Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2013-17:09:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2013 tỉnh Tây Ninh
1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:

+ Trồng trọt:

Gieo trồng vụ hè thu: tính đến ngày 15/5/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 38.818 ha, giảm 7,13% so cùng kỳ; trong đó, có 35.147 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, giảm 6,03% và 3.671 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), giảm 16,47% so cùng kỳ. Cụ thể một số cây trồng chính như sau: diện tích lúa đạt 29.822 ha, giảm 3,93%; đậu phộng đạt 795 ha, tăng 12,61%, tập trung tại huyện Trảng Bàng do nông dân chuyển một số diện tích của đông xuân bỏ vụ sang trồng vụ hè thu, tuy nhiên chi phí thuê nhân công cho thu hoạch cao nên người dân không an tâm sản xuất, vì vậy hiện việc chuyển đổi cây trồng vẫn diễn ra thường xuyên; rau đậu các loại đạt 3.512 ha, giảm 22,37%, trong đó, riêng diện tích đậu các loại đạt 668 ha, giảm 25,45%, do người dân chuyển đổi cây trồng hoặc tận dụng đất trồng xen trong cây lâu năm nên thường diện tích xuống giống không ổn định.

Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): diện tích mì đạt 3.247 ha, giảm 20,2%, chủ yếu giảm ở các diện tích trước đây trồng xen trong cây lâu năm, nay đã phát tán nên không thể gieo trồng được; diện tích mía trồng mới đạt 424 ha, tăng 30,06% so cùng kỳ năm trước.

Thu hoạch vụ đông xuân:

Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 66.295 ha cây trồng các loại, đạt 98,27% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), giảm 6,84% so cùng kỳ. Nhìn chung các cây trồng ngắn ngày cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất đạt khá cao so với cùng kỳ, trong đó: năng suất lúa ước đạt 55,05 tạ/ha (+ 2,42%), đậu phộng 34,44 tạ/ha (+ 5,77%), ngô 54,73 tạ/ha (+ 3,6%); thuốc lá năng suất ước đạt 22,19 tạ/ha, cũng tăng 3,11%; … .

Thu hoạch cây trồng vụ trước: mì đạt 37.057 ha, tăng 1,37% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 28,81 tấn/ha; cây mía đạt 23.314 ha (bao gồm cả mía trồng mới và mía lưu gốc), giảm 6,4%, năng suất bình quân ước đạt 74,4 tấn/ha.

Tình hình sâu bệnh: trong tháng, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng phát sinh tăng hơn tháng trước nhưng với mức nhiễm bệnh nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng; tập trung chủ yếu ở bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh bọ trĩ trên cây lúa; bọ phấn, sâu xanh, thán thư, … trên cây rau các loại. Riêng cây mì thời tiết tiếp tục khô hạn và nắng nóng thuận lợi cho các đối tượng thuộc nhóm côn trùng chích hút gia tăng diện tích và mức độ gây hại, riêng nhện đỏ trong tháng phát sinh 52 ha, trong đó 10 ha nhiễm trung bình; rệp sáp bột hồng trong tháng có 526,6 ha nhiễm, bao gồm nhiễm nhẹ 332,7 ha, trung bình 71 ha và nặng 122,9 ha.

+ Chăn nuôi:

Qua kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 1/4/2013 đàn trâu ước tính đạt 25,43 ngàn con (- 8,08%), đàn bò đạt 98,25 ngàn con, cũng giảm 13,8% so cùng kỳ năm trước; do hiện nay không còn đồng trống để chăn thả, các nơi tận dụng mọi quĩ đất để trồng mì, cao su,…, chăn nuôi không hiệu quả; riêng bò sữa ước đạt 2,5 ngàn con, tăng 14,79%, phát triển tập trrung tại huyện Trảng Bàng, do giá thu mua tương đối ổn định, người nuôi có lãi. Đàn lợn ước đạt 214,43 ngàn con, cũng giảm 3,56% so cùng kỳ; đàn lợn giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh lợn tai xanh tái phát trở lại tại một số tỉnh lân cận, làm giá thu mua xuống thấp trong khi giá thức ăn tăng cao, người nuôi lỗ vốn nên việc tái tạo đàn trong các hộ dân nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn; và hiện nay phát triển ổn định chỉ tập trung ở các trang trại nhận hợp đồng nuôi với công ty cổ phần CP do ít bị rủi ro. Đàn gia cầm ước tính đạt 4,3 triệu con, tăng 8,85% so cùng kỳ, phát triển mạnh ở các trang trại nhận nuôi gia công và một số trang trại hợp đồng bán sản phẩm cho công ty, còn nuôi nhỏ lẻ trong dân giảm. Chăn nuôi khác phát triển chậm, hiện nay chỉ phát triển mạnh ở mô hình nuôi rắn long thừa do đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại khác.

Trong tháng, các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi và tồn dư chất cấm trong thịt tại các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ.

b. Lâm nghiệp:

Trong tháng, các ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét chống phá rừng, đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, 02 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị thiệt hại 0,1ha.

Ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên năm 2013 với diện tích 35,042 ha bảo vệ rừng tự nhiên và trảng cỏ, 6,324 ha khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Công tác gieo ươm chuẩn bị cây giống để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2013 đã hoàn thành với 528.000 cây giống, và gieo ươm đủ nguồn cây giống phục vụ cho công tác trồng cây phân tán hàng năm trên toàn tỉnh với 250.000 cây, đạt 100% kế hoạch.

c. Thủy sản:

Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được phát triển tập trung chủ yếu ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Trong tháng, thu hoạch thủy sản nuôi trồng của diện tích đã thả trong năm 2012 với sản lượng ước đạt 1.100 tấn, trong đó sản lượng cá ước đạt 1.078 tấn. Khai thác thủy sản ước sản lượng tháng 5 đạt 340 tấn, trong đó cá đạt 327 tấn và hiện khai thác vẫn tập trung trong hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều thả giống bổ sung nhằm đảm bảo nguồn sinh thái, còn đánh bắt tự túc giảm.

2. Sản xuất Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2013 tiếp tục giảm mạnh (- 27,31%) so với tháng trước, chủ yếu do yếu tố thời vụ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 19,67% do vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm mạnh (- 27,64%), chủ yếu do ngành SX chế biến thực phẩm giảm 70,95%, trong đó, ngành sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh đã kết thúc niên vụ sản xuất năm 2012-2013 trong tháng 4/2013 (sản lượng đường sản xuất tháng 4 đạt 12,546 ngàn tấn và tháng 5 không có sản lượng), ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột cũng có chỉ số sản xuất giảm 18,16% do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào (ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và dịch bệnh phát sinh nhiều), do đó, trong tháng đã có 04 DN tạm ngừng sản xuất (Cty TNHH Tân Trường Hưng, Cty TNHH Định Khuê, Cty TNHH Phúc Hưng, Cty TNHH Hồng Phát) để bảo trì. sửa chữa máy móc, các doanh nghiệp khác đều giảm năng lực sản xuất khoảng 30%; SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) giảm 9,89%; các ngành còn lại có chỉ số sản xuất tăng khá, cụ thể: SX da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,51%; SX trang phục tăng 25,11%; dệt tăng 5,23%; SX sản phẩm từ cao su và plastic cũng tăng 2,44% so tháng trước, … . Do tình hình sản xuất chung của các ngành sản xuất trong tháng giảm nên ngành SX, phân phối điện cũng có chỉ số sản xuất tháng 5 giảm 2,06%. Và chỉ số sản xuất của ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,35% so tháng 4/2013.

Cộng dồn năm tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,27% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,12%; sản xuất, phân phối điện tăng 12,71% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng 26,36% so cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất năm tháng đầu năm tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 5,03%; đường các loại tăng 16,51%, chủ yếu do sản xuất đường của Cty CP Bourbon tăng cao (+ 34,97%) so cùng kỳ vì công ty nhập đường thô để sản xuất đường tinh luyện; quần áo tăng 59,58%; giày các loại tăng 70,05%; điện thương phẩm tăng 10,82%; nước máy thương phẩm tăng 10,56%; sản lượng clanke tăng 15,12%, trong khi đó sản lượng xi măng sản xuất lại giảm 12,39%, do mức tiêu thụ giảm (4 tháng đầu năm giảm 13,35%) và lượng tồn kho đến cuối tháng 4/2013 tăng 8,15% so cùng kỳ năm trước.

3. Vốn đầu tư phát triển:

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 5/2013 đạt 193 tỷ đồng, tăng 16,25% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 106 tỷ đồng (+ 14,81%); ngân sách cấp huyện đạt 85 tỷ đồng (+ 18,22%); và vốn ngân sách cấp xã đạt 1,9 tỷ đồng (+ 11,28%). Nguyên nhân tăng do các nguồn vốn đã được phân khai chi tiết từ tháng trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các đơn vị thi công chủ động thi công các dự án, công trình mới và công trình chuyển tiếp có giá trị khối lượng thực hiện cao; cụ thể: Công trình nghĩa trang Trà Võ ước đạt 4 tỷ đồng, gấp 3,8 lần tháng trước; đường 786 từ ngã tư Quốc tế-UBND Bến Cầu ước tháng 5 đạt 23 tỷ đồng, tăng 7%; công trình thuộc Thị xã Tây Ninh ước đạt 11,18 tỷ đồng, tăng 45,98%; công trình thuộc huyện Châu Thành ước đạt 8,67 tỷ đồng, tăng 10,31%; công trình thuộc huyện Bến Cầu ước đạt 5,05 tỷ đồng, cũng tăng 7,68% so tháng 4/2013; … .

Cộng dồn 5 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 678 tỷ đồng, đạt 40,57% kế hoạch năm, tăng 36,07% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 379 tỷ đồng, tăng 36,03%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 296 tỷ đồng, tăng 34,49%; ngân sách cấp xã đạt 3,6 tỷ đồng, bằng 59,33% kế hoạch năm 2013 (cùng kỳ năm trước chưa phân khai vốn nên đến cuối tháng 5/2012 vẫn chưa có giá trị thực hiện).

4. Giao thông vận tải:

Vận tải hành khách tháng 5/2013 ước tính đạt 1.052 nghìn lượt khách, giảm 9,08% và 74.852 nghìn lượt khách.km, giảm 7,75% so tháng trước. Khối lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển trong tháng 5 giảm do nhu cầu tham quan, nghỉ mát của người dân giảm sau dịp nghỉ lễ trong tháng 4 (Gỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5). Năm tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 6.986 nghìn lượt khách, tăng 4,87% và luân chuyển 403.596 nghìn lượt khách.km, tăng 2,07% so cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng vận chuyển, luân chuyển đường bộ tăng 1-2%; riêng sản lượng đường thủy tăng mạnh (gấp 4 lần cùng kỳ), do HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông – Bến Cầu mới bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa năm 2012.

Vận tải hàng hóa trong tháng tiếp tục phát triển; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 790 nghìn tấn, tăng 2,27% và luân chuyển được 54.216 nghìn tấn.km, tăng 1,79% so tháng trước. Năm tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 4.082 nghìn tấn, tăng 1,94% và luân chuyển 261.749 nghìn tấn.km, tăng 2,28%. Có thể thấy vận tải hàng hóa của tỉnh hoàn toàn do khu vực ngoài nhà nước đảm nhận và chủ yếu tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3.318 nghìn tấn, tăng 2,17%, luân chuyển 202.881 nghìn tấn.km, cũng tăng 1,36%; ngược lại, vận tải hàng hóa đường sông trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, với khối lượng hàng hóa vận chuyển 5 tháng đầu năm nay giảm 21,92% và luân chuyển cũng giảm 22,63% so cùng kỳ năm trước.

5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:

a) Thương mại:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 5/2013 đạt 4.078 tỷ đồng, tăng 3,93% so tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 424 tỷ đồng, tăng 16,86%; kinh tế ngoài nhà nước 3.649 tỷ đồng, tăng 2,62%. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 2,73%; khách sạn, nhà hàng đạt 445 tỷ đồng, tăng 2,31%; ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 509 tỷ đồng, tăng 13,23%; riêng doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 3 tỷ đồng, gấp 3,5 lần tháng trước, chủ yếu do doanh thu du lịch trong dịp lễ 30/4 và 1/5 được các doanh nghiệp tính vào thực hiện tháng 5/2013.

Cộng dồn 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 19.364 tỷ đồng, tăng 8,03% so cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức tăng 0,82%, điều này cho thấy sức mua của người dân trong những tháng đầu năm nay tăng chậm trước những khó khăn chung của nền kinh tế đã được dự báo từ những tháng cuối năm 2012. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 14.852 tỷ đồng, tăng 8,35%; doanh thu thương nghiệp tăng ở các nhóm hàng chủ yếu sau: lương thực, thực phẩm tăng 9,39%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,35%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,55%; xăng, dầu các loại tăng 4,6%; phương tiện đi lại tăng 4,06%; .... Ngành khách sạn,nhà hàng đạt 2.156 tỷ đồng, tăng 7,36%; dịch vụ đạt 2.348 tỷ đồng, cũng tăng 6,68% so 5T/2012.

b) Xuất Nhập khẩu:

+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2013 đạt 139 triệu USD, tăng 7,22% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 114 triệu USD, tăng 7,32%; kinh tế tư nhân đạt 23 triệu USD, tăng 6,82%; kinh tế nhà nước tăng 6,39% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: hàng dệt may đạt 48 triệu USD (+ 4,48%), giày dép các loại đạt 25 triệu USD (+ 4,38%), cao su đạt 8 triệu USD (+ 3,02%), hạt điều đạt 6 triệu USD, cũng tăng 6,28% so với tháng trước.

Cộng dồn 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 647 triệu USD, tăng 11,44% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 491 triệu USD, tăng 24,06%; riêng mặt hàng đệt may của khu vực này đạt 218 triệu USD (+ 41,43%), giày dép các loại đạt 110 triệu USD (+ 67,79%), sản phẩm bằng plastic đạt 26 triệu USD (+ 95,12%); kinh tế nhà nước đạt 12 triệu USD, tăng 27,51% so cùng kỳ; ngược lại, kinh tế tư nhân đạt 142 triệu USD, giảm 17,48%, chủ yếu do giảm xuất khẩu mặt hàng cao su (giá xuất khẩu cộng với lượng xuất khẩu đều giảm khi lượng cung cũng như lượng dự trữ cao su của hầu hết các quốc gia đều tăng cao và tiến tới vượt mức tiêu thụ trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới như hiện nay), do đó cao su xuất khẩu của cả tỉnh ước 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 20 nghìn tấn, tương đương 62 triệu USD, giảm 14,03% về lượng và giảm 30,08% so cùng kỳ năm trước; hàng nông sản khác mà chủ yếu là tinh bột mì, cũng là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực kinh tế tư nhân có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 46 triệu USD, ổn định so với cùng kỳ (đạt 100,46%).

+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 80 triệu USD, tăng 6,46% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN nhập 69 triệu USD, tăng 6,78%; kinh tế tư nhân với 10 triệu USD, cũng tăng 4,44% so tháng 4/2013.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 370 triệu USD, tăng 12,93% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 79 triệu USD, tăng 75,73%; phụ liệu may mặc đạt 14 triệu USD, giảm 5,32%; chất dẻo nguyên liệu đạt 15 triệu USD, tăng 1,17%; phụ liệu giày dép đạt 30 triệu USD, tăng 112,29%; nhóm hàng thực phẩm chế biến mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn có trị giá nhập khẩu tăng khá, với 33 triệu USD, gấp 2,9 lần cùng kỳ; máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu đầu tư của các đơn vị trong 5 tháng đầu năm nay cũng có mức tăng khá, với kim ngạch ước đạt 22 triệu USD, tăng 21,68% so cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng:

Trong thời gian qua giá xăng dầu các loại liên tục được điều chỉnh giảm từ 650 đồng/lít - 1.220 đồng/lít tùy từng loại, đây là mặt hàng thiết yếu tham gia vào hầu hết quá trình sản xuất và kinh doanh nên việc giảm giá xăng dầu ít nhiều cũng đã ảnh hưởng làm cho giá cả một số hàng hóa, dich vụ giảm xuống. Chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) tháng 5/2013 giảm 0,37% so với tháng trước, tăng 4,7% so với tháng 12 năm trước và tăng 8,32% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 5/2013 tiếp tục giảm 3,11%, trong đó giá gạo các loại tháng này giảm 3,73% so với tháng trước, do giá xuất khẩu giảm đã làm cho giá gạo trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh giảm; nhóm bột mì và ngũ cốc giảm 3,07% chủ yếu do giá ngô hạt giảm 1,03% và giá khoai lang tươi giảm 3,65% so với tháng trước, nguyên nhân do lượng cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm (do tình hình chăn nuôi đang gặp những khó khăn và có xu hướng giảm trong giai đoạn dịch lợn tai xanh và dịch cúm H5N1 đang bùng phát tại một số tỉnh).

Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này giảm 0,42%; trong đó nhóm gia súc tươi sống giảm 2,03%, riêng thịt lợn (heo) giảm 3,53%; nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác tháng này cũng có chỉ số giá giảm 5,51%, trong đó mỡ lợn (heo) giảm 11,24% theo sự giảm giá thịt heo; nhóm gia cầm tươi sống giảm 0,35%; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đã làm cho nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng này của người dân giảm xuống và do đó giá bán cũng giảm; riêng giá trứng các loại tăng 10,26%, thịt bò tăng 3,3%, và đồng thời giá thủy sản tươi sống cũng tăng 1,79% do nhu cầu tiêu dùng tăng vì đây là những mặt hàng được dùng để thay thế cho thịt heo, thịt gia cầm đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhóm rau tươi các loại tháng này tăng 1,51%, trong đó một số mặt hàng có giá tăng, cụ thể như: đỗ cô ve quả tươi tăng 8,13%, quả bí xanh tăng 10,41%, củ cải trắng tăng 7,84%, rau cải xanh tăng 20,25%, … so với tháng trước, nguyên nhân do trong tháng thời tiết tuy khá mát mẻ nhưng thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa to kéo dài trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của các vườn rau, nguồn cung giảm làm cho giá các mặt hàng này tăng lên. Ngược lại, nhóm quả tươi các loại giảm 4,42% so với tháng trước, do tính chất mùa vụ một số trái cây đã vào vụ thu hoạch rộ, mặt khác một số trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc cũng có giá bán giảm làm cho chỉ số giá nhóm trái cây giảm xuống so với tháng trước.

Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,7%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,04%, trong đó, giá gas đun tháng này giảm 2,66% và dầu hỏa giảm 1,97 % so với tháng trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; nhóm giao thông giảm 0,82%, trong đó nhóm nhiên liệu xăng dầu các loại giảm 1,79%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 1,06%, chủ yếu giá đồ trang sức bằng vàng giảm 7,02%. Các nhóm còn lại tương đối ổn định

Giá vàng và đôla Mỹ: giá vàng bình quân tháng 5/2013 là 4.177.000 đ/chỉ, giảm 47.000 đ/chỉ (- 1,11%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.915 đ/USD, tăng 40 đ/USD (+ 0,18%) so với tháng 4/2013.

7. Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 5/2013 đạt 24.047 tỷ đồng, tăng 0,38% so đầu tháng và tăng 7,81% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 19.579 tỷ đồng, tăng 0,44% so đầu tháng và tăng 8,44% so cùng kỳ.

Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 5 đạt 17.827 tỷ đồng, ổn định so tháng trước (+ 0,03%) và tăng 15,21% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 159 tỷ đồng, giảm 10,76% so đầu tháng và giảm 37,65% so tháng 5/2012.

8. Tình hình văn xã:

a) Lao động, giải quyết việc làm:

Trong tháng 5/2013 ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.230 lao động. Lũy kế giải quyết được 5.405 lao động, đạt 27% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 5.029 lao động; xét duyệt 35 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 3.343 triệu đồng, tạo việc làm cho 348 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 28 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Về tranh chấp lao động: trong tháng không xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công trên địa bàn tỉnh. Lũy kế, xảy ra 06 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 06 công ty với 8.705 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.100 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 4.605 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, hạn chế tổn thất trong sản xuất.

b) Hoạt động y tế:

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 14 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết; thủy đậu có 33 ca; tay chân miệng 283 ca, tăng 99,03% so tháng trước, tập trung tại các huyện như Châu Thành 102 ca, Thị xã 42 ca, Tân Biên 30 ca, Tân Châu 29 ca; sốt rét 07 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong.

Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 32 ca HIV, 37 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.089 ca HIV (nữ 874 ca), trong đó 2.099 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 539 ca) và có 1.114 người tử vong do AIDS.

Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: trong kỳ, đã tiến hành kiểm tra 353 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 278 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 78,75%). Ngộ độc thực phẩm không xảy ra.

c) An toàn giao thông:

Trong tháng 5/2013 (từ ngày 16/4/2013-15/5/2013) trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 09 vụ tai nạn giao thông, làm chết 09 người và bị thương 03 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 80%, số người chết tăng 80%, số người bị thương giảm 40%. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

d) Hoạt động văn hoá:

Trong tháng 5/2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2013), ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2013); tuyên truyền về “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, Năm an toàn giao thông 2013, Phòng chống tham nhũng, Phòng cháy, chữa cháy, Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh; tuyên truyền góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chương trình xây dựng nông thôn mới, … . Kết quả, Ngành đã thực hiện 439 lượt băng ron, 28 buổi xe loa, 90 panô, 2.700 cờ các loại, 16 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh thực hiện thực hiện trưng bày triển lãm tại chỗ với chuyên đề “Một số hình ảnh, bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và đã đón được 289 lượt người tham quan học tập; tổ chức triển lãm lưu động phục vụ được 2.080 lượt người tại Trung tâm Văn - Thể thao huyện Trảng Bàng, Gò Dầu.

Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong tháng. Thư viện tỉnh phục vụ 8.409 lượt bạn đọc với 27.926 lượt sách, báo, tạp chí; thư viện huyện, thị phục vụ được 22.603 lượt bạn đọc với 86.399 lượt sách, báo được phục vụ.

Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 164 cuộc với 308 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: ban hành 09 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 30,4 triệu đồng.

e) Thiệt hại do thiên tai:

Từ ngày 16/4/2013 đến 15/5/2013, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra một cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy tại huyện Gò Dầu. Theo báo cáo sơ bộ, lốc xoáy đã làm 86 ngôi nhà bị tốc mái, ước giá trị thiệt hại khoảng 384 triệu đồng. Ngay sau khi cơn lốc xoáy xảy ra, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, ban chỉ huy PCLB-TKCN, Ủy ban nhân dân xã cùng lực lượng dân quân, xã đội, công an đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống.

f) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:

Trong tháng 5/2013 (từ ngày 16/3/2013 đến 15/4/2013), cháy nổ không xảy ra.

Vi phạm về môi trường: trong tháng đã phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường ở huyện Tân Biên và đã xử lý 01 vụ với số tiền phạt là 55 triệu đồng; nguyên nhân do xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường./.




Website Cục Thống kê Tây Ninh

    Tổng số lượt xem: 1555
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)