Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/06/2017-17:45:00 PM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên chất vấn
(MPI) – Ngày 14 - 15/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; Trách nhiệm của Bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 270 câu hỏi và đã có văn bản trả lời đến các đại biểu Quốc hội, ngoài ra một số chất vấn mà Bộ mới nhận được sẽ được trả lời bằng văn bản.

Đánh giá về huy động các nguồn lực trong xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy, cần tiếp tục theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng v.v... Trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động các nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu, nguồn lực của nước ngoài là bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển.

Về đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là trong công tác xây dựng thể chế pháp luật như Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Luật đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng chưa có nguồn hoàn trả v.v... Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang quản lý chặt chẽ hơn cũng không tránh khỏi nảy sinh nhiều vấn đề, khó khăn về quy trình, thủ tục, về nhu cầu không đáp ứng được đủ vốn và sự co kéo trong bố trí vốn, phân bổ vốn không tập trung, giao vốn chậm,... đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.

Nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách. Do vậy, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất phải tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công. Giải được bài toán cân đối về cơ cấu vùng, miền, ngành, lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh hiệu quả, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch và hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, trong đó các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có vai trò và sức lan tỏa rất lớn sẽ huy động được sự tham gia đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách, tăng cường trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan tại thời điểm này là vừa để tìm cách xử lý, tháo gỡ khó khăn, vừa xây dựng giải pháp để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động hiệu quả.

Với tinh thần tiếp thu, cầu thị và rút kinh nghiệm cũng như đổi mới, với tư cách là Bộ trưởng của nhiệm kỳ Chính phủ mới và lần đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Đây là dịp để tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp, giải quyết những vấn đề kịp thời, thấu đáo, đổi mới, cải thiện hơn nữa công tác tham mưu, xây dựng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Ý kiến chất vấn về sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, do hệ thống pháp luật quản lý chưa được chặt chẽ nên hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công chưa được đảm bảo, từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn. Để khắc phục được tình trạng này, Luật đầu tư công đã được ban hành và để giảm đi giữa đầu tư dàn trải với những quy trình từ chọn lựa dự án đến phê duyệt dự án, thẩm định dự án đã được chặt chẽ hơn để kiểm soát các dự án và tránh dàn trải, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn những dự án đang được bố trí không tập trung, nguyên nhân là do nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển của các ngành, địa phương, nhưng khả năng thu xếp vốn thấp hơn. Đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương và định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết của Quốc hội và của Trung ương.

Thứ hai, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, từ khâu chọn lọc dự án, đến thẩm định, phê duyệt và các thủ tục, trình tự phải thực hiện nghiêm túc. Triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức về xây dựng. Hiện nay vẫn còn một số các tiêu chuẩn, định mức xây dựng của một số ngành chưa được xây dựng nên việc xây dựng tổng mức đầu tư của các dự án chưa sát với dự án thực tế, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng về công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã trình dự án Luật quy hoạch cho thấy công tác quy hoạch có ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định đầu tư cũng như hiệu quả của đầu tư.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phải phù hợp với tình hình thực tế phát triển cũng như khả năng thu xếp vốn của từng dự án và phải đủ để hoàn thiện được dự án mà không làm cho kéo dài và làm cho không phát huy được hiệu quả của dự án.

Giải đáp về việc giao vốn hằng năm và 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc giao vốn hằng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật đầu tư công với mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ các dự án, do đó, các quy trình sẽ được thiết kế nhiều hơn, các bước, các cơ quan tham gia cũng được lồng ghép nhiều hơn và để đạt được mục tiêu này, thủ tục cũng phức tạp hơn. Do vậy, dẫn tới việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong thời gian đầu thực hiện Luật.

Cùng với đó, từ nhu cầu lớn, khả năng cân đối vốn hạn chế, mất cân đối nên việc co kéo cũng như là điều chỉnh các phương án khác nhau dẫn đến việc giao vốn chậm hơn so với thực tế, từ đó cũng có ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm và cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Về ý kiến liên quan đến các dự án đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến vai trò, vị trí và đóng góp của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế rất rõ, cụ thể về vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, đóng góp ngân sách, việc làm... giúp bộ mặt của nền kinh tế, các đô thị, cơ sở hạ tầng, kể cả trong xuất khẩu có sự đóng góp rất lớn của đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế của đầu tư nước ngoài như một số dự án chưa áp dụng công nghệ cao, còn có sự chuyển giá. Một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nhiều năng lượng, nhiều nguyên vật liệu đầu vào, một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tổng đầu tư của toàn xã hội trong các giai đoạn sắp tới, khi đầu tư của nhà nước đang còn khó khăn, hạn hẹp thì Việt Nam phải dựa vào đầu tư nước ngoài, đầu tư của tư nhân, đầu tư của xã hội. Định hướng chính sách vẫn chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, năng lượng và ít sử dụng lao động nhất.

Các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam sau gần 30 năm còn hạn chế, thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn do đặc thù đất đai nhỏ lẻ và manh mún, không thể có diện tích lớn để có khả năng tích tụ được như dạng cánh đồng mẫu lớn, cũng không thể áp dụng ngay được cơ giới hóa, áp dụng ngay khoa học kỹ thuật, các tiến bộ và mô hình; Hạ tầng các vùng nông thôn còn hạn chế; Nguồn lực hạn chế; Thủ tục kết nối giữa doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư còn phức tạp.

Để giải quyết được vấn đề trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp, cụ thể như sau: Phải mở rộng được hạn điền. Phải có xu thế tích tụ được diện tích đất lớn hơn có thể áp dụng được công nghệ cao cũng như cơ giới hóa; Phải có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định và rõ ràng; Phải hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn lớn và có thế mạnh từ khâu giống trong việc nuôi trồng và chế biến; Phải hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp chất lượng cao; Hỗ trợ cho doanh nghiệp về đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng đối tượng, mở rộng các diện hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và giảm các chi phí cho doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và cam kết thực hiện ra sao? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quy định của Luật đầu tư công và Luật đầu tư, hiện chỉ có khái niệm các dự án quan trọng quốc gia chứ không có dự án trọng điểm quốc gia. Để xác định được trách nhiệm của các Bộ, ngành cần phải đưa ra các quy định trách nhiệm đối với từng loại dự án này nằm ở các quy định pháp luật nào, được xác định và nhận danh ra sao.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 nhiệm vụ: Làm chức năng Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước; Thực hiện công tác giám sát; Thực hiện công tác huy động và tham mưu phân bổ các vốn đầu tư cho thực hiện các dự án nếu sử dụng ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là dự án sân bay Long Thành và đã báo cáo Quốc hội khóa XIII; Tổ chức thẩm định dự án đường cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội khóa XIV.

Về việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 hiện nay như thế nào? Đến nay đã giao được 88% so với kế hoạch, còn lại 198,379 nghìn tỷ đồng chưa giao, đang nằm ở một số dự án chưa đủ thủ tục và đang xem xét như Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Các dự án đầu tư đường ven biển, Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo, Vốn điều lệ cho các ngân hàng phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia là 85 nghìn tỷ. Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, chống ngập thành phố Hồ Chí Minh đang được xem xét. Bên cạnh đó, hiện nay còn một số dự án khởi công mới nhưng chưa đủ thủ tục khoảng 13 nghìn tỷ.

Tại phiên chất vấn đã có 37 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 19 đại biểu tham gia tranh luận và có nhiều đại biểu khác đăng ký đặt câu hỏi và tham gia thảo luận. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn giải đáp các thắc mắc của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực triển khai Luật đầu tư công, việc lập phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn đăng ký và số vốn giải ngân. Tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước.../.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)