Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/07/2017-15:17:00 PM
Họp ban soạn thảo Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 30/6/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Ban soạn thảo Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt họp lần thứ nhất.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia về xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được xác định tại Nghị quyết, Văn kiện của Đảng và Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư. Đồng thời, xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.

Dự án Luật được xây dựng dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế (ĐKKT), khu tự do, khu thương mại tự do, đặc khu hành chính và các mô hình tương tự của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Xinh-ga-po, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Trung Quốc, Hàn Quốc, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Cayman là các quốc gia được đánh giá là phát triển thành công các mô hình này; Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Mi-an-ma là các nước ASEAN gần đây mới phát triển mô hình này; Các nước phát triển như Mỹ, Đức và Nhật Bản tập trung phát triển mô hình mới để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trình bày Báo cáo về Dự án Luật, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên Ban soạn thảo cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, thành công của các ĐKKT tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên, nhờ gắn kết các điều kiện địa lý - chính trị thuận lợi với các thể chế, chính sách ưu đãi đặc biệt và thể chế hành chính vượt trội. Cụ thể, dựa vào các yếu tố, điều kiện như: Luật điều chỉnh riêng cho ĐKKT; Vị trí chiến lược; Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế; Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đưa ra một loạt những yếu tố dẫn đến sự không thành công của một số ĐKKT trên thế giới như: Vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn; Các chính sách thiếu tính cạnh tranh, chủ yếu dựa vào thời gian miễn hoặc ưu đãi thuế, các chính sách lao động cứng nhắc. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của các ĐKKT chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ trong phát triển hạ tầng cho ĐKKT; Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, quá nhiều cơ quan tham gia vào quản lý đặc khu.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng, lợi thế của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các cơ chế, chính sách đề xuất tại Luật nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Hình thành khu vực tăng trưởng cao, với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; Phát triển hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; Giáo dục, y tế chất lượng cao; Dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay. Đồng thời, tạo động lực, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Từ thực tiễn của các đơn vị này có thể nhân rộng trong cả nước những cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.

Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 75 điều và 04 Phụ lục, trong đó Chương I: Những quy định chung (Điều 1-10); Chương II: Quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 7-11); Chương III: Quy định cụ thể về chính sách kinh tế - xã hội đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 12-39); Chương IV: Quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 40-55); Chương V: Quy định đặc thù áp dụng đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Điều 56-67). Chương VI: Quy định về quản lý nhà nước đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 68-71); Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 72-75).

Tại buổi họp, các thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến về việc định hướng các ngành ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cách thức quy định chính sách về kinh tế - xã hội ưu đãi, việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, về chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng thời là Bí thư đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và việc thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/6/2017 của Quốc hội đã bổ sung dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) Quốc hội khóa XIV./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4302
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)