so với cùng thời điểm năm 2015...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 5/2016 tăng 3,44% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 3,86%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất điện, khí đốt giảm 0,43%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai khoáng giảm 2,96%, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 2,69%.

* Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2016 ước tăng 3,51% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,02%; Công nghiệp chế biến tăng 3,59%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,69%; Sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 1,36% so với tháng 5/2016.

So với cùng kỳ tháng 6/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2016 tăng 9,13%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,71%; công nghiệp chế biến tăng 11,45%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,32%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 1,16%.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 19,51%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,09%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 31,93%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 38,59%. Có 2 ngành SX giảm sút: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 17,89%; ngành dệt giảm 23,48%.

* Ước cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,85%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 14,10%; công nghiệp chế biến tăng 11,08%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 9,74%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 9,43% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với 6 tháng đầu năm 2015: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,22%, Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 28,71%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 21,95%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 28,08%...

Một số ngành SX giảm sút: Ngành chế biến thực phẩm giảm 6,78%; ngành Dệt giảm 13,39%; sản xuất các sản phẩm từ giấy giảm 5,34%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu giảm 4,85% so với 6 tháng đầu năm 2015.

So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2016 một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như đá xây dựng tăng 14,10%; hộp và thùng bằng bìa giấy nhăn và bìa nhăn tăng 84,20%; Săm dung cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay tăng 16,13%; Clănke xi măng tăng 23,72%; Bê tông tươi tăng 44,73%; Thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim được cán nóng tăng 19,29%; ... và có một số sản phẩm bị giảm mạnh như: mực đông lạnh giảm 26,77%; quần áo bảo hộ lao động giảm 35,7%; bộ quần áo thể thao giảm 11,70%, Phi lê cá và các loại thịt cá khác tươi, ướp lạnh giảm 65,95%; lưới đánh cá giảm 26,33%, …

Nông nghiệp

* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt: lúa 2.893 ha, ngô 228 ha, khoai lang 195 ha, rau, đậu 499 ha, mía 185 ha, cây hoa 60 ha, lạc 498 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa tăng 0,58%; ngô giảm 4,48%; khoai lang tăng 1,4%; rau đậu tăng 0,71%; mía tăng 2,21%; cây hoa tăng 8,3%, lạc giảm 2,54%.

Năm nay thời tiết thuận lợi, thành phố đã có những giải pháp kịp thời trong công tác phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng nên năng suất lúa đạt 59,49 tạ/ha, tăng 1,1 tạ trên một đơn vị hecta, góp phần làm cho sản lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay tăng 2,38% so với vụ Động Xuân năm trước. Giống lúa chủ yếu là: Xi23, NX30, HT1…Tùy theo thổ nhưỡng của từng vùng mà sử dụng các loại giống trung, ngắn ngày hay giống dài ngày và lịch gieo trồng lúa của từng trà là khác nhau. Đây cũng là yếu tố góp phần làm tăng năng suất cây lúa.

Năng suất bình quân của các loại cây hàng năm khác nhìn chung đều tăng so với vụ Đông Xuân năm trước, ngoại trừ cây lạc và rau đậu là giảm: Ngô tăng 0,6 tạ/ha, Khoai lang tăng 0,7 tạ/ha; Lạc giảm 0.9 tạ/ha; Rau, đậu giảm 3,4 tạ/ha; Mía tăng 5.31 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

Các cây trồng khác như ngô, mè, đậu đỗ, khoai lang, dưa hấu, rau, hoa các loại... đang trong giai đoạn phát triển tốt. Bên cạnh cây lúa, vụ hè thu này ngành chú trọng triển khai các giải pháp để hỗ trợ phát triển 05 vùng rau an toàn nhằm kiểm soát quy trình sản xuất và thiết kế hệ thống tiêu thụ trên địa bàn.

Tình hình sinh vật có hại trên cây lúa và các loại cây trồng khác có nhiều đối tượng phát sinh gây hại, đặc biệt là chuột do nhiều năm trở lại đây không có lũ lụt xảy ra nên diện tích chuột phá hại tăng cao.

Để tình hình sâu bệnh phát triển như hiện nay không ảnh hưởng đến năng suất các loại cây trồng trong thời gian đến, cơ quan chuyên ngành đã triển khai hướng dẫn và phối hợp với bà con nông dân thường xuyên theo dõi và làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng. Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại để đề xuất biện pháp xử lý. Hỗ trợ thuốc cho nhân dân diệt chuột, chỉ đạo xử lý bệnh thường xuyên và liên tục.

* Chăn nuôi: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Chỉ thị số 10, Các cơ quan ban ngành đã tăng cường chỉ đạo triển khai công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, thanh tra, kiểm tra vệ sinh thú y. Trong tháng 6/2016, lực lượng chức năng của ngành đã tiêm phòng cho 39.800 con heo, 16.100 trâu bò và 158.350 con gia cầm; đã kiểm soát 34.827 con heo, 2.096 con trâu bò, 85.142 con gia cầm. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiểm soát giết mổ 151.763 con heo, 9.216 trâu bò và 347.298 con gia cầm. Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau:

+ Tổng số lượng trâu 2.081 con, tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng bò 16.959 con, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng lợn 77.901 con, tăng 4,04% so với cùng kỳ năm 2015;

+ Tổng đàn gia cầm 757 ngàn con, giảm 2,55% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó: đàn gà 359,8 ngàn con, giảm 3,14% so với cùng kỳ năm 2015.

Chăn nuôi phát triển tốt, người dân phối hợp với Trạm Thú y, UBND các xã, phường tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hoàn thành tiêm vắc-xin lở mồm long móng đợt 1 trên địa bàn 4 quận, huyện có chăn nuôi, dịch lợn tai xanh không xảy ra. Ngành đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và khu vực lân cận... Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của ngành đã phát hiện và xử lý 66 trường hợp vi phạm, phạt tiền 133,46 triệu đồng.

Lâm nghiệp

Đầu năm 2016 không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung. Trong tháng 6/2016 do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra 07 vụ cháy rừng trên diện tích 19.11 ha (gồm 3.94 ha rừng trồng và 15.17 ha cây bụi, lau lách). Lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo lực lượng chắc năng của ngành phối hợp với ngành, địa phương liên quan kịp thời ứng phó xử lý, khắc phục hậu quả các vụ cháy.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8.410m3, tăng 14,81% ; Sản lượng củi khai thác ước đạt 52.976 Ster, giảm 0,47% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Trong tháng 6/2016, cơ quan chuyên ngành đã tổ chức được 27 đợt kiểm tra tại rừng, qua kiểm tra đã phát hiện, phá hủy 01 hầm than, thu giữ 18kg mây, đẩy đuổi và đưa ra khỏi rừng 02 đối tượng; lập biên bản 10 trường hợp vi phạm hành chính (đã xử lý 08 trường hợp), phạt tiền 61 triệu đồng; tịch thu 1.158 m3 gỗ xẻ.

Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức được 157 đợt kiểm tra tại rừng, qua kiểm tra đã phát hiện và phá hủy 08 lán trại, 400 mét ống nước, 01 máy nổ, 01 máy tời, 01 cối xay đá, 49 bẫy rào chắn, 05 bẫy động vật, 02 hầm than, 18 kg mây, đẩy đuổi ra khỏi rừng 14 đối tượng. Phát hiện và lập biên bản 35 trường hợp vi phạm (đã xử lý vi phạm hành chính xong 27 trường hợp). Tịch thu 11,657m3 gỗ xẻ, 0,769 m3 gỗ tròn, 95 cây đà chống, 02 cái rựa, 01 cái ba lô, 17 dây bẫy cáp, 01 đèn khò, 03 dao nhỏ, 01 cân nhỏ, 02 bình ga mini. Tịch thu và thả lại môi trường tự nhiên 26 cá thể chim các loại. Tịch thu và tiêu hủy 20kg cây cà gai leo, 02 cá thể Chồn bạc má nam, ½ cá thể Don, 02 kg thịt Heo rừng. Tiếp nhận và thả về môi trường tự nhiên: 09 cá thể Khỉ (02 Khỉ mặt đỏ, 03 Khỉ vàng, 04 Khỉ đuôi lợn), 01 cá thể Cu li, 01 cá thể mèo rừng.

Thủy sản

Trong tháng 6/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Miền Trung đã không còn ảnh hưởng đến tình hình khai thác thủy sản tại thành phố Đà Nẵng. Sản lượng thủy sản tháng 6/2016 ước đạt 3.403 tấn, tăng 0,57% so với cùng kỳ tháng 6/2015, trong đó sản lượng khai thác hải sản ước đạt 3.401 tấn, tăng 1,25% so với tháng 6/2015. Sản lượng thủy sản cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 19.198 tấn, tăng 8,85%, trong đó sản lượng khai thác đạt 19.088 tấn, tăng 8,81% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Tổng số tàu thuyền khai thác trên địa bàn thành phố đến ngày 15/06/2016 là 1.787 chiếc, công suất 167.946 CV, trong đó tàu có công suất dưới 20CV là 787 tàu, tàu có công suất từ 20CV đến dưới 45CV là 328 tàu, tàu có công suất từ 45CV đến dưới 90CV là 127 tàu, tàu công suất 90CV trở lên là 347 chiếc.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng khá thuận lợi, đến nay các hộ nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng) đã thả giống xong; các hộ có diện tích nuôi về nước ngọt đang thả nuôi đợt 1 năm 2016. Tình hình dịch bệnh nuôi trồng thủy sản trong nuôi trồng thủy sản không xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi các đối tượng nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao.

Sản lượng nuôi trồng ước tháng 6/2016 đạt 2 tấn. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016 đạt 109,5 tấn, trong đó 17,6 tấn tôm, nhìn chung sản lượng nuôi trồng thủy sản có tăng so với cùng kỳ năm 2016 (+14,06% tương ứng sản lượng nuôi trồng tăng thêm 13,5 tấn).

Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương, hướng dẫn ngư dân vùng khai thác hải sản an toàn, quản lý chặt chẽ các phương tiện đánh bắt hải sản, bảo đảm việc đánh bắt ở các vùng biển không có nghi ngờ về ô nhiễm nguồn nước, đồng thời xác lập quy định, quy trình để quản lý chặt chẽ các nguồn hải sản nhập vào thành phố Đà Nẵng bảo đảm vệ sinh tuyệt đối. Lập thủ tục để xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn thành phố các cơ quan có liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời có giải pháp khắc phục.

Thương mại

Lưu chuyển hàng hoá

* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 6/2016 đạt 5.615 tỷ đồng, tăng 2,32% so tháng trước và tăng 1,76% so với cùng kỳ tháng 6 năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 297 tỷ đồng, tăng 3,35% so tháng trước và bằng 77,5% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 3,09% so tháng trước, tăng 3,58% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế cá thể đạt 1.710 tỷ đồng, tăng 0,48% so tháng trước, tăng 0,91% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 296 tỷ đồng, tăng 3,53% so tháng trước, tăng 22,64% so cùng kỳ tháng 6 năm 2015.

Trong tổng mức: nhóm thương nghiệp tăng 0,31%; nhóm khách sạn tăng 32,25%, nhà hàng tăng 10,37%; du lịch tăng 58,44%; dịch vụ giảm 13,29% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2015.

* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 đạt 32.021 tỷ đồng, tăng 7,04% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 1.620 tỷ đồng, bằng 71,57% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 18.507 tỷ đồng, tăng 16,6%; Kinh tế cá thể đạt 10.126 tỷ đồng, bằng 98,48%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.764 tỷ đồng, tăng 18,66% so 6 tháng đầu năm 2015.

Trong tổng mức: Thương nghiệp tăng 3,03% so cùng kỳ năm trước; lưu trú tăng 15,08%; nhà hàng tăng 12,59% so cùng kỳ; du lịch tăng 54,85%; dịch vụ tăng 10,72% so 6 tháng đầu năm 2015.

Hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành

Ngành ăn uống: Ước tháng 6/2016 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 763 tỷ đồng, tăng 1,67% so với tháng trước và tăng 10,37% so với cùng kỳ tháng 6/2015. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành ăn uống là 4.368 tỷ đồng, tăng 12,59% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Ngành lữ hành và lưu trú

Doanh thu ngành lữ hành và lưu trú ước tháng 6/2016 đạt 566 tỷ đồng, tăng 4,03% so với tháng trước và tăng 37,2% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2015. Trong đó: hoạt động khách sạn ước đạt 443 tỷ đồng, tăng 3,93% so với tháng trước và tăng 32,25% so với cùng kỳ năm 2015; hoạt động du lịch lữ hành đạt 124 tỷ đồng, tăng 4,38% so với tháng trước và tăng 58,44% so với tháng 6/2015. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành lữ hành lưu trú đạt 2.923tỷ đồng, tăng 22,49% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Tổng lượt khách phục vụ tháng 6/2016 là 401 nghìn lượt, tăng 5,15% so với tháng trước và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: lượt khách lữ hành là 33,8 nghìn lượt khách, tăng 3,65% so tháng trước và bằng 87,74% so với cùng tháng năm trước, lượt khách lưu trú là 367,3 nghìn lượt khách, tăng 5,29% so với tháng trước và tăng 14,49% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2015. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, Tổng lượt khách phục vụ 2.116 lượt, tăng 14,62% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Vận tải, bưu chính

Tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ vận tải tháng 6/2016 ước đạt 701 tỷ đồng, tăng 17,48% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 0,71% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau:

- Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 186 tỷ đồng, tăng 36,65% so cùng kỳ năm 2015; và bằng 99,14% so với tháng trước;

- Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 366 tỷ đồng, tăng 18,07% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 5,38% so với tháng trước.

- Doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 150 tỷ đồng, bằng 99,04% so cùng kỳ năm 2015; và bằng 92,53% so với tháng trước.

Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 6/2016 đạt 101 triệu Hk.km, tăng 32,1% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 285 triệu T.km, tăng 11,7% so cùng kỳ năm 2015.

Tháng 6/2016 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 97,7 tỷ đồng, bằng 86,54% so với tháng trước và bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 574 tỷ đồng, tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 25,66% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 33,87% so với tháng trước và gấp 3,3 so với cùng kỳ, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 26,9 tỷ đồng, tăng 6,64% so với tháng trước và bằng 81,39% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế doanh thu ngành vận tải 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 8,38% so cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, vận tải hành khách đạt 970 tỷ đồng, tăng 25,08%; vận tải hàng hóa đạt 1.979 tỷ đồng, tăng 4,72%; dịch vụ vận tải đạt 924 tỷ đồng và tăng 1,73% so 6 tháng đầu năm 2015. Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2016 đạt 593 triệu Hk.km, tăng 16,45% so 6 tháng đầu năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 1.561 triệu T.km, tăng 4,03% so 6 tháng đầu năm 2015.

Theo loại hình, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải nhà nước giảm 7,88%; doanh thu vận tải ngoài nhà nước tăng 13,99%; doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 2 lần; doanh thu vận tải cá thể giảm 10,43% so với 6 tháng đầu năm 2015.

* Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tháng 6/2016 ước đạt 600 nghìn tấn, tăng 11,28% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 92,59% so với tháng trước. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 175 nghìn tấn, bằng 89,85% so với cùng kỳ và bằng 92,41% so với tháng trước; hàng nhập khẩu đạt 190 nghìn tấn, bằng 92,7% so với tháng trước và tăng 28,49% so với cùng kỳ 2015; hàng nội địa đạt 235 nghìn tấn, bằng 92,64% so với tháng trước và tăng 19,56% so với cùng kỳ; hàng Container ước đạt 357 nghìn tấn, bằng 94,44% so với tháng trước và tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 3.435 nghìn tấn, tăng 10,91% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu tăng 6,63%; hàng nhập khẩu tăng 22,03%; hàng nội địa tăng 5,57% và hàng container tăng 17,43% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015.

Giá cả thị trường

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,58% so tháng trước. CPI tháng 6/2016 tăng do nhóm lương thực tăng 0,44%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,08%; Giao thông tăng 3%; nhà ở, chất đốt và VLXD tăng 0,78%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02, Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.

Chỉ số giá Bưu chính viễn thông giảm 0,03% so với tháng trước. Các nhóm hàng khác còn lại ổn định.

