Ông Sok Chenda Sophea, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng thư ký CDC. (Nguồn: eurocham-cambodia.org) Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” Việt Nam đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Campuchia.
Sự hiện diện này được thể hiện rõ nhất trên ba lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch, trong đó hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Campuchia vẫn được coi là có thế mạnh hàng đầu.
Theo số liệu của Hội đồng phát triển Campuchia (CDC), đến nay Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD, tiếp tục nằm trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia.
Các lĩnh vực đầu tư chính của các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm nông, lâm nghiệp, trồng cao su (chiếm 70% tổng vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng (9,4%); viễn thông (7,5%).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt 624,1 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên lĩnh vực du lịch, khách du lịch Việt Nam đến Campuchia tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong số khách nước ngoài đến Campuchia, liên tiếp trong 8 năm qua, trên Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Chỉ riêng năm 2016, có khoảng 1 triệu người Việt, trong tổng số 5 triệu du khách nước ngoài đến du lịch Campuchia.
Đánh giá về sự hiện diện kinh tế của Việt Nam ở Campuchia, ông Sok Chenda Sophea, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng thư ký CDC, cho rằng nhìn chung, có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia đã có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Campuchia, cho công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân Campuchia và công tác từ thiện tại đây.
Bên cạnh đó, quan chức này đánh giá mặc dù tham gia sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực ở Campuchia, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là nổi trội nhất như trồng và chế biến cao su, song các nhà đầu tư Việt Nam lại chưa có sự đầu tư đồng đều trên cả 4 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Campuchia là may mặc, giày da, du lịch, nông nghiệp và bất động sản.
Trong khi đó, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Campuchia, ông Nguyễn Bảo nhận định hoạt động đầu tư, thương mại của Việt Nam tại Campuchia có một số thuận lợi như quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước; Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư; sự gần gũi về địa lý.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, trong đó có những khó khăn như chính sách và môi trường đầu tư của Campuchia chưa thật ổn định, khó tiên liệu…, khiến các nhà đầu tư Việt Nam chưa hoàn toàn yên tâm.
Ngoài ra, việc nghiên cứu khả thi của một số doanh nghiệp Việt Nam trước khi quyết định đầu tư còn chưa đủ mức cần thiết.
Do đó, ông đề xuất định hướng nội dung chiến lược là tiếp tục khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư Việt Nam vào Campuchia; hỗ trợ cụ thể, dựa trên kết quả nghiên cứu khả thi kỹ càng; coi trọng chất lượng hơn số lượng, tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư đang được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Bảo, hai bên cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm ký kết các Hiệp định cần thiết liên quan đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia; tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Hai bên cũng cần cập nhật thông tin về các dự án đầu tư; xử lý kịp thời, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động của các nhà đầu tư; cũng như tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia; quan tâm thích đáng đến việc tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia./.