(MPI) – Ngày 03/3/2017 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Tăng cường hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản hướng tới thực hiện hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, biến động khó lường, Việt Nam vẫn cam kết ưu tiên thực hiện tích cực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời ưu tiên thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam là nước được hưởng lợi từ các nguồn lực tài chính dồi dào từ cộng đồng quốc tế nói chung và Nhật Bản nói riêng, thông qua các dự án đầu tư, hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức đa dạng, đồng thời trao đổi, học hỏi các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản về phát triển công nghiệp. Việt Nam còn có nhiều cơ hội hợp tác nhằm phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có RCEP.
RCEP là hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Di-lân) với dân số 3,4 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu và 29% thương mại toàn thế giới năm 2016. RCEP hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á. RCEP không hoạt động dựa trên các mối quan hệ thành viên được xác định trước mà cho phép sự tham gia của bất cứ đối tác nào của ASEAN FTA.
|
GS. Toshiro Nishizawa, Đại học Tokyo phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
GS. Toshiro Nishizawa, Đại học Tokyo cho rằng, những nội dung thảo luận tại Diễn đàn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian tới. Đây không chỉ là dịp để tăng cường hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản mà còn thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ đối tác giữa hai nước.
Các tham luận tại Diễn đàn cho thấy, hiện trạng bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm trong giai đoạn 2010-2016, tăng trưởng thương mại quá nhỏ so với tăng trưởng kinh tế, đầu tư giảm tốc, chuỗi giá trị toàn cầu rút ngắn, giá cả hàng hóa biến động… Theo đó, mô hình phát triển mới hướng tới hội nhập thông minh hơn được đề ra bao gồm: Tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ, cơ hội kinh doanh cạnh tranh công bằng và bình đẳng; Tạo thuận lợi và kết nối, giảm chi phí giao dịch kinh doanh; Hợp tác cải thiện năng lực thể chế và nhân lực để khai thác có hiệu quả các cơ hội mới… hướng tới mục tiêu thịnh vượng, tăng trưởng bền vững và bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Tại Diễn đàn, tham luận về hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản hướng tới thực hiện RCEP nêu rõ, vòng đàm phán 15 vào tháng 10/2016 đã hoàn tất chương về hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Vòng đàm phán 16 vào tháng 11/2016 đã hoàn tất chương về doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vòng đàm phán 17 đang diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 27/02 đến 03/3/2017 tập trung vào vấn đề cắt giảm thuế quan, mục tiêu kết thúc đàm phán trong năm 2017.
RCEP tạo ra cơ hội cho ngành công nghiệp Việt Nam tăng cường tham gia chuỗi sản xuất khu vực, cải thiện năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp, thúc đẩy thu hút FDI, hoàn thiện các chính sách về công nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng chủ lực, lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI… Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP, mức độ tự do hóa càng cao, khả năng hưởng lợi càng lớn. Tuy nhiên, RCEP cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam như việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, đáp ứng tiêu chuẩn lao động, môi trường, áp lực cạnh tranh từ các đối tác RCEP, khả năng tận dụng các ưu đãi FTA còn thấp…
Về hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, năm 2009 hai nước ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA); Năm 2011 ra Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á; Năm 2014 nâng tầm Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á; Giai đoạn 2016-2017 triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI với 7 nội dung chính… Nhật Bản luôn nằm trong nhóm các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, đứng thứ 5 năm 2016 với 341 dự án và 868,1 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Nhật Bản là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam với 1.836 tỷ Yên và 83,4 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại trong giai đoạn 1993-2013, tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam sau năm 2017 (dù mức độ ưu đãi có giảm khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình).
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tập trung vào 6 lĩnh vực: công nghiệp đóng tàu, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Qua đó, hợp tác thu hút FDI có chất lượng của Nhật Bản vào các ngành đã lựa chọn, huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học của cả hai nước. Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra hiện nay là khả năng tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản còn rất hạn chế, tiến trình triển khai kế hoạch hành động còn chậm. Do vậy, hỗ trợ của Nhật Bản cần tập trung vào các lĩnh vực cốt yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam, hợp tác hiệu quả để tận dụng cơ hội từ RCEP về sở hữu trí tuệ, hiểu biết và nắm bắt về hàng rào kỹ thuật thương mại, quản lý rủi ro, hoàn thiện hệ thống pháp lý…
Diễn đàn là dịp để cùng trao đổi về những cơ hội, thách thức của RCEP đối với Việt Nam, cũng như tăng cường năng lực hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trước thềm RCEP, giúp Việt Nam có thể tham gia tốt hơn và hưởng lợi nhiều hơn từ Hiệp định. Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng đưa ra những đóng góp, đề xuất đối với quá trình phát triển và hội nhập kinh tế Việt Nam, tăng cường hợp tác hiệu quả Việt Nam – Nhật Bản./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư