(MPI) – Ngày 30/6/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm trước đây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập,làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số điểm bất cập lớn vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo Nghị định sửa đổi.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017 sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng GDP của đất nước. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Những quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định hiện hành và luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Về cách quản lý trong ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, đối chiếu với Luật doanh nghiệp cho thấy, các hồ sơ thủ tục hiện quá nhiều và không rõ ràng, dẫn đến sửa đổi hồ sơ nhiều lần, tốn kém không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng, giảm năng lực cạnh tranh, hiệu quả, giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra những chỉ đạo sát sao về việc này như ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP giao Bộ Y tế rà soát, sửa đổi thẩm quyền của cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nhập khẩu và xuất khẩu, rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia…
Tại Hội thảo, đại diện của VCCI cho biết, liên quan đến Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, VCCI đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị, nêu lên những vướng mắc trong thực hiện công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng nhưng cần có biện pháp quản lý hiệu quả hơn chứ không thể trút toàn bộ gánh nặng thủ tục hành chính lên các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Điều kiện kinh doanh có tác động lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, do đó cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính và đăng ký kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
|
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nhấn mạnh, “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP là khái niệm không có trong Luật an toàn thực phẩm nhưng hiện đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật an toàn thực phẩm. Hơn nữa, thủ tục “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” được đánh giá là thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp mất hơn 4 tháng để xin giấy tiếp nhận hợp quy thay vì 7 ngày làm việc theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ Y tế dường như chỉ tập trung vào khu vực thực phẩm nhập khẩu chính ngạch và thực phẩm chế biến công nghiệp – những khu vực có nguy cơ thấp mà buông lỏng quản lý đối với thực phẩm đường phố, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp… Đây là những khu vực có nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.
Tại Hội thảo, các hiệp hội doanh nghiệp nêu lên kiến nghị bãi bỏ quy định nêu trên, thay thế bằng hình thức quản lý khác, phù hợp với pháp luật hiện hành, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng bộ quy chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần làm minh bạch các quy định về điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư