Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/01/2017-17:22:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2016 tỉnh Hải Dương
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 7,9% so với năm 2015, cao hơn bình quân cả nước; trong đó, giá trị tăng thêm (tính cả thuế) khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,4% (công nghiệp +10,4%, xây dựng +9,9%), dịch vụ tăng 6,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ước đạt 15,7% - 53,1% - 31,2%.

Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghi quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), cũng là năm diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử và xây dựng các Kế hoạch, Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủvề các giải pháp chủ yếu điều hành Kế hoạch phát triểnKinh tế - xã hộivà dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, các Nghị quyết của Chính phủ vềcải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 7,9% so với năm 2015, cao hơn bình quân cả nước (cả nước ước tăng dưới 6,5%); trong đó, giá trị tăng thêm (tính cả thuế) khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,4% (công nghiệp +10,4%, xây dựng +9,9%), dịch vụ tăng 6,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cơ cấu kinh tế ước đạt 15,7% - 53,1% - 31,2% (năm 2015 là 16,1% - 52,8% - 31,1%).

Đóng góp vào tăng trưởng chung 7,9%, nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản làm tăng 0,3 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,5 điểm% (trong đó, công nghiệp đóng góp 5,1 điểm%, xây dựng đóng góp 0,4 điểm%); dịch vụ đóng góp 2,1 điểm%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.1. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm;Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2016 của tỉnh đạt 160.376 ha, giảm 1% (-1.627 ha) so với năm 2015. Trong đó, diện tích vụ đông xuân năm 2016 đạt 91.503 ha, giảm 0,9% (-812 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông giảm 112 ha, vụ chiêm xuân giảm 700 ha), chiếm 57,1%; vụ mùa đạt 68.873 ha, giảm 1,2% (-815 ha), chiếm 42,9% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm. Nguyên nhân diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2016 giảm chủ yếu là do các địa phương thực hiện dồn điển đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, một phần diện tích đất canh tác chuyển sang làm đường nội đồng, làm kênh mương dẫn nước; việc chuyển mục đích sử dụng đất: chuyển sang trồng cây lâu năm, xây dựng đường giao thông, quy hoạch khu công nghiệp, mở rộng khu dân cư và một số công trình công ích khác...

Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, những loại cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp như: đỗ, đậu tương, khoai lang, lạc, mía… được thay thế bằng su hào, bắp cải, hành tỏi, cà rốt,…có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Cơ cấu trà lúa, giống lúa, phương thức gieo cấy có sự chuyển dịch tích cực, diện tích lúa chất lượng cao, chống chịu bạc lá tốt tiếp tục mở rộng. Sản xuất tập trung quy mô lớn tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 60,35 tạ/ha, tăng 0,04 % (+0,02 tạ/ha), sản lượng lúa đạt 726.338 tấn, giảm 1,8% so với năm 2015. Năng suất cây hàng năm khác như: ngô đạt 54,03 tạ/ha, tăng 2,1 % (+1,1tạ/ha), rau các loại đạt 225,22 tạ/ha, tăng 2,4 % (+5,34 tạ/ha)… so với năm 2015. Nhìn chung, năng suất cây rau đậu các loại năm 2016 đều cao hơn so với năm trước, chủ yếu là tăng ở vụ Đông. Các loại cây vụ Đông xuân 2016 có năng suất tăng như: dưa hấu (+4,86 tạ/ha), bí đỏ (+3,12 tạ/ha), đậu lấy quả (+1,92 tạ/ha), cà chua(+0,72 tạ/ha), su hào (+2,99 tạ/ha), cà rốt (+3,77tạ/ha), mủa (+2,85tạ/ha).

Sản lượng rau các loại năm 2016 đạt 677.634 tấn, tăng 4,2 % (+27.044 tấn). Sản lượng rau các loại tăng là do diện tích và năng suất đều tăng: Diện tích tăng 1,7% (+11.238 tấn), năng suất tăng 2,4 % (+15.806 tấn).

Nhìn chung, diện tích cây hàng năm tuy giảm, nhưng năng suất trung bình hầu hết các cây trồng đều cao hơn, nên sản lượng tăng so với năm 2015. Các chính sách hỗ trợ phát triển giống mới tiếp tục được duy trì tạo động lực thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sản xuất vẫn mang tính tự phát, chưa có định hướng vùng và sản phẩm, thị trường cụ thể; tiêu thụ nông sản chủ yếu qua các thương lái, ít có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ cho nông dân. Ruộng đất tuy đã được dồn ô đổi thửa nhưng vẫn manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc cơ giới hóa; tỷ trọng lao động thủ công trên đơn vị diện tích còn cao trong khi giá thuê mướn nhân công cao.

Cây lâu năm;Tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh năm 2016 ước đạt 21.619 ha, giảm 0,2% (-50 ha) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, diện tích trồng cây ăn quả đạt 20.961 ha, chiếm 97% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh; diện tích cây gia vị, dược liệu sơ bộ đạt 236 ha, chiếm 1,1%; diện tích cây lâu năm khác sơ bộ đạt 280 ha, chiếm 1,3%; các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu và cây chè chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Diện tích cây ăn quả sơ bộ đạt 20.961 ha, giảm 0,1% (-30 ha) so với năm 2015. Diện tích giảm chủ yếu ở cây vải (-70 ha); cây Táo (-10 ha), cây Hồng đỏ (-12 ha)…. Do những năm gần đây giá trị kinh tế của một số cây lâu năm như cây vải, táo, hồng đỏ… không cao nên người dân phá bỏ diện tích một số loại cây trồng trên để chuyển sang trồng các loại cây hàng năm và cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Na, Thanh Long ruột đỏ, Mít, Bưởi, Cam, Ổi...

Chăn nuôi;Năm 2016, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Hiệu quả chăn nuôi trong năm qua đạt khá cao, nhiều hộ tiếp tục đầu tư tái đàn và mở rộng quy mô nuôi, tổng đàn lợn, đàn gia cầm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng đàn trâu tại thời điểm tháng 12/2016 ước đạt 4.536 con, giảm 7,2 % (-350 con) so với cùng kỳ năm 2015. Tổng đàn bò tại thời điểm tháng 12/2016 là 20.523 con, giảm 2,7% (-570 con) so với cùng kỳ năm trước.Nguyên nhân chủ yếu do cơ giới hoá trong nông nghiệp ngàymột phát triển; đồng thời, các vùng, bãi được quy hoạch chuyển đổinhiều nên nơi chăn thả trâu, bò ngày càng bị thu hẹp.

Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 12/2016 là 658.240 con, tăng 9,5% (+57.051 con) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm đạt 99.228 tấn, tăng 5,7% (+5.389 tấn) so với năm 2015. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng chủ yêu do trọng lượng xuất chuồng bình quân tăng (trọng lượng xuất chuồng bình quân tăng 4,9%).

Tại thời điểm tháng 12/2016, tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 11.427 nghìn con, tăng 6,4% (+682 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 9.029 nghìn con, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân đàn gà tăng mạnh là do trong hơn một năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá bán thịt hơi xuất chuồng luôn giữ ở mức khá cao và ổn định, nhất là gà ta, gà lai trọi; cùng với giá thức ăn chăn nuôi giảm, hiệu quả chăn nuôi gà đạt khá nên người chăn nuôi bên cạnh việc nuôi cầm chừng, đã mạnh dạn tái đầu tư, mở rộng quy mô nuôi nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm, nhất là loại hình trang trại và gia trại.

Cơ cấu giống gà chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ gà ta, gà lai trọi, giảm tỷ lệ gà trắng (tỷ lệ gà ta, gà lai trọi ước đạt 70%). Sản lượng thịt gia cầm các loại (gồm gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) trong 12 tháng qua đạt 30.592,8 tấn, tăng 5,9% (+1.704 tấn) so với năm 2015; sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) cả năm đạt 346.854 nghìn quả, tăng 4,2% (13.834 nghìn quả) so với năm 2015.

2.2. Sản xuất lâm nghiệp

Năm 2016, tỉnh Hải Dương thực hiện xong dự án trồng 220 ha rừng phòng hộ, nhằm đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ cảnh quan môi trường của hệ thống rừng trên địa bàn tỉnh. Diện tích rừng phòng hộ được trồng mới tập trung tại 20 xã, phường, thị trấn của thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, so với năm 2015 tăng 190 ha.Công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có và tiến hành trồng bổ sung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng là vấn đề quan trọng. Toàn tỉnh có 50 ha diện tích rừng trồng được chăm sóc, 100 ha diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh, toàn bộ diện tích rừng này đều nằm trong Dự án 661…

Sơ bộ năm 2016, toàn tỉnh có 6.027 ha rừng trồng được giao khoán bảo vệ; cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 1.130 nghìn cây, tăng 679 nghìn cây so với năm 2015. Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn giống có chất lượng tốt nên việc lựa chọn bộ giống cây trồng còn đơn điệu, chủ yếu là trồng cây thông vàcây keo.Để chủ động đủ số lượng cây giốngUBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị ươm cây giống tại xã Cộng Hòa, thị xã Chí Linh phục vụ trồng rừng và trồng cây phân tán. Tổng số cây ươm giống lâm nghiệp đạt 93 ngàn cây; tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016.Nguyên nhân số cây phân tán được trồng tăng là do trongnăm qua, phong trào trồng cây ở Hải Dương đã được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.Cây phân tán được trồng chủ yếu để tạo bóng mát và cảnh quan trong khu công nghiệp, cơ quan, trường học, ven đường, kênh mương.

2.3. Sản xuất thuỷ sản

Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2016 ước đạt 69.074 tấn tăng 3,6% so với năm 2015; trong đó, sản lượng cá ước đạt 68.468 tấn, sản lượng tôm ước đạt 87 tấn, thuỷ sản khác ước đạt 519 tấn.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng năm 2016 ước đạt 67.294 tấn, tăng 3,7% (+2.427 tấn) so với năm 2015; trong đó, chủ yếu là sản lượng cá 67.244 tấn, tăng 3,7% (+2.439 tấn) so với cùng kỳ năm 2015. Tôm và thuỷ sản khác sản lượng không đáng kể do diện tích nuôi trồng ít. Sản lượng thuỷ sản tăng do tăng về diện tích và năng suất nuôi trồng. Hiện nay tỷ lệ diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh ngày càng nhiều, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước, cải tạo mặt nước như nạo vét bùn, xây bờ và đầu tư các thiết bị cho việc nuôi thả được tốt hơn. Hình thức nuôi thủy sản lồng bè phát triển mạnh, giống cá có năng suất cao được đưa vào nuôi thay thế giống cá truyền thống năng suất thấp đã góp phần làm tăng sản lượng cá.

Sản lượng thủy sản khai thác năm 2016 ước đạt 1.779 tấn, giảm 1,9% so với năm 2015; trong đó, cá là 1.224 tấn giảm 2,1% (-26 tấn); tôm 79 tấn, giảm 2,5% (-2 tấn); thuỷ sản khác 476 tấn giảm 1,4% (- 7 tấn) so với năm 2015. Hiện nay, nguồn thuỷ sản khai thác không còn dồi dào như trước do khai thác quá mức, một số mặt nước tự nhiên bị ô nhiễm, năng suất đánh bắt giảm dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác giảm.

3. Công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệpvề cơ bản không có nhiều biến động (giảm 0,3%); trong đó,công nghiệp khai khoáng giảm 8,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,6%;cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 7,5%; riêng sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 13,9%.Nguyên nhân là do bên cạnh các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối năm, cũng có nhiều doanh nghiệp đã kết thúc các đơn hàng, đang dần tiến hành thanh quyết toán và tìm kiếm những đơn hàng mới. Vì vậy, đại đa số các nhóm ngành hàng đều có chỉ số sản xuất giảm ngoại trừ ngành phân phối điện do có đơn đặt hàng từ Tổng Công ty điện lực EVN nên có lượng sản xuất tăng 13,9%.

So với tháng 12 năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 tăng 13,9%, trong đó:công nghiệp khai khoáng giảm 28,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,2%;cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 0,6%; riêng sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 0,5%.

Tính chung năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ, cụ thể mức tăng (giảm) của các ngành như sau:công nghiệp khai khoánggiảm 25,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng10,2%; sản xuất và phân phối điện,khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 6,3%;cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,1%.

Một số ngành có lượng sản xuất tăng cao như:sản xuất kim loại tăng 33,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 25,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 23,7%; sản xuất trang phục tăng 17,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,5%....

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Đầu tiên đó là kinh tế toàn cầu không có nhiều dấu hiệu lạc quan khi một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung quốc, Nga... không đạt được mức phục hồi như kỳ vọng. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động sản xuất do đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp.

Hơn nữa, nền kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng tuy có phục hồi nhưng còn chậm, tính bền vững chưa cao, các ngành sản xuất tăng trưởng không đồng đều, phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nội còn nhiều khó khăn; thiếu vốn, thiếu công nghệ và lao động có tay nghề đang là vấn đề bức thiết cần giải quyết.

Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào như than cốc sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất của một số doanh nghiệp trong Tỉnh khi chi phí sản xuất tăng cao sẽ tạo lên áp lực cạnh tranh về giá.

Ngoài ra, dù nhiều hiệp định FTA đã và đang được đàm phán, ký kết, sự kỳ vọng vào cơ hội trong thời gian tới là rất lớn, song việc nắm cơ hội cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Không những vậy, một trong những kênh hội nhập được kỳ vọng nhất trong thời gian gần đây là TPP cũng đang đứng trước nguy cơ thất bại khi Mỹ thay đổi chính sách thương mại. Thực tế, sự nắm bắt, hiểu biết về hội nhập cũng như những tác động tới nền kinh tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của từng doanh nghiệp đối với các FTA chưa được quan tâm đúng mức.

4. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn

- Ước Quý IV, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 8.370 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.501 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 4.853 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 107,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ước năm 2016, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 31.774 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 5.279 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 18.809 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7.686 tỷ đồng, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài,tính đến thời điểm 15 tháng 12 có 26 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 124,9 triệu USD; trong đó, tháng 11 thu hút thêm 05 dự án mới với số vốn đăng ký khoảng 33,4 triệu USD, tháng 12 thu hút thêm 01 dự án mới với số vốn đăng ký là 12 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, số dự án được cấp phép mới năm nay tăng 8,3% (26 dự án so với 24 dự án), nhưng số vốn đăng ký chỉ bằng 64,5% (124,9 triệu USD so với 193,5 triệu USD). Số vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2016 dự ước tăng 52,5% năm 2015 (366,0 triệu USD so với 240,0 triệu USD).

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn đến hết tháng 12 ước đạt 10.700 tỷ đồng, bằng 99,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 8.528 tỷ đồng, bằng 99,8%; thu qua hải quan 2.172 tỷ đồng, tăng 0,1%. So với dự toán năm, tổng thu NSNN ước hết tháng 12 đạt 107,5%.

Tổng chi NSNN từ đầu năm đến ngày 15/12 ước đạt 13.136 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chi đầu tư phát triển 2.351 tỷ đồng, giảm 2,1%; chi thường xuyên 10.779 tỷ đồng, tăng 6,4%. So với dự toán năm, tổng chi NSNN đến 15/12 đạt 137,9%.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12 ước đạt 3.688,9 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,9%;

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 tháng ước đạt 41.761,4 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước trong đó khu vực Nhà nước giảm 2,4%; tập thể tăng 9,0%; cá thể tăng 12,1%; tư nhân tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 ước tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Trị giá hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước đạt 4.549,5 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng khá cao, tăng so với cùng kỳ là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,7%; giày dép các loại tăng 14,1%; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép tăng 19,4%. Bên cạnh đó hàng dệt may giảm 7,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Trị giá hàng hóa nhập khẩu hàng hóa năm 2016 ước đạt 3.987,7 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá cao, tăng so với cùng kỳ, gồm: nguyên phụ liệu may, da giày tăng 12,4%; linh kiện và phụ tùng ô tô các loại tăng 26,7%; vải các loại tăng 20,3%. Tuy nhiên, hàng điện tử và linh kiện điện tử giảm 23,4%; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép giảm 33,0% so với cùng kỳ.

6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận chuyển hành khách năm 2016, ước đạt 21,4 triệu hành khách, tăng 11,0%; luân chuyển ước đạt 1.361,9 triệu hành khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hàng hóa năm 2016 ước đạt 59,8 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm trước; luân chuyển đạt 4.228,6 triệu tấn.Km, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: đường bộ ước đạt 33,3 triệu tấn, chiếm 55,6% và tăng 8,5% (luân chuyển chiếm 31,1% và tăng 8,4%); đường sông ước đạt 25,8 triệu tấn, chiếm 43,1% và tăng 7,1% (luân chuyển chiếm 60,1% và tăng 6,8%); đường biển đạt xấp xỉ 0,8 triệu tấn, chiếm 1,3% và tăng 0,7% (luân chuyển chiếm 8,8% và tăng 0,4%).

6.4. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 12 giảm 0,21% so với tháng trước (so với tháng 12 năm trước tăng 5,08%); nguyên nhân CPI giảm là do nhóm hàngăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,55% và giao thông giảm 0,76%.

CPI bình quân 12 tháng so với cùng kỳ tăng 2,74%; là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giữ ổn định ở mức khá thấp (năm 2014 tăng 3,42%; năm 2015 tăng 0,44%). Nhìn một cách tổng quan cho thấy sức mua vẫn đang ở mức thấp, người dân thắt chặt tình trạng khó khăn do tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay phục hồi chậm./.


Website Cục Thống kê Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 3065
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)