(MPI) – Ngày 29/6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 5277/BKHĐT-QLĐT gửi Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương về việc lấy ý kiến đối với định hướng xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Sau 2 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung 02 Nghị định trên.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP còn chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường… Trong khi đó, các Luật nêu trên được tiếp cận trên quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân là chủ yếu, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP. Do vậy, việc triển khai dự án PPP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Để có cơ sở báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến rộng rãi đối với định hướng xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư về các nội dung còn chồng chéo giữa các quy định khi triển khai dự án PPP trong thực tiễn cũng như đề xuất, kiến nghị định hướng chính sách cần thiết để khắc phục các vướng mắc khi xây dựng Luật. Xin ý kiến các nhóm vấn đề về hiệu quả đầu tư; Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP; Công khai, minh bạch thông tin trong quá trình đầu tư; Trình tự thủ tục đầu tư; Các biện pháp thu hút đầu tư… và Dự thảo Đề cương Luật đầu tư theo hình thức PPP.
Theo Dự thảo, khác với dự án đầu tư công, dự án PPP được quản lý theo đầu ra, điều này giúp tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như trách nhiệm cho nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra thách thức cho phía Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phải xác định rõ các yêu cầu đầu ra nhằm đạt được mục tiêu quản lý, cũng như có cơ chế giám sát khác với cơ chế vẫn được thực hiện đối với các dự án đầu tư công do nhà thầu thực hiện. Vì vậy, Luật cần quy định cụ thể cách thức lập dự án, công cụ thẩm định dự án cũng như giám sát, quản lý hợp đồng phù hợp để tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của nhà đầu tư và đảm bảo dự án đầu tư hiệu quả, tiết kiệm, tránh đầu tư tràn lan, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và ban hành một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi, gây hậu quả xấu đối với việc triển khai dự án PPP.
Ngoài ra, nhằm tạo môi trường thông tin thông suốt cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP trong suốt vòng đời dự án. Luật cần quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án đồng thời đơn giản, rút gọn để hài hòa giữa thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng thông qua PPP, Luật cần quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả sử dụng vốn nhà nước để tăng tính khả thi cho dự án, hấp dẫn nhà đầu tư./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư