Tăng cường phổ biến những ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam-Lào là một trong những giải pháp quan trọng, giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước phát triển.
|
Ảnh: VGP/Lê Anh |
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình tại Hội nghị phổ biến về Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào do Đại sứ quán Lào tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức tại TPHCM, ngày 29/5.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương cho biết, khi áp dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào vào thực tiễn, nhiều loại hàng hóa được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt giảm bằng 0% hoặc bằng một nửa (50%) với trên 95% các dòng thuế hàng hóa so với mức thuế ATIGA trong ASEAN. Trong khi đó, với Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào, các doanh nghiệp hai nước cũng sẽ được hưởng các ưu đãi riêng đặc biệt.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, trong thời gian gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước lại có sự suy giảm, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng giữa lãnh đạo hai nước.
Bước sang năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tính đến hết tháng 3/2017 tăng trưởng nhẹ, đạt trên 236 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Lào đạt hơn 135 triệu USD, tăng 21,7%, nhập khẩu đạt hơn 101 triệu USD, giảm 13%.
Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, tại thị trường Lào, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Thái Lan bởi các doanh nghiệp này đa dạng về chủng loại hàng hóa, giá cả phải chăng và phương thức kinh doanh thuận lợi, kênh phân phối đầu tư bài bản.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường Lào nhìn chung còn nhỏ, sức tiêu thụ yếu do dân số ít (khoảng 7 triệu dân) và sức mua còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp Việt chưa thật sự đẩy mạnh đưa hàng hóa vào thị trường này.
Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế do thời gian thông quan kéo dài 25-40 phút cho 1 lần thông quan so với khoảng 3 phút tại cửa khẩu của Thái Lan với Lào hoặc Campuchia.
Ở chiều ngược lại, theo đánh giá của ông Hồ Đức Dũng, chuyên gia thị trường Lào, năng lực sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Lào cũng hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam nên khả năng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Việt Nam rất thấp.
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM chia sẻ về việc muốn đưa hàng xuất khẩu sang Lào thì phải làm thế nào để tận dụng tốt nhất hiệp định. Về vấn đề này ông Hưng cho hay, khi xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN áp dụng C/O form D còn xuất sang Lào dùng C/O form S với những ưu đãi cao nhất khi gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều giảm thuế về 0%.
Ông Hưng nhấn mạnh, việc chưa tận dụng được hết các ưu đãi thuế quan cũng chính là một trong những nguyên nhân cản trở kim ngạch thương mại hai nước, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi từ Form S mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Lào mới chỉ tận dụng được 20%. Vì thế ông Hưng cho rằng, tăng cường phổ biến những ưu đãi thuế quan trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam-Lào thời gian tới là một trong những giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, để tạo thuận lợi cho giao thương hai nước, trong thời gian tới hai nước cần tăng cường xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, nhất là các chợ. Đặc biệt, giảm thời gian thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu một cách đơn giản nhất./.
Lê Anh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