(MPI) – Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Đề án được xây dựng với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các định hướng tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia ở Việt Nam, góp phần tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh tích cực trên thị trường, bảo đảm duy trì kiểm soát hiệu quả độc quyền và thống lĩnh thị trường, hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bình đẳng trên tất cả các thị trường và cuối cùng góp phần làm cho nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản, tạo được nền tảng cho môi trường kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và năng động. Nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện như xóa bỏ hoặc giảm thiểu nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh hoặc phản cạnh tranh, lĩnh vực có tính độc quyền nhà nước đã được thu hẹp, giá cả phần nào đã phản ánh đúng cung - cầu thị trường,… Những cải cách này đã góp phần tạo động lực cho các chủ thể kinh doanh phát triển mạnh, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân thành lập mới trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn kém năng động với mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp và thiếu tính ổn định, tỷ lệ tăng năng suất ở mức thấp, cạnh tranh yếu, hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội không cao. Nhiều doanh nghiệp luôn cố gắng có được những ưu tiên, ưu đãi từ Nhà nước để có được lợi thế trên thị trường hơn là nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với mức trung bình thế giới và khu vực ASEAN, quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo,…
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là hiện nay vẫn tồn tại nhiều rào cản bóp nghẹt cạnh tranh và sáng tạo. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, mức độ tham gia của Nhà nước vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế còn khá lớn thông qua việc doanh nghiệp có vốn Nhà nước vẫn tồn tại ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Vấn đề kiểm soát độc quyền chưa thực sự hiệu quả và việc tiếp cận các hạ tầng thiết yếu còn hạn chế,…. Hay nói cách khác, Việt Nam đang thiếu một chính sách cạnh tranh quốc gia.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng khi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, cải thiện mức sống cũng như cơ hội cho mọi người, không có cách nào khác ngoài việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Việt Nam cần thiết lập và thực thi một chính sách cạnh tranh quốc gia toàn diện nhằm xóa bỏ những rào cản kinh doanh, hạn chế cạnh tranh, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến xây dựng một nền kinh tế thị trường cạnh tranh.
Dự kiến Đề án sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2017./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư