Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/12/2016-08:57:00 AM
Chương trình hành động của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
(MPI) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội khóa XIV về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Dự thảo, mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: Tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; Kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; Giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP; Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP; Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP; Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN - 4). Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội; Giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; Tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020…

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Dự thảo đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô đảm bảo lạm phát hàng năm dưới 5%; Từng bước giảm bội chi ngân sách, đến năm 2020 bội chi ngân sách xuống dưới 3,5 % GDP; Nợ công không quá 65%; Nợ chính phủ không quá 54%; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và thúc đẩy chuyển giao khoa học - công nghệ; Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam…

Về giải pháp tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Dự thảo nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện hệ thống quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế, đảm bảo đến năm 2019 đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN - 4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Xây dựng tiêu chí đánh giá định lượng hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công và hướng dẫn áp dụng trên thực tế. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quản lý nhà nước về đầu tư công; Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư (xúc tiến đầu tư tại chỗ). Ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế về quản lý và sử dụng vốn ODA vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại, đi đôi với việc tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.

Về phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, Dự thảo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường công tác điều phối các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Rà soát tổng thể và đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1860
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)