Giá vàng giảm 0,06%; Giá đô la Mỹ tăng 0,25% so với tháng 5/2016.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 1,57% so tháng 6/2015. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 1,26%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 1,78%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,07%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,23%; Nhà ở điện nước và chất đốt tăng 0,62%; Nhóm thực phẩm tăng 2,27%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,42%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 1,04%; Giáo dục tăng 5,25%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 24,52%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,76% và giao thông giảm 7,01%.

Giá vàng tăng 6,47%; Giá đô la Mỹ tăng 3,3% so với tháng 6/2015.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 1,46% so với tháng 12 năm trước. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 1,16%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 0,64%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,44%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,83%; Nhà ở điện nước và chất đốt tăng 0,74%; Nhóm thực phẩm tăng 1,91%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,96%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,55%; Giáo dục tăng 2,44%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 23,94%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,46% và giao thông giảm 3,55%.

Giá vàng tăng 10,94%; Giá đô la Mỹ giảm 0,58% so với tháng 12/2015.

* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với bình quân cùng kỳ năm 2015 tăng 1%. Những nhóm hàng tăng cao so với mức tăng bình quân chung như: thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,93%; giáo dục tăng 4,44%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,56%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,02%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,37%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,19%. Nhóm giao thông giảm mạnh 8,69%; bưu chính viễn thông giảm 0,65% so bình quân 6 tháng đầu năm 2015.

Giá vàng tăng 1,5%; Giá đô la Mỹ tăng 4,07% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2015.

Thực hiện vốn đầu tư* Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn ước tháng 6 năm 2016 thực hiện được 672 tỷ đồng, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 31,08% so với tháng trước. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 668 tỷ đồng, tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước và tăng 31,79% so với tháng trước; vốn nhà nước cấp huyện đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước và bằng 74,96% so với tháng trước.

* Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý II năm 2016 ước đạt 9.469 tỷ đồng, tăng 84,15% so với quý trước và bằng 95,99% so với cùng quý năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn 3.293 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với quý trước và bằng 99,42% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 5.279 tỷ đồng, tăng 71,11% so với quý trước và bằng 98,14% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 897 tỷ đồng, tăng 19,8% so với quý trước và bằng 76,43% so với cùng kỳ.

Phân theo khoản mục đầu tư, đa số vốn là đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 56,92%, còn lại là vốn mua sắm tài sản cố định chiếm 22,16%, vốn bổ sung lưu động chiếm 19,14%...

* Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước 14.611 tỷ đồng, giảm 3,07% so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn 4.601 tỷ đồng, giảm 13,76%; vốn ngoài nhà nước đạt 8.364 tỷ đồng, tăng 2,75%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.645 tỷ đồng, tăng 3,05% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Phân theo khoản mục đầu tư, đa số vốn là đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 60,09%, còn lại là vốn mua sắm tài sản cố định chiếm 21,03%, vốn bổ sung lưu động chiếm 16,7%; vốn sửa chữa tài sản cố định chiếm 1,37%; vốn đầu tư khác chiếm 0,81%.

Trong 6 tháng đầu năm 2016 tình hình thực hiện Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2015. Nguyên nhân giảm là do 1 số công trình trọng điểm có mức đầu tư lớn của Thành phố đã hoàn thành và đi vào sử dụng, số dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ đạt 63% so với cùng kỳ năm 2015.

* Tình hình một số công trình trọng điểm:

+ Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/5/2016 công trình đã thực hiện được 1.848 tỷ đồng, đạt 95% so với tổng mức đầu tư, một số hạng mục công trình phụ vẫn đang tiếp tục triển khai. .

+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 31/5/2016 công trình đã thực hiện được 254,9 tỷ đồng, đạt 77,13% so với tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2016 đến nay công trình thực hiện được 28,5 tỷ đồng, riêng trong tháng 6/2016 công trình đã thực hiện được 23 tỷ đồng. Công trình hiện đã hoàn thành phần móng và bê tông khán đài A và khán đài B; đang xây và trát tường, xây lối lên khán đài, đồng thời thi công lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sân bóng

+ Công trình nhà ở xã hội: Tính từ khi khởi công đến 31/5/2016 đã thực hiện được 1.732 tỷ đồng, đạt 92,4% so với tổng mức. Từ đầu năm 2016 đến nay dự án đã thực hiện được17,6 tỷ đồng đạt 17,95% kế hoạch được giao.

+ Khu công nghệ cao: Dự án được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5075/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 và điều chỉnh tại Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 04/3/2014 với tổng mức đầu tư dự án 8.841 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương: 3.143 tỷ đồng, ngân sách thành phố 1.492 tỷ đồng, vốn khác: 4.206 tỷ đồng. Dự án đang thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: hoàn thiện hạng mục San nền (giai đoạn 1); Trục trung tâm 51m; các tuyến đường số 01, 02, 05, 09; tuyến kênh phía Bắc đường số 2; lưới điện ngầm 22KV nhánh phía Bắc và hệ thống cấp nước phục vụ nhà đầu tư.... Dự án đã kêu gọi được 02 nhà đầu tư là Công ty Tokyo Keiki và Công ty NiWa và đang xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư khác. Năm 2016 sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho dự án để đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, dần hoàn thiện dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo quy hoạch.

+ Nhóm công trình phục vụ tuần lễ cấp cao APEC 2017: Với tổng mức đầu tư cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường phục vụ Tuần lễ APEC 2017 hơn 240 tỷ đồng do UBND thành phố làm chủ đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đối với các tuyến đường đối ngoại, đối với các tuyến đường đối nội sẽ đầu tư bằng ngân sách thành phố và xã hội hóa đang được các các đơn vị thi công gấp rút triển khai. Dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý 1 năm 2017.

* Tình hình thực hiện các dự án ODA

Tính đến 31/05/2016 thành phố Đà Nẵng có 10 dự án ODA đang trong giai đoạn xúc tiến, xem xét và vận động các nhà tài trợ . Cụ thể:

- Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ: Tư vấn của JICA đã hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi và trình UBND thành phố thẩm định.

- Dự án Xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản thống nhất cho thành phố tiếp nhận nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng các công trình phụ của dự án Xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức PPP và đề nghị thành phố Đà Nẵng giải trình các vấn đề liên quan về tổng vốn dự án, cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư… Hiện UBND thành phố đang nghiên cứu để sớm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề liên quan đến dự án.

- Dự án Xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2: 02 hạng mục Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14D và Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14D đã được đưa vào Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Khung Đầu tư Tiểu vùng (RIF) của ADB và nằm trong kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư Tiểu vùng RIF – IP giai đoạn 2014 – 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc để kêu gọi đầu tư.

- Dự án Hạn mức tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) dành cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng: Hiện AFD đang xem xét đề nghị cấp thêm cho Quỹ hạn mức tín dụng 30 triệu euro theo cơ chế vay lại thông qua Bộ Tài chính.

- Dự án Phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái trên cạn và ở biển tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

- Dự án Trung tâm ươm tạo Công nghệ cao.

- Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.

- Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao.

- Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng xúc tiến với Ngân hàng Thế giới (WB).

- Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng xúc tiến với Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID).

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động tích cực làm việc với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để xúc tiến cho các dự án của thành phố, đạt được kết quả như sau:

- Dự án Đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020: Ngày 13/8/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng v/v triển khai kết quả Kỳ họp đàm phán cấp chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam – Đức năm 2015. Theo nội dung Biên bản kỳ họp, phía Đức sẽ tiến hành xem xét 02 dự án do phía Việt Nam đề xuất, trong đó có dự án “Đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành Trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”. Hiện Trường Cao đẳng nghề đã hoàn thành Đề cương dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan trước khi tham mưu UBND thành phố xem xét gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ đăng ký dự án vào danh mục tài trợ.

- Dự án Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn: Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã có bản chào tài chính dự kiến đối với dự án và đề nghị hỗ trợ thành phố tiếp cận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Sáng kiến Phát triển các thành phố Châu Á (CDIA) để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề cương dự án. Trên cơ sở Đề cương này, UBND thành phố sẽ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ dự án và đề nghị Bộ có Thư xác nhận gửi CDIA để thành phố tiếp nhận hỗ trợ của CDIA.

* Tình hình thực hiện các dự án FDI

Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) mới cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,91 triệu USD; điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án. Lũy kế đến ngày 31/05/2016, Đà Nẵng có 398dự ánFDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,35 tỷ USD. Trong đó, 306 dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đạt 3,27 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; 89 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 975 triệu USD, chiếm 26,6% tổng vốn đăng ký; 1 dự án đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung với số vốn đầu tư 32 triệu USD và 2 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với 70 triệu USD.

Xây dựng

Chính thức quý I/2016: giá trị sản xuất kinh doanh ở các đơn vị xây lắp nhận thầu thành phố Đà Nẵng đạt 3.744 tỷ đồng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Ước tính quý II/2016: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm sau: Cục thuế TPĐN, Cục Hải quan TPĐN, Khu phức hợp FPT .... Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 4.499 tỷ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ, và tăng 20,17% so với quý trước. Trong đó tăng mạnh nhất là loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 2.705 tỷ đồng (tăng 7,5%); giảm mạnh nhất là loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 57,8% (do nhiều doanh nghiệp xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài tạm ngừng hoạt động kinh doanh), loại hình hộ dân cư giảm 2,05% so với cùng kỳ.

Cộng dồn 6 tháng năm 2016: giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 8.243 tỷ đồng tăng 2,47% so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 5.280 tỷ đồng (chiếm 64,05%) và tăng 5,1%, doanh nghiệp có tỷ trọng thấp nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 88 tỷ đồng chiếm 1,07% và giảm 55,53%, doanh nghiệp nhà nước ước đạt 1.890 tỷ đồng chiếm 22,93%, tăng 3,29% và loại hình khác (xã phường - hộ dân cư) thực hiện được 985 tỷ đồng chiếm 11,95%, giảm 0,7% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Chia theo loại công trình:

- Công trình nhà ở thực hiện được 1.355 tỷ đồng, tăng 4,88%

- Công trình nhà không để ở thực hiện 2.512 tỷ đồng, tăng 6,25%

- Công trình kỹ thuật dân dụng thực hiện được 2.646 tỷ đồng, giảm 0,14%

- Hoạt động XD chuyên dụng thực hiện được 1.730 tỷ đồng, giảm 0,89% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Tóm lại, các doanh nghiệp bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2016 vẫn còn nhiều khó khăn về giá cả nguyên vật liệu, chi phí máy móc thi công, lãi trả vay ngân hàng, chi phí nhân công tăng cao … Vì vậy, trong tình hình hiện nay cần tăng đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn Nhà nước để tạo công ăn việc làm và điều đặc biệt là nới lỏng chính sách tín dụng cho những dự án bất động sản có nhu cầu lớn, đây là một hướng đi hết sức cần thiết trong việc tạo động lực cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó các ban ngành cần nhanh chóng nghiệm thu thanh toán dứt điểm khối l­ượng theo từng giai đoạn, linh động trong việc hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp, ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, đặc biệt có chế độ thu hút nhân tài, công nhân có tay nghề cao.

Riêng các doanh nghiệp cần phải tranh thủ thời tiết tốt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt phải có phương án thi công ngay trong mùa mưa bão để bảo đảm tiến độ chung cũng như mỹ thuật, chất lượng công trình, cạnh tranh lành mạnh, dồn hết thực lực của mình để thực hiện dứt điểm từng công trình, tránh dàn trải.

Về ngoại thương

* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2016 của TP Đà Nẵng đạt 99,1 triệu USD, bằng 96,31% so tháng trước, và tăng 1,38% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước bằng 80,04% so cùng kỳ và bằng 93,79% so tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,2% so cùng kỳ và bằng 93,19% so tháng trước; khu vực kinh tế tư nhân tăng 4,72% so cùng kỳ và tăng 4,39% so tháng trước.

Hàng thủy hải sản ước đạt 11,7 triệu USD, tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2015; Hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 87,3 triệu USD, tăng 1,28% so cùng kỳ năm 2015. Hàng nông lâm sản ước đạt 0,055 triệu USD, bằng 72,37% so cùng kỳ năm 2015.

* Ước cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 550,3 triệu USD, tăng 5,64% so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó: Hàng thủy hải sản ước đạt 59,4 triệu USD, bằng 94,04% ; Hàng CN-TTCN ước đạt 490,8 triệu USD, tăng 7,22% so 6 tháng đầu năm 2015. Hàng nông lâm sản ước đạt 0,109 triệu USD, bằng 0,02% so tổng KNXK hàng hóa của TP Đà Nẵng.

* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 6/2016 đạt 89,4 triệu USD bằng 99,03% so cùng kỳ năm trước và bằng 94,44% so tháng trước. Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 35,3 triệu USD, tăng 7,48% so cùng kỳ và bằng 94,48% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 35,3 triệu USD, tăng 4,29% so cùng kỳ và bằng 95,47% so tháng trước; khu vực kinh tế nhà nước đạt 18,8 triệu USD, bằng 79,7% so với cùng kỳ và bằng 92,47% so với tháng trước.

* Ước tính kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 là 490,8 triệu USD, tăng 3,08% so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó: khu vực kinh tế tư nhân đạt 193,6 triệu USD, tăng 3,57% so cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 192,6 triệu USD, tăng 6,33%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 104,6 triệu USD, bằng 96,79% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Đời sống dân cư

Đời sống dân cư Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng trưởng nhưng không nhiều. Số liệu khảo sát mức sống dân cư chưa đầy đủ của năm cho biết thu nhập bình quân người dân năm 2015 dự ước là 3,63 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,76% so năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, thì thu nhập người dân có tăng nhưng mức tăng không cao. Đời sống người dân thành thị ngày càng chênh lệch so với đời sống người dân nông thôn. Thu nhập bình quân dân cư khu vực thành thị là 3,818 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,86%; về giá trị tuyệt đối tăng 177 nghìn đồng/người/tháng. Trong khi đó thu nhập bình quân dân cư khu vực nông thôn là 2,18 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,2%; về giá trị tuyệt đối tăng 88 nghìn đồng /người/tháng so năm 2014.

Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2016 được các cấp các ngành quan tâm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua các cấp chính quyền đã chi ngân sách để hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, cán bộ công chức và các đối tượng khác gặp khó khăn. Các đơn vị hành chính sự nghiệp; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh … đã sử dụng quỹ tiết kiệm, quỹ phúc lợi trợ cấp thêm cho người lao động và cán bộ công chức viên chức.

Lực lượng lao động của Thành phố ước tính trung bình cho năm 2016 là 547 nghìn người, tăng gần 6 nghìn người so năm trước (tăng 1,1%); bao gồm 529,9 nghìn người có việc làm và 17,1 nghìn người thất nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp khoảng 3,1%.

Số người đang hưởng lương chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lao động đang làm việc của Thành phố (khoảng 60%). Do lương tối thiểu và lương cơ bản đều tăng nên đời sống người làm công ăn lương trong khu vực kinh tế chính thức có tăng hơn. Tuy lao động trong khu vực không chính thức không được hưởng lợi từ chính sách này, nhưng nhờ các ngành sản xuất tăng trưởng tốt trong thời gian qua cũng phần nào thúc đẩy tăng tiền lương, tiền công cho người làm thuê.

Lao động việc làm

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình “Có việc làm” của thành phố và triển khai thực hiện các đề án liên quan đến công tác lao động - việc làm…, đặc biệt, quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền và tích cực tổ chức các hoạt động kết nối để giải quyết việc làm. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2016 các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố tạo việc làm cho 17.110 lao động đạt 53,47% kế hoạch năm; trong đó hơn 1/2 (chiếm tỷ lệ 51,7%) là do khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và gần 1/3 (chiếm tỷ lệ 28,2%) là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để có được một kết quả tốt như vậy trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm. Đến dự các phiên giao dịchcó 1.368 doanh nghiệp (684 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 25.397 lao động (9.644 nữ). Trong đó: nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 13.810 người, lao động phổ thông 11.587 người. Trung tâm giao dịch việc làm đã chắp nối, giới thiệu cho 3.643 lao động (1.642 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 2.630 người, lao động phổ thông 993 người. Kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch có 2.823 lao động được kết nối, giới thiệu thành công (1.306 nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 2.001 người, lao động phổ thông 822 người; thẩm định và giải ngân cho vay 14.079 triệu đồng, với 515 dự án, thu hút 517 lao động.

Trong tháng 6/2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm cho học sinh - sinh viên và người lao động. Đến dự phiên giao dịchcó 85 doanh nghiệp (61 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 2.560 lao động (trong đó 824 nữ). Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 1.428 người, lao động phổ thông 1.132 người. Trung tâm đã chắp nối, giới thiệu cho 424 lao động (102 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 361 người, lao động phổ thông 63 người. Kết quả phỏng vấn, sơ tuyển tại phiên giao dịch có 312 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công (110 nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 287 người, lao động phổ thông 25 người.

Từ đầu năm đến ngày 31/5/2016, có 14.397 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trong đó có 460 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài với 59.163 lao động đang làm việc (1.258 lao động là người nước ngoài); đã cấp phép lao động nước ngoài cho 160 trường hợp, xác nhận không thuộc diện cấp phép cho 46 trường hợp. Thành phố đã tiếp nhận 4.130 người lao động đăng ký thất nghiệp, đã thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 3.204 trường hợp.

Chính sách cho các đối tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên, 1 lần theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và Quyết định 290/QĐ-TTg cho 4.702 lượt đối tượng chính sách; mua BHYT cho 4.240 đối tượng …. Tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 22.000 đối tượng người có công. Ngoài ra các sở ban ngành địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo 256 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mức phụng dưỡng hàng tháng 1 triệu đồng trở lên; hoàn thành việc nghỉ dưỡng, tham quan đối với cán bộ hưu trí trung cao cấp tại Lào -Thái Lan và khách sạn Mỹ Khê; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt gần 02 tỷ đồng.

Tổng hợp kết quả hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng 6 tháng đầu năm 2016, đã có có 955 /1.333 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (xây mới: 150 nhà; sửa chữa: 805 nhà); đạt 71,64% kế hoạch; thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho 91 hộ, kinh phí 2.976 triệu đồng, sửa chữa nhà 29 trường hợp, kinh phí 990 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố, đã thực hiện hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 16 nhà, kinh phí 565 triệu đồng; Thực hiện giải quyết trợ cấp 174 trường hợp, trong đó giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với 26 trường hợp, giải quyết trợ cấp 1 lần đối với 148 trường hợp; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 46 trường hợp, kinh phí 118 triệu đồng...Kiểm tra và đề xuất UBND thành phố trợ cấp khó khăn đột xuất cho 07 trường hợp, kinh phí 18 triệu đồng; phốihợp kiểm tra 50 đơn xin thuê căn hộ chung cư, tiến hành thông báo, hướng dẫn cho 25 trường hợp được bố trí thuê căn hộ chung cư đủ điều kiện theo Thông báo25/TB-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

Các ban ngành thành phố đảm bảo chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 34.416 đối tượng BTXH theo Quyết định 25/2015/QĐ-UBND, với tổng kinh phí trên 102,5 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật, Người cao tuổi; mua và cấp phát 399 thẻ BHYT năm 2016 cho các đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở BTXH ngoài công lập; bố trí chung cư cho 90 hộ thuộc đối tượng BTXH.

Vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ 400 xuất quà cho hộ chính sách, kinh phí gần 200 triệu đồng; các quận, huyện, xã phường trích từ ngân sách địa phương tặng quà cho 16.515 đối tượng chính sách, tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng.

Thành phố phân bổ cho các địa phương trợ giúp 695.280 kg gạo Lài sữa loại 1 cho 13.675 hộ (46.352 khẩu) thiếu lương thực trong dịp Tết; ngoài ra, các quận huyện vận động hỗ trợ hơn 18 tấn gạo cho 301 hộ, đối tượng khó khăn trên địa bàn. Hỗ trợ bằng tiền, quà cho 51.116 hộ, đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng xã hội và cơ sở xã hội có đối tượng nuôi dưỡng tập trung với tổng kinh phí 15,4 tỷ đồng. (Trong đó: hỗ trợ 3.137 hộ nghèo không còn sức lao động với mức 1 triệu đồng /hộ; 1.960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn còn sức lao động với mức 550 ngàn đồng/ hộ; 6.515 hộ nghèo theo chuẩn của thành phố còn lại đầu năm 2015, với mức 250 ngàn đồng/ hộ. Tổng Kinh phí là 5,844 tỷ đồng. Hỗ trợ 31.514 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí là 7,878 tỷ đồng. 225 người ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động; 4.498 người hành nghề xe thồ, xích lô, tổng kinh phí 1,18 tỷ đồng. Hỗ trợ 321 người lao động tại bãi rác Khánh Sơn 160,5 triệu đồng).

Tổ chức đi thăm, tặng quà cho 26 cơ sở xã hội, từ thiện và 2.920 đối tượng xã hội nuôi dưỡng tập trung, phạm nhân đang bị giam giữ tại Trại giam Hòa Sơn nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, với tổng kinh phí 357 triệu đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ 540 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mức 200.000 đồng, với kinh phí 108 triệu đồng; hỗ trợ 70 đội viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng, mức 250.000 đồng/người, kinh phí 17,5 triệu đồng.

Thăm và tặng quà cho 213 người nghiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng cai nghiện ma túy và đang điều trị Methadone tại Trung tâm GD-DN 05-06 thành phố, kinh phí 59,5 triệu đồng; các sở ngành, Uỷ ban MTTQVN, hội đoàn thể thành phố, UBND các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tặng trên 33.000 phần quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... trên địa bàn thành phố với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù; trên địa bàn thành phố hiện có 56 cơ sở dạy nghề với quy mô đăng ký đào tạo là 50.919 học viên, trong đó, quy mô của các cơ sở dạy nghề công lập chiếm 47,81%, cơ sở dạy nghề tư thục chiếm 51,39% và cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,8% tổng quy mô.

Các ban ngành thành phố đã lập thủ tục và hướng dẫn các địa phương chi quà tết của Chủ tịch nước và UBND thành phố cho trên 70 nghìn lượt đối tượng chính sách, kinh phí trên 22 tỷ đồng; UBND thành phố thăm và tặng thêm 1.025 xuất quà, với số tiền 205 triệu đồng; triển khai thực hiện việc nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý, phường Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Bắc. Tổ chức tốt đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ VNAH” đối với 183 mẹ; phối hợp các địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo 264 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mức phụng dưỡng hàng tháng 1 triệu đồng trở lên; Trình Dự thảo Đề án và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 31/5/2009 của UBND thành phố.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 81.202 người cao tuổi, chiếm 7,89% dân số và có 347 cụ 100 tuổi trở lên. Thành phố tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 22.104 lượt người cao tuổi ; điều trị miễn phí cho 1.420 người cao tuổi trong chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”; chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho 11.369 người cao tuổi...

Các đơn vị đã trao tặng 54 suất quà, khám tổng quát, xét nghiệm máu, siêu âm, đo điện tim và cấp phát thuốc miễn phí cho500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách.

UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương chăm lo đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho trẻ em trong dịp Lễ Tết; tham mưu, phối hợp tổ chức gặp mặt, thăm và tặng quà cho trên 2.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tổng kinh phí gần 01 tỷ đồng; tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, Hội nghị triển khai công tác BVCSTE năm 2016; tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Qua đó trao tặng học bổng cho 50 trẻ em, tặng quà cho 250 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng kinh phí trên 162 triệu đồng; thăm và tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em bất hạnh tại các cơ sở nuôi dạy trẻ em khó khăn và trẻ em đang được điều trị Khoa Hồi sức cấp cứu và trẻ em bị bệnh ung thư tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với số tiền gần 83 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho trẻ em bị bệnh nhiểm nghèo với số tiền 10 triệu đồng.

Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố ký kết hợp tác với Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) và Hội Cứu tế Đông nam Á (SEAR) thực hiện Chương trình giúp đỡ trẻ em khó khăn trong năm 2016 với tổng kinh phí tài trợ 1,4 tỷ đồng; Trong 2 quý đầu năm 2016 đã triển khai, thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 480 triệu đồng. Cụ thể: Phối hợp Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) triển khai thí điểm mô hình vườn mẫu hộ nghèo, khó khăn có trẻ em xã Hòa Bắc; hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho 16 trẻ em bị khuyết tật về mắt; hỗ trợ cho 5 trường hợp trẻ em phẫu thuật tim bẩm sinh; tổ chức khai giảng lớp dạy nghề massage cho15 hội viên người mù có trẻ em với tổng kinh phí 91 triệu đồng; phối hợp với Hội Cứu tế Đông nam Á (SEAR) hỗ trợ quà Tết cho 76 trẻ em khó khăn quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và trường Tương Lai; hỗ trợ học nghề và khó khăn cho 39 trường hợp, tặng 38 xe đạp cho trẻ em nghèo, khó khăn; bàn giao công trình sửa chữa nhà tình thương cho hộ đặc biệt nghèo, quận Cẩm Lệ do SEAR tài trợ với tổng kinh phí 282 triệu đồng; Phối hợp Công ty sữa Vinamilk hỗ trợ sữa cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện trên 150 hộp sữa bột với tổng trị giá 113 triệu đồng; phẫu thuật cho 4 trẻ em sức môi, hở hàm ếch theo chương trình “Phẫu thuật nụ cười” do Tổ chức Operation Smile tài trợ.

Tính đến nay, Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 57 triệu đồng.

Ngày 14/6/2016, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định 3478/QĐ-UBND (có hiệu lực từ tháng 6/2016) trợ cấp hàng tháng đối với trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại (là mẹ hoặc cha) không có nguồn nuôi dưỡng và thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.Trong nhóm đối tượng nêu trên, mức trợ cấp hàng tháng đối với trẻ em dưới 4 tuổi là 675 nghìn đồng/người/tháng; trẻ em từ 4 tuổi trở lên là 405 nghìn đồng/người/tháng. Hồ sơ, quy trình, thủ tục xét hưởng thực hiện theo quy định như đối tượng hưởng chính sách Bảo trợ xã hội. Kinh phí thực hiện quyết định này từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp đảm bảo xã hội hàng năm của các quận, huyện.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngành, hội, đoàn thể và địa phương đã thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực trợ giúp cho người nghèo trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ tín dụng cho 5.450 hộ vay vốn, với tổng doanh số cho vay 171.915 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 79 nhà, sửa chữa 207 nhà, tổng kinh phí hơn 7.300 triệu đồng; mua và cấp 93.375 thẻ BHYT cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 23.276 hộ; miễn thu học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 3.740 học sinh thuộc diện con hộ nghèo tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố…

Trong 6 tháng đầu năm 2016, dự ước có 3.334 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt 72,48% so với kế hoạch thành phố giao, hộ nghèo phát sinh mới 01 hộ, số hộ nghèo dự kiến còn lại trong chương trình đến 30/12/2016 là 16.806 hộ, chiếm tỷ lệ 6,61%/tổng số hộ dân cư. Ngoài ra thành phố cũng thực hiện các giải pháp tích cực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ đất sản xuất; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ về tín dụng; nhà ở, điện, nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện vệ sinh; hỗ trợ về y tế, giáo dục cho hộ nghèo.

Giáo dục - Đào tạo

Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2015-2016 đoàn học sinh thành phố Đà Nẵng đoạt 49 giải thưởng trên tổng số 74 học sinh; trong đó, có 1 giải nhất, 10 giải nhì, 19 giải ba và 19 giải khuyến khích.

Có 78 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập nhận được học bổng với tổng trị giá 102 triệu đồng. Trong đó: 70 học sinh các cấp nhận 1 triệu đồng/suất và 8 em sinh viên nhận 4 triệu đồng/suất.

Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam thành phố Đà Nẵng tham gia cuộc thi với 6 dự án và có 4/6 dự án đạt giải: 2 giải nhì và 2 giải ba và 12 giải do các trường đại học, các tổ chức tặng. Cụ thể, 2 dự án đạt giải nhì: “Máy in chữ nổi dành cho người khiếm thị”; “Mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiểm cho dân cư khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn- Đà Nẵng”; 2 dự án đạt giải Ba: “Năng lượng cây xanh” ; “Robot tương tác từ xa”.

Tại kỳ thi Olympic Toán mở rộng Hà Nội năm 2016, thành phố Đà Nẵng xuất sắc giành 15 giải thưởng gồm 1 giải nhất, 6 giải nhì, 4 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Đà Nẵng có 32 học sinh đạt học bổng Soshi; trong đó có 1 học sinh đạt học bổng loại A (100% học phí), 10 học sinh đạt loại B (50% học phí) và 21 học sinh đạt loại C (30% học phí) với tổng giá trị học bổng hơn 7 tỷ đồng. Trị giá mỗi suất học bổng là hơn 150 triệu đồng/năm.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam, đoàn Đà Nẵng có 4/6 dự án đạt giải: 2 giải nhì và 2 giải ba và 12 giải do các trường đại học, các tổ chức tặng.

Đại học Kyungdong (Hàn Quốc) trao 19 suất học bổng cho học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng. Trong đó có 4 suất học bổng 70%, 15 suất 50% học phí toàn khóa đại học 4 năm, với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng.

Đà Nẵng đạt 01 giải Nhất và 01 giải Nhì Quốc gia Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai 2016”.

Sau 3 ngày diễn ra Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng lần thứ 19 (từ 19 đến 21/5/2016), Ban tổ chức đã chọn ra 389 thí sinh có bài thi và sản phẩm tốt để trao giải. Trong đó, phần thi chung có 252 thí sinh đoạt giải. Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng do liên ngành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty CP Softech, Cao đẳng thực hành FPT và Hội Tin học thành phố phối hợp tổ chức, quy tụ hơn 600 lượt học sinh tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố.

Ngày 8/6/2016, 10.870 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi với môn thi Ngữ văn. Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng điều động hơn 1.400 giáo viên (không kể lãnh đạo hội đồng) coi thi. Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, trong buổi thi thứ nhất, Đà Nẵng có 10.870 em tham gia thi/tổng số 10.956 em đăng ký dự thi, toàn thành phố có 86 em vắng thi. Trong buổi thi thứ hai, Đà Nẵng có 10.862/10.956 tham gia thi, toàn thành phố có 94 em vắng thi. Công tác an ninh trật tự tại các hội đồng coi thi được bảo đảm, buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra sự cố nào.

Hoạt động y tế

Tính đến ngày 19/6/2016 trên địa bàn thành phố ước có 1.826 cas sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 550 cas, bằng 62,93% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 324 cas, không có trường hợp tử vong, trong tháng 6/2016 bình quân 1 tuần có 45 cas bệnh; bệnh thủy đậu là 944 cas, tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 208 cas, trong tháng 6/2016 trung bình 1 tuần có 33 cas mắc thủy đậu.

Thành phố đã phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh do Tổ chức Trả lại tuổi thơ và Quỹ VinaCapital tài trợ với tổng kinh phí hơn 733 triệu đồng. Số tiền này sẽ hỗ trợ phẫu thuật cho 33 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim bẩm sinh tại Đà Nẵng.

Hội Pháp-Á-Phi châu hỗ tương y tế nhân đạo phối hợp với Hội Tai - Mũi - Họng thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình lắp máy trợ thính miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, người nghèo, trẻ em bị điếc bẩm sinh đang học tại các cơ sở khiếm khính ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Mỗi chiếc trị giá 12 triệu đồng, có tác dụng hỗ trợ thính lực cho người bị điếc dưới 75 dB. Tổng số có 50 người được lắp máy trợ thính miễn phí, trong đó, trẻ em còn được tặng đồ chơi thiếu nhi.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, 20.000 liều vắc-xin sởi - rubella đã được tiêm miễn phí cho các em từ 16-17 tuổi trên toàn địa bàn Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ người nhiễm mới HIV thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Tính đến hết quý 1-2016, thành phố có 1.058 trường hợp nhiễm HIV theo lũy kế, trong đó có 18 trường hợp dương tính HIV và 12 người trong số đó có địa chỉ tại Đà Nẵng, so cùng kỳ 2015 giảm 13 trường hợp.

Ngày 19/5/2016, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt tiếp nhận dự án Chăm sóc mắt học đường tại thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng Standard Chartered và Quỹ Fred Hollows - Úc tài trợ với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, được triển khai thực hiện tại các quận huyện trên địa bàn thành phố từ nay đến tháng 12/2018.

Thành phố đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện, và đề nghị các đoàn thể đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm và quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2016 tại đơn vị mình, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Sở Y tế trước ngày 20-12. Tổ chức tuyên truyền về tác hại thuốc lá, xây dựng các mô hình môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu, bảo đảm cung cấp máu phục vụ cho điều trị, thiên tai, thảm họa và an ninh-quốc phòng. Theo dự báo, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần khoảng 200.000 đơn vị máu phục vụ công tác chữa bệnh, cứu người. UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện và hội, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm thu hút, mở rộng thành viên tham gia hiến máu; duy trì, phát triển hiến máu nhắc lại; thành lập các câu lạc bộ hiến máu các cấp… Phấn đấu đến năm 2020, việc hiến máu tình nguyện đáp ứng 100% nhu cầu máu, đạt tỷ lệ 3,5% dân số tham gia hiến máu tình nguyện và 60% hiến máu nhắc lại.

Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, do thời tiết nắng nóng liên tục trong những ngày qua, số trẻ đến khám và nhập viện tăng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.300 - 1.500 bệnh nhi. Lượng bệnh nhi vào khám và điều trị những ngày gần đây có tăng nhưng không nhiều như các năm trước. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm trên khí quản, tiêu hóa… Đa số trẻ ở độ tuổi dưới 24 tháng, sức đề kháng còn yếu.

Ngày 11/6, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản giao Sở NN&PTNT thành phố chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Công thương và Công an thành phố tổng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở tất cả các lô hàng thuỷ sản ở các kho lạnh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Giám đốc Sở NN&PTNT khẩn trương thực hiện chủ trương nêu trên và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6/2016.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức 03 đợt thanh tra, kiểm tra ATTP đối với 57 cơ sở: Đợt 1: Kiểm tra ATTP trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 (từ 20/01/2016 đến 18/02/2016) đối với 30 cơ sở kinh doanh chả tại 06 chợ (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Khánh, chợ Non Nước) và lấy 58 mẫu kiểm tra hàn the bằng phương pháp test nhanh, qua kiểm tra không phát hiện việc sử dụng hàn the trong chế biến chả; Đợt 2: Kiểm tra Auramine O (Vàng Ô) trong măng, dưa cải (tháng 3/2016) đối với 20 cơ sở chế biến và kinh doanh măng tại các chợ và lấy 20 mẫu để kiểm tra chỉ tiêu Vàng Ô. Kết quả kiểm tra: phát hiện 10/13 mẫu măng có chứa chất Vàng Ô, 03 mẫu măng không phát hiện có chứa chất Vàng Ô; 07/07 mẫu dưa cải có chứa chất Vàng Ô. Qua vụ việc, ngành đã thông báo và đề nghị các cơ sở không chế biến, kinh doanh cam kết không sử dụng chất Vàng Ô đồng thời phát thông báo khuyến cáo người dân không nên sử dụng sản phẩm măng tươi, dưa muối có tồn dư chất vàng Ô; Đợt 3: Tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa chất cấm Vàng Ô. Kết quả: Chi cục tiến hành kiểm tra 07 cơ sở chế biến và kinh doanh măng tươi, dưa cải; lấy 07/07 mẫu kiểm nghiệm chất Vàng Ô (03 mẫu măng, 01 mẫu dưa cải tại Chợ Đầu mối Hòa Cường; 03 mẫu măng tại các cơ sở ở huyện Hòa Vang). Kết quả, có 03 mẫu có chứa chất Vàng Ô (02 mẫu măng và 01 mẫu dưa cải). Hiện ngành đang phối hợp với Cảnh sát PC 49 để điều tra, xử lý.

+ Từ đầu năm đến nay đã lấy 142 mẫu rau, củ, quả tại Chợ đầu mối Hòa Cường để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV bằng phương pháp test nhanh, qua kiểm tra chưa phát hiện tồn dư thuốc BVTV; Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, đã lấy 65 mẫu thuỷ sản tại Cảng cá, chợ cá để kiểm tra một số chỉ tiêu ATTP.

+ Chi cục Thủy sản thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm thủy sản từ tàu cá. Tính đến 10/6/2016, Đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 81 tàu có tổng công suất máy chính từ 90 Cv trở lên, tất cả đều xếp loại B; tổ chức cho 63 tàu cá có tổng công suất máy chính từ 20-90 Cv ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời Đoàn đã lấy 10 mẫu vật tư nông nghiệp để kiểm tra, phân tích hàm lượng protein và dư lượng kháng sinh, hàm lượng axit amin, Bacillus subtilis (kết quả kiểm tra sẽ có trong tháng 7/206).

+ Lực lượng Thú y của ngành đã lập lịch thường xuyên kiểm tra, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành và phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ động vật, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của ngành đã phát hiện và xử lý 66 trường hợp vi phạm, phạt tiền 133,46 triệu đồng.

+ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh nông sản có nguồn gốc thực vật, kho lạnh bảo quản nông sản có nguồn gốc động, thực vật trên địa bàn thành phố; kiểm tra 10 vùng sản xuất rau và 05 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua kiểm tra, không phát hiện trường hợp vi phạm.

Văn hóa đời sống

Trong nửa đầu năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Đó là: bắn pháo hoa mừng năm mới, đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã phục vụ bà con và trẻ em Làng SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội; hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao (các trò chơi trẻ em, hát bài chòi; các giải cờ vua, cờ tướng, bóng đá...) cũng được tổ chức trên khắp thành phố.

Hội hoa xuân Bính Thân 2016 có 29 tác phẩm trao huy chương các loại và 13 giải khuyến khích. Hội thi vẽ tranh xuân với chủ đề “Đà Nẵng xuân yêu thương” có 450 tác phẩm dự thi. Kết quả, có 7 tác phẩm đoạt huy chương vàng (HCV), 16 tác phẩm HCB, 17 HCĐ, 12 giải khuyến khích. Hội thi Búp bê xuân thu hút 60 thí sinh của 35 trường học trên địa bàn Đà Nẵng dự thi. Kết quả, có 2 thí sinh đoạt giải nhất, 3 thí sinh giải nhì, 5 thí sinh giải ba và 6 thí sinh giải khuyến khích. Hội thi hát múa “Em đi trong nắng xuân” thu hút 65 tiết mục dự thi. Kết quả, có 3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ, 4 giải khuyến khích.

Một số sự kiện giải trí khác thu hút người dân và du khách như: chương trình ca nhạc - hài kịch Tình Xuân 2016 vào tối mồng 5 Tết do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với Công ty Giải trí Đồng Dao tổ chức; chương trình nghệ thuật Giai điệu mùa xuân vào mồng 6 Tết tại Nhà hát Trưng Vương do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp cùng Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức.

Bộ VH-TT&DL vừa công bố thêm 7 danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội cầu ngư Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng duy trì được 12 lễ hội cầu ngư, hầu hết địa phương nào có Lăng Ông thì nơi đó có Lễ hội. Lễ hội cầu ngư diễn ra tại phường Thọ Quang, Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra với nghi thức lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội sôi nổi…

Chương trình nghệ thuật “Sông Hàn - Hội trùng dương” với mức đầu tư hơn 500 triệu đồng sẽ được biểu diễn phục vụ miễn phí cho người dân và du khách. Chương trình Âm nhạc đường phố số đặc biệt; chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với Trường Văn hóa nghệ thuật tổ chức; Chương trình nghệ thuật quần chúng...

Triển lãm ảnh đẹp thành phố Đà Nẵng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Triển lãm ảnh đẹp Clipper Race. Lễ hội cồng chiêng, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu Quảng Nam - Đà Nẵng; quảng bá sản phẩm rượu cần Phú Túc của Hòa Vang tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Ngày 31/5/2016, Trung tâm Quản lý di sản thành phố bàn giao hiện vật khai quật tại di chỉ đình làng Khuê Bắc cho Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng. Hiện vật bao gồm: 722 công cụ đá và đá nguyên liệu, 4.584 hiện vật gốm, 11 tiền đồng; thuộc hai lớp văn hóa, lớp văn hóa 1 bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 2 và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, lớp văn hóa 2 (lớp văn hóa Sa Huỳnh) niên đại khoảng hơn 3.000 năm. Đây là những hiện vật được tìm thấy tại di chỉ đình làng Khuê Bắc, do Trung tâm Quản lý di sản thành phố phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật vào tháng 6/2015. Số hiện vật này làm phong phú thêm hiện vật tiền và hậu Sa Huỳnh đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử, góp phần xây dựng đề cương chuyên đề Văn hóa Sa Huỳnh mà Bảo tàng đang hướng đến. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý di sản thành phố còn bàn giao báo cáo khoa học, hình ảnh chi tiết về hiện vật do các nhà nghiên cứu khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện. Đây là những tài liệu quý giá, giúp tái hiện lịch sử văn hóa Sa Huỳnh tại vùng đất Ngũ Hành Sơn nói riêng và Đà Nẵng nói chung.

Trật tự an toàn xã hội

* Tình hình cháy nổ: Từ ngày 17/5/2016 đến ngày 19/6/2016 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 12 vụ cháy. Trong đó, có 8 vụ cháy nhà dân, 2 vụ cháy nhà xưởng và 2 vụ cháy khác. Uớc tính thiệt hại gần 420 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 44 vụ cháy. Trong đó có 27 vụ cháy nhà dân, 4 vụ cháy nhà xưởng, 2 vụ cháy doanh nghiệp, 1 vụ cháy rừng và 10 vụ cháy khác. Tổng giá trị thiệt hại ước hơn 3,7 tỷ đồng, 1 người chết do cháy, nổ.

* Tai nạn giao thông:

Tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 58 vụ TNGT, làm chết 40 người, bị thương 38 người. Thiệt hại tài sản khoảng 122 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 2 vụ, giảm 12 người chết, số người bị thương không tăng không giảm.

Tai nạn giao thông đường sắt: không xảy ra. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 3 vụ, giảm 3 người chết.

Tai nạn giao thông đường thủy: xảy ra 1 vụ , chết 3 người. So cùng kỳ năm 2015, tăng 1 vụ, tăng 3 người chết.

Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2016: Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: phát hiện, lập biên bản 26.275 trường hợp vi phạm (tăng 727 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2015). Ra quyết định xử phạt 20.542 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu gần 15 tỷ đồng (tăng 1,5 tỷ đồng). Tạm giữ 985 xe (68 ôtô, 917 môtô).Tước quyền sử dụng GPLX 2.810 trường hợp.

* Công tác kiểm tra, xử lý tệ nạn mại dâm:

UBND thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn thành phố và triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại cho người bán dâm. Triển khai mô hình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng tại 16 phường, xã, mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS” tại 06 phường; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức như: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26/6 với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”; Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xây dựng 3 phim phóng sự; duy trì chuyên trang tin trên trang Báo Lao động - Xã hội; lắp đặt 14 pano tại 14 điểm gần trường học, khu dân cư đông đúc, cấp phát 6.000 tờ rơi, 63 băng rôn cho 63 quận, huyện, xã, phường; tư vấn cho 1.920 lượt người nghiện và thân nhân gia đình; tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; các quận Cẩm Lệ, Hòa Vang tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với hơn 4.900 người tại địa phương tham dự.

Các quận, huyện tổ chức khảo sát mại dâm đứng đường trên các tuyến đường trọng điểm; Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp tiến hành kiểm tra 210 cơ sở, qua kiểm tra phát hiện 39 cơ sở vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt 150,5 triệu đồng, đình chỉ 10 cơ sở và nhắc nhở 161 cơ sở.

* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện:

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm GD - DN 05-06/CP đã tiếp nhận đưa vào cắt cơn cai nghiện cho 326 người nghiện; giải quyết cho về cộng đồng 281 người; tính đến 15/6/2016, toàn thành phố có 584 học viên đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề tại Trung tâm GD-DN 05-06 đang cai nghiện tại Trung tâm 05-06 là 558 học viên và 26 đang ở cơ sở quản lý; 329 người tham gia điều trị Methadone; 26 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng và 328 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Trong 328 người đang quản lý sau cai có 288 người đủ điều kiện phân loại và 40 người mới về chưa đủ điều kiện phân loại.

Môi trường

Ngày 6/6/2016, UBND thành phố đã có văn bản đồng ý chủ trương hỗ trợ thiệt hại lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản do ngập úng đợt mưa tháng 3-2015 tại xã Hòa Liên theo như đề nghị của Sở GTVT. Cụ thể, đối với 50% kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn Ngân sách thành phố, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất nguồn kinh phí để hoàn trả cho UBND huyện Hòa Vang. Đối với 50% kinh phí do các nhà thầu thi công các công trình liên quan đến khu vực ngập úng hỗ trợ, UBND thành phố yêu cầu BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà đầu tư, đơn vị điều hành dự án và các đơn vị thi công công trình trên địa bàn xã Hòa Liên tổ chức họp để thống nhất phân chia kinh phí đóng góp hỗ trợ cho từng dự án cụ thể, báo cáo kết quả về UBND thành phố xem xét, quyết định.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình nhiễm mặn ở hạ lưu sông Vu Gia (sông Cầu Đỏ), nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tính toán việc chỉnh trị ngã 3 sông phân nước Vu Gia – Ái Nghĩa – Quảng Huế; có giải pháp giảm tỷ lệ phân nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế, khôi phục lại trạng thái dòng chảy tự nhiên như trước về thành phố Đà Nẵng; đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du.

UBND thành phố đã phê duyệt danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để áp dụng trồng tại các dự án và định hướng trong công tác quản lý, trồng mới, thay thế cây xanh công cộng cũng như thực hiện việc xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị. Có 25 loài cây được khuyến khích trồng, 39 loài cây hạn chế trồng và 9 loài cây thuộc danh mục cấm trồng là những cây có độc tố, chất gây nghiện hoặc có đặc điểm gây nguy hiểm cho con người.

Hiện trên địa bàn thành phố có 4 trạm trung chuyển rác, 5 trạm tập kết thùng rác và 186 điểm tập kết rác tạm thời. Với quy mô hiện nay, để bảo đảm vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp, không phát sinh ô nhiễm cho người dân, UBND thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch nghiên cứu quy hoạch lại các điểm trung chuyển rác và phân bố đều ở các quận, cố gắng mỗi quận phải có 2 điểm trung chuyển rác trong thời gian đến. Ngoài ra, nghiên cứu, quy hoạch thêm các điểm tập kết thùng và rửa thùng rác… với mục tiêu không để các điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố vừa có quyết định phê duyệt Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững TP Đà Nẵng gồm 8 nhóm chỉ số: giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải, và kinh tế lành mạnh. Đây là công cụ đo lường, giám sát, được xây dựng nhằm giúp lãnh đạo thành phố trong quá trình định hướng và điều chỉnh các mục tiêu phát triển đô thị; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái, tạo điều kiện để thành phố có thể ứng phó tốt với rủi ro, cải thiện môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm qua đó có thể xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố môi trường, cung cấp một môi trường an toàn và lành mạnh cho người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến thăm hoặc sống tại Đà Nẵng. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân thành phố, các tổ chức quốc tế và địa phương, cá nhân làm việc tại Đà Nẵng về việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững TP Đà Nẵng.

Các chỉ số thuộc Bộ chỉ số này được thu thập với tần suất là định kỳ 06 tháng, hằng năm, giữa kỳ dự án và kết thúc dự án kể từ khi Bộ chỉ số này được phê duyệt đến khi kết thúc dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng. Sau giai đoạn kết thúc dự án này, các Sở chuyên ngành liên quan chịu trách nhiệm tiếp tục thu thập, đánh giá Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững thành phố Đà Nẵng.

Có thể nhận định, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 là một năm nhiều khởi sắc trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Ðà Nẵng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, TP. Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động và mở rộng sản xuất. Môi trường đầu tư của Thành phố liên tục được cộng đồng doanh nghiệp bầu chọn là tốt nhất trong cả nước, bằng chứng là Đà Nẵng liên tục dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong các năm 2010-2012 và 2013, 2014./.


Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

    Tổng số lượt xem: 1527
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)