Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/02/2017-11:01:00 AM
Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 22/02/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh, đây là Luật quan trọng và đến nay Dự thảo đã có một số điểm sửa đổi khác so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV. Theo đó, Dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng và tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đưa ra các phương án hỗ trợ có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Dự thảo quy định rõ hơn đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ, làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai Luật và tăng tính khả thi của Dự thảo Luật.

Trình bày về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sỹ Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Dự thảo là hỗ trợ DNNVV phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Dự thảo Luật thiết kế hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV và các doanh nghiệp được hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ nền kinh tế. Dự thảo Luật chỉnh sửa các chương trình trọng tâm trước đây, không còn từ “chương trình” trong Dự thảo Luật. Do đó, các nội dung hỗ trợ DNNVV sẽ theo mục tiêu và đưa ra các nguyên tắc tạo sự linh hoạt cho Chính phủ dễ hướng dẫn, dễ thực hiện. Dự thảo rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như: Luật ngân sách Nhà nước, Luật đất đai; Luật đấu thầu; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật đầu tư…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Các nội dung hỗ trợ được cụ thể hóa tại các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, góp phần làm tăng tính khả thi của Luật như 4 Nghị định hướng dẫn Luật, gồm: Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật DNNVV; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát DNNVV; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo.

Kết cấu của dự thảo Luật gồm 4 chương với 40 điều, cụ thể: Chương I: Những quy định chung, gồm 7 điều; Chương II: Các nội dung hỗ trợ DNNVV, gồm 10 điều; Chương III: Quản lý nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV, gồm 19 điều; Chương IV: Điều khoản thi hành.

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng Luật là cần thiết, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và khắc phục những yếu kém hiện tại của DNNVV Việt Nam. Đồng thời đưa ra một số nội dung cần được làm rõ để Luật được thông qua và áp dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả và tính khả thi cao nhất. Trong đó các nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận như: Hỗ trợ mặt bằng trong sản xuất; Quỹ bảo lãnh; Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Trách nhiệm của DNNVV…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu và cho biết, Dự thảo quy định rõ chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến trước khi trình Quốc hội./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2044
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)