(MPI) – Sáng 22/5/2017, tại phiên Khai mạc, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã trình bày một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng tiếp theo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đến nay Chính phủ đã sửa đổi 50 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; Cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính; Kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước; Xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp (đạt trên 77%).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo niềm tin và không khí phấn khởi, được cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ 91/189 lên 82/190 quốc gia, vùng lãnh thổ). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3, tháng 4 đạt mức cao trong 22 tháng và cao nhất trong khu vực ASEAN, thể hiện sức mua và năng lực sản xuất tăng ổn định, liên tục.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, một số cơ chế chính sách còn bất cập, nhất là về phí, lệ phí liên quan đến đầu tư kinh doanh và công tác thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thực thi pháp luật chưa nghiêm; Chậm sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật. Một số chỉ tiêu cụ thể về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn thấp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều và đang tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Năng lực khu vực doanh nghiệp trong nước chưa cao và gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo triển khai hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là việc ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật về quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý ngoại thương và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tiếp cận đất đai, các nguồn tài nguyên.
Chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo các mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tổ chức thực hiện nghiêm các Chỉ thị mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu không kiểm tra, thanh tra quá một lần/năm.
Đồng thời, phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của từng Bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế chính sách và nhiệm vụ được giao trong hệ thống hành chính nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 mang tính quyết định đến sự thành công của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư