Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/12/2016-16:53:00 PM
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Ảnh: MPI
(MPI) - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động được xây dựng trên cơ sở 3 nguyên tắc chủ đạo: Dựa trên 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 để xác định các mục tiêu phù hợp cho Việt Nam; Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng và ưu tiên phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn; Có tính kế thừa từ Nghị quyết Đại hộiđại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các chiến lược, chính sách, chương trình kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu, quan trọng của quốc gia như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng khác.

Việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách hiện hành quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu nhằm xác định những mục tiêu, chỉ tiêu đã được thể hiện trong các chính sách của Việt Nam, xác định những mục tiêu, chỉ tiêu còn thiếu, đánh giá mức độ phù hợp với ưu tiên chính sách và tính khả thi với điều kiện thực tế của Việt Nam. Trên cơ sở rà soát sẽ đề xuất các mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam; Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, xác định trách nhiệm của các bên có liên quan trong thực hiện, theo dõi, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Dự thảo Kế hoạch đã được xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tại công văn số 8702/BKHĐT-KHGDTNMT ngày 19/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Dự thảo Kế hoạch hành động bố cục thành 5 phần: Quan điểm; Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam; Các nhiệm vụ chủ yếu và phân kỳ thực hiện; Giải pháp thực hiện; Tổ chức thực hiện.

Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; Xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Dự thảo Kế hoạch hành động đề xuất 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, 115 mục tiêu cụ thể và đề ra 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện Kế hoạch hành động, bao gồm: Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Tăng cường và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu; Tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; Tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2483
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)