(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Theo đó, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ có liên quan, báo cáo và thảo luận Đề án tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ và báo cáo Lãnh đạo Chính phủ.
|
Toàn cảnh Hội thảo Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam diễn ra ngày 23/8/2016, tại Hà Nội.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Việc đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước và thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết, nhằm thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật của Nhà nước về đổi mới mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay; Tạo điều kiện cho các Bộ, Ủy ban nhân dân làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Đáp ứng yêu cầu quản lý vốn nhà nước đến năm 2020 và giai đoạn chiến lược tiếp theo;…
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ về việc tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục khẳng định, xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; Sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; Không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp nói chung với chức năng chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như với chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nói riêng. Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu, không còn quy định về thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ không còn quy định chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo đó, để thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Luật số 69/2014/QH13 và Luật số 76/2015/QH13, cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tách khỏi các bộ, cơ quan ngang bộ, thay thế cho mô hình quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều ý kiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN năm 2016 đã chỉ rõ, mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước còn phân tán, chưa chuyên nghiệp, dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa các cơ quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản trị DNNN.
Việc phân chia chức năng chủ sở hữu cho nhiều cơ quan còn dẫn tới không rõ trách nhiệm giải trình, khó xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với những vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước trong thời gian qua. Bộ máy thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu chủ yếu là kiêm nhiệm, ngày càng không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Bên cạnh chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng, Nhà nước có chức năng quản lý DNNN với tư cách chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Sự khác biệt về mục tiêu, phương pháp và năng lực quản lý đặt ra yêu cầu phải tách bạch hai chức năng này cả về nội dung và bộ máy thực hiện để bảo đảm hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu nhà nước còn nhằm giảm thiểu tình trạng cơ quan nhà nước tạo lợi thế bất bình đẳng cho DNNN trong cạnh tranh với khu vực tư nhân, nhờ đó kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội.
Pháp luật hiện hành đã quy định rõ nội dung chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn chưa tách bạch về bộ máy thực hiện. Việc một cơ quan nhà nước vừa có chức năng quản lý nhà nước với các doanh nghiệp nói chung, vừa là đại diện chủ sở hữu DNNN dẫn tới những chính sách và cách thức thực thi chính sách thiên về ưu ái cho DNNN và bất lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân trong những ngành, lĩnh vực có sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Điều này chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực cần có sự cạnh tranh để phát triển.
Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu làm cho cơ quan nhà nước không còn đủ nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ chính của mình là quản lý hành chính nhà nước, điển hình là hiện tượng theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp chưa thường xuyên, không kịp thời, thiếu hiệu lực.
Căn cứ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình tập trung là cần thiết và cần sớm thực hiện ở nước ta. Điều này phù hợp với lý luận, thông lệ quốc tế và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư