(MPI) – Ngày 14/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8489/VPCP-QHĐP về việc chủ trương lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
|
Bản đồ khu vực Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Ảnh: Nguồn (MPI)
|
Tại Công văn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Về việc lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài theo quy định tại Luật đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ.
Về nguồn kinh phí thực hiện, tỉnh sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong thuộc phía Bắc của khu kinh tế Vân Phong có tổng diện tích khoảng 66.000 ha thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Với mục tiêu đưa Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong trở thành một khu vực đầu mối phát triển về cảng biển, dịch vụ Logistics, tài chính quốc tế và là một Trung tâm dịch vụ - du lịch vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại có casino mang tầm khu vực và quốc tế. Đây là mục tiêu rất cao song là hướng phát triển đúng, phù hợp với xu thế hiện tại, khu vực Vân Phong có đủ lợi thế để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Trong hai năm 2015-2016, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 23 dự án trong khu kinh tế với tổng vốn đầu tư tương đương 3.273 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký 1,3 triệu USD. Tính đến hết tháng 02/2017, khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 145 dự án đầu tư (119 dự án trong nước và 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 1,46 tỷ USD, vốn thực hiện là 630 triệu USD, đạt 42% vốn đăng ký. Trong đó có 79 dự án đã đi vào hoạt động.
Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong sẽ hoạt động theo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các cơ chế chính sách, mô hình quản lý cụ thể sẽ được quy định rõ trong Luật. Ngoài ra, nếu nhà đầu tư chiến lược có đề xuất khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì có thể đề xuất để Chính phủ Việt Nam xem xét và thỏa thuận./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư