Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/06/2017-21:34:00 PM
Cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn
(MPI) - Nhằm đánh giá thực trạng, mục tiêu tăng trưởng cũng như xác định tiềm năng, giải pháp huy động nguồn lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong trung hạn của nền kinh tế, ngày 15/6/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn: yêu cầu và bước đi.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Trình bày chuyên đề về yêu cầu cải thiện tiềm năng tăng trưởng trung hạn, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các năm đang có xu hướng chậm dần, do những bất lợi về khách quan trên thị trường quốc tế và bên cạnh là những yếu kém, hạn chế nội tại chưa được khắc phục kịp thời.

Theo đó, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, cần thay đổi cách thức điều hành kinh tế - xã hội, dựa nhiều hơn vào công cụ thị trường để thực hiện điều hành có trọng tâm và hài hòa giữa tăng trưởng ngắn hạn với thúc đẩy cải cách trung – dài hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì cải cách theo tinh thần hội nhập. Theo đó, Chính phủ nên nhất quán quan điểm phát triển bền vững, điều hành theo quy luật thị trường cũng như không can thiệp hành chính thuần túy, làm méo mó thị trường, cùng với đó là chuyển đổi từ thông điệp sang hành động và đưa ra những tham vấn cộng đồng doanh nghiệp một cách thực chất hơn.

Hội thảo được nghe Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn, CIEM Đặng Thị Thu Hoài trình bày chuyên đề đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam: Một số cơ hội và thách thức. Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, đổi mới mô hình tăng trưởng đang ngày càng cấp bách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong bối cảnh hội nhập, trong đó cần xác định rõ cơ hội và thách thức để chủ động thực hiện.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, thông qua việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thuộc các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành có tiềm năng, thế mạnh. Tiếp đến là kiên trì việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới việc gia tăng năng suất lao động. Theo đó, cần có biện pháp bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực giữa các doanh nghiệp, tránh lãng phí hoặc xung đột, chồng chéo về lợi ích, bỏ tư duy tăng trưởng theo mô hình chiều rộng, kiểm soát các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên, năng lượng…

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, Chính phủ cần kiên trì, thực hiện tốt cam kết của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ vì doanh nghiệp và sự thịnh vượng xã hội, đồng thời, cải thiện nhanh chóng và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1707
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)