Cuộc hội thảo “Việt Nam - hôm nay và ngày mai” do Đảng Cộng sản Séc và Morava tổ chức tại thành phố Brno. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+) Theo phóng viên TTXVN tại Prague, trang báo điện tử Parlamentnilisty.cz (Nghị viện) của Cộng hòa Séc vừa đăng bài viết của tác giả Pavel Herman ca ngợi những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Với nhan đề “Những thành tựu trong 30 năm đổi mới ở Việt Nam,” bài viết nêu rõ Việt Nam đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng trong 10 năm trước khi bắt đầu thực hiện chính sách theo định hướng mới. Tình hình bắt đầu được giải quyết tại Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.
Theo bài viết, Đại hội VI đóng một vai trò quan trọng lịch sử trong quá trình phát triển của Việt Nam với việc định hướng tư duy mới được áp dụng trong nền kinh tế, đi đôi với việc áp dụng một hệ thống pháp luật mới trong đó đưa ra quy định hoàn thiện hơn đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, công cuộc cải cách chính trị đã được thực hiện phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Đã xuất hiện hướng đi mới trong lĩnh vực chính trị, trong đó tập trung vào tăng trưởng kinh tế ổn định với tốc độ tăng trưởng tương đối cao và không ngừng nâng cao mức sống của người dân.
Đề cập tới yếu tố tăng trưởng kinh tế, bài viết nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong cải cách, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và liên tục.
Trong những năm 2001-2010, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt khoảng 7,2%.
Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ở mức 6%. Trong suốt quá trình 30 năm đổi mới, GDP tăng trung bình gần 7%, trong đó sau 20 năm đổi mới mức tăng trưởng lên tới 7,4%.
Xét về khía cạnh phát triển xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo, hơn một phần ba trong tổng số các khoản đầu tư trong xã hội ở Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và các mục tiêu tương tự khác.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Trước khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 58%, song cho đến nay con số này đã giảm xuống còn 9%.
Bài báo cũng nhắc tới thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại, theo đó Việt Nam có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước cũng như có quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam là một thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Bài báo đi đến kết luận, những thành tựu của chính sách đổi mới trong 30 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn và quyết định của Việt Nam đi theo con đường đổi mới là đúng đắn và hợp lý.
Định hướng này tạo nên một nền tảng kinh tế-xã hội vững chắc cho niềm tin bền vững và con đường tiếp tục xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.