Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2017-14:10:00 PM
Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới (Xem tin ảnh)
(MPI) – Đây là chủ đề của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017) diễn ra ngày 16/6/2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia Kyle F.Kelhofer, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF Hirohide Sagara và Đồng Chủ tịch Liên minh VBF Tetsu Funayama. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, VBF 2017 tập trung đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm duy trì và thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân, khả năng liên kết khu vực đầu tư trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài, tác động của một số chính sách toàn cầu gần đây đến nền kinh tế Việt Nam cũng như đánh giá quá trình thực hiện một số luật liên quan đến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng nhân loại vào nền văn minh trí tuệ với hai đặc trưng cơ bản là “xã hội thông tin” và “xã hội tri thức”, tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ toàn cầu, khu vực, song phương và đa phương. Với độ mở của nền kinh tế tương đối lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động của những thay đổi nói trên, do vậy nhiệm vụ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới là tận dụng được cơ hội và hạn chế những thách thức trong bối cảnh mới.

Trong 3 thập kỷ vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào ưu thế lao động trẻ, khai thác tài nguyên thô… Tuy nhiên, khi các nguồn lực này dần bị cạn kiệt, động lực cho tăng trưởng đang dần bị thu hẹp, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu thì dòng vốn FDI đang được xem là sức sống mới cho nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là thu hút FDI đồng thời với phát triển khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, FDI phải chất lượng cao hơn, thân thiện với môi trường, công nghệ tiên tiến có khả năng dẫn dắt đồng thời hỗ trợ khu vực trong nước cùng phát triển để tham gia vào chuỗi công nghệ và cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, trước nhu cầu hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, có phương án quản trị tiên tiến và vận hành chuyên nghiệp. Dưới tác động của các chính sách toàn cầu và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn hiện thể chế, cải thiện khung pháp lý với những quy định thống nhất, minh bạch và có tính liên thông thực thi cao. Thời gian qua, nhiều đạo luật mới liên quan đến đầu tư kinh doanh được sửa đổi, ban hành như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản… thể hiện tinh thần sẵn sàng tiếp cận thách thức và đổi mới của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc xây dựng và thực thi pháp luật còn khá lớn, làm thế nào để xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật song hành là bài toán cấp bách hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia Kyle F.Kelhofer cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh với các doanh nghiệp tại mọi cấp độ của cơ quan nhà nước, thực tế đã đạt được những thay đổi tích cực ngay sau khi Chính phủ Việt Nam gặp gỡ doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, liên kết giảm chi phí đầu tư, kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

VBF 2017 diễn ra với 3 phiên chính: Phiên 1 là phát biểu của 6 hiệp hội doanh nghiệp thương mại góp ý dựa trên quan điểm về việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại toàn cầu và các khó khăn gặp phải khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; Phiên 2 với chủ đề: Thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trước các tác động của các chính sách toàn cầu sẽ trao đổi về các tác động của một số chính sách toàn cầu gần đây như TPP, EVFTA, RCEP…, tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc duy trì và thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong bối cảnh mới và kết nối FDI với doanh nghiệp trong nước; Phiên 3 với chủ đề: Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sẽ đưa ra những đánh giá tổng quan về sự khác biệt giữa chính sách và thực thi, sự minh bạch và công bằng. Đồng thời, rà soát và đánh giá Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sau hai năm thực thi.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao các bài phát biểu mang tính xây dựng và các kiến nghị thiết thực của các diễn giả và các đại biểu. Về phía các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành đã phản hồi, thảo luận tích cực các vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Về vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ. Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao. Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia để hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hộ kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp này. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tới đây sẽ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ vừa kiện toàn Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Một cửa ASEAN với Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại, phấn đấu đến năm 2018 sẽ đưa 80% các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN. Lãnh đạo Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường bao gồm thị trường hàng hóa-dịch vụ, vốn, bất động sản, lao động, được coi là điều kiện cần và đủ cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, căn cứ vào kết quả của Diễn đàn này, tổng hợp ý kiến, kiến nghị để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, công khai, có tính ổn định, giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo thuận lợi các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Phấn đấu xây dựng Chính phủ kiến tạo hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp./.


Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6125
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)