(MPI) – Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam do Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ, ngày 15/6/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo giới thiệu Báo cáo “Điều kiện kinh doanh 2017: Khái niệm - Thực trạng - Con đường phía trước”. Báo cáo thống kê, đánh giá, rà soát hiện trạng điều kiện kinh doanh hiện nay và đưa ra các đề xuất kiến nghị.
|
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo
|
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khẳng định, ngành nghề kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện có sự khác biệt về tiêu chí, cách phân loại và mục tiêu. Ngày 22/11/2016, Quốc hội ban hành Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Theo đó, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay là 243 ngành nghề nhưng theo Luật những tiêu chí, nội dung đối với mỗi ngành nghề chưa được quy định rõ, tiêu chí có thể khác nhau đối với mỗi ngành nghề khác nhau. Cụ thể, danh mục mã hàng xuất nhập khẩu và mã dịch vụ (CPC) về phân loại các ngành dịch vụ theo WTO bao gồm 11 ngành và 155 phân ngành; Bảng mã phân loại hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất - nhập khẩu (mã HS) dựa trên hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa của tổ chức hải quan thế giới; Phân loại ngành kinh tế quốc dân (VSIC) quy định 5 cấp, 642 ngành để áp thuế và kê khai đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ là ngành nghề kinh doanh “cha”, trong từng lĩnh vực cụ thể mỗi ngành nghề “cha” lại gồm nhiều ngành nghề kinh doanh “con”, “cháu”… Do vậy, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay lên đến hàng nghìn ngành nghề.
|
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu trình bày tại Hội thảo
|
Qua những phân tích về khái niệm, cấu trúc của điều kiện kinh doanh, so sánh với các quy định về quyền và nghĩa vụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hình thức, cách thức tuân thủ, kiểm soát chất lượng đăng ký kinh doanh…, tổng số điều kiện kinh doanh “cha” hiện nay là 3.407 ngành nghề, số văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh được các Bộ, ngành ban hành đang có hiệu lực hiện nay khoảng 300 văn bản. Trong đó, ngành công thương với khoảng 700 điều kiện kinh doanh và 37 văn bản quy định, ngành giao thông vận tải 376 điều kiện và 31 văn bản, ngành tài chính 490 điều kiện và 26 văn bản, y tế 327 điều kiện và 18 văn bản, nông nghiệp 270 điều kiện và 17 văn bản…
Đánh giá chung của CIEM cho thấy, điều kiện kinh doanh là một rào cản trong số những rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh, các quy định về điều kiện kinh doanh là công cụ chủ lực thực hiện quản lý nhà nước nhưng chất lượng văn bản ban hành chưa cao, hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh không hiệu quả, thiếu cơ chế đảm bảo thực thi đầy đủ, thiếu nhận thức đúng về bản chất giấy phép, điều kiện kinh doanh, hiểu chưa đúng, đầy đủ cải cách giấy phép, điều kiện kinh doanh, chưa duy trì được rà soát và nâng cao chất lượng quy định điều kiện kinh doanh một cách hiệu quả và thường xuyên.
Theo CIEM, giai đoạn 2000-2003 là giai đoạn thành công nhất trong cải cách giấy phép kinh doanh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tích cực rà soát, đánh giá các giấy phép kinh doanh, tập hợp và bãi bỏ 160 giấy phép kinh doanh các loại không còn cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên, cải cách này không được duy trì, kể từ năm 2003 đến trước khi ban hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014, không có thêm một cải cách đáng kể nào được thực hiện thành công đối với quy định về điều kiện kinh doanh. Năm 2015, cải cách được thực hiện ở mức hạn chế tùy tiện ban hành điều kiện kinh doanh bởi các Bộ, ngành, địa phương.
Thời gian tới, cải cách về giấy phép nghĩa là phải thay đổi cách thức, phương thức quản lý, thực hiện chức năng quản lý để đạt được những mục tiêu nhất định nhưng không cản trở đến hoạt động kinh doanh. Cần mạnh tay cắt xén các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tác động không có lợi cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ liên quan (RIA), thành lập cơ quan độc lập thực hiện rà soát và cắt xén…
|
Toàn cảnh Hội thảo
|
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, hàng loạt điều kiện kinh doanh phức tạp, không phù hợp đang ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế, đồng thời đưa ra các ý kiến góp ý, đề xuất phương thức, cách làm trong thời gian tới./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư