Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2017-17:10:00 PM
Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về tương lai của Việt Nam
(MPI) – Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 diễn ra sáng ngày 16/6/2017, các đại biểu đã được nghe hiệp hội doanh nghiệp các nước trình bày những kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực đầu tư trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch JBAV Hiroshi Karashima phát biểu tại VBF. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại VBF, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã đưa ra một số ý kiến dựa trên quan điểm về việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hằng năm của Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số CPI, cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Phi-líp-pin, trong khi Ma-lai-xi-a và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước, tuy nhiên với tốc độ tăng nhanh như vậy, JBAV bày tỏ quan ngại Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Do vậy, Việt Nam cần xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hằng năm dựa trên mức tăng CPI.

Hơn nữa, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, JBAV cho rằng Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động, cần tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tăng cường hợp tác với DNNVV Nhật Bản và thực hiện chuyển giao công nghệ.

JBA cũng nêu lên một số rào cản đối với DNNVV của Nhật Bản khi chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, như các quy định, chính sách về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng và bày tỏ mong muốn được hỗ trợ hơn nữa trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia trong các ngành công nghiệp phụ trợ… Trong báo cáo của JBAV tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nêu lên một số đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét về sự khác biệt giữa pháp lệnh và việc thực thi, vận dụng pháp luật, thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc doanh, hệ thống ngân hàng và đầu tư công, phát triển DNNVV và ngành công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị môi trường đầu tư về hạ tầng, một số kiến nghị về tiền lương tối thiểu, thời gian làm ngoài giờ, thời gian nghỉ, việc vận dụng quy chế EURO4, vấn đề kinh doanh ô tô…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại VBF. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt tiềm lực vốn, công nghệ, thị trường, chiếm 5% thị phần công nghiệp chế tác và 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng hết ưu thế của doanh nghiệp FDI, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, 80% doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước cung ứng hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp FDI còn thấp (khoảng 14%), các doanh nghiệp FDI thường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ nước của mình hơn các nhà cung cấp bản địa…

Các chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đã được đề cập nhiều song chưa đạt được yêu cầu đề ra, do chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa và sự cách biệt về địa lý. Để tăng cường sự cộng sinh của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, VCCI đề xuất một số kiến nghị như: Cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực để nắm bắt công nghệ và nâng cao trình độ quản trị thông qua việc nâng cao chất lượng, khuyến khích đầu tư và tăng tính kết nối của các cơ sở đào tạo; Cần có giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thông qua cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, sử dụng chính sách về tài chính, thuế để khuyến khích đầu tư công nghệ cao; Tăng cường kết nối về địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cụ thể là sự kết nối giữa các khu công nghiệp FDI và khu công nghiệp cho các DNNVV Việt Nam.

Phó Chủ tịch EuroCham Tomaso Andreatta phát biểu tại VBF. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Để cải thiện tính bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại toàn cầu, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất, Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh chính sách công nghiệp theo hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng với các quy trình thân thiện môi trường và có đủ cơ sở vật chất để thực hiện tái chế. Đồng thời, cần kiên quyết hơn trong việc hiện thực hóa sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, quy mô nhỏ nhưng thời gian đưa vào sử dụng nhanh hơn.

Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đang ngày càng tăng cùng với nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, các nguồn vốn ODA đang giảm, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, cần tăng cường huy động từ đầu tư tư nhân, thông qua hình thức hợp tác công – tư (PPP). Theo đó, cần nâng cao tính minh bạch của thị trường vốn, mở rộng lĩnh vực đầu tư của công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm và phát hành trái phiếu để đầu tư cho cơ sở hạ tầng…

EuroCham cho rằng, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt là yếu tố cần thiết khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam cần bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp hiện tại và tiến về tương lai với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lựa chọn và tạo điều kiện phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có thể là sản xuất ô tô và xe máy điện, đồng thời phát triển năng lượng sạch, pin cho các tòa nhà, thành phố… Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, chính quyền các cấp để đảm bảo áp dụng thống nhất luật và chính sách.

Chủ tịch AmCham Jonathan Moreno phát biểu tại VBF. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Jonathan Moreno bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh bằng các biện pháp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Thương mại tự do và công bằng sẽ giúp duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương, Việt Nam cần giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại biên giới và những vấn đề rào cản phía sau biên giới làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Loại bỏ rào cản thương mại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.

Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nêu lên một số vấn đề theo pháp luật hiện hành đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam như việc miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm, cho phép mở tài khoản ngân hàng cho các chi nhánh, văn phòng đại diện và văn phòng quản lý dự án của các công ty nước ngoài, làm rõ hơn nữa các quy định trong luật phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp các nước vẫn bày tỏ sự hài lòng với việc gia nhập thị trường Việt Nam, lạc quan về tương lai của Việt Nam và công việc kinh doanh của doanh nghiệp tại đây, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống luật pháp, giải quyết các vướng mắc, tồn tại, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3577
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)