(MPI) - Nhằm mục đích trao đổi những thông tin và kinh nghiệm về cổ phần hóa và thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngày 08/9/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo Cổ phần hóa DNNN từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Adam Sitkoff đồng chủ trì Hội thảo.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (phải) và Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Adam Sitkoff đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội thương mại nước ngoài, các DNNN, các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty tư vấn.
Hội thảo tập trung trao đổi về các vấn đề thực tiễn và thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài đối mặt trong quá trình tham gia cổ phần hóa và thoái vốn trong các DNNN. Những thông tin này sẽ là đầu vào hữu ích để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham mưu với Quốc hội những chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Adam Sitkoff cho rằng, để có thể tối đa hóa doanh thu từ cổ phần hóa và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư thì quá trình cổ phần hóa và thoái vốn phải minh bạch và nhà đầu tư phải được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ và xây dựng nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn tại Việt Nam. Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ cũng tin tưởng vào mục tiêu chiến lược của Việt Nam và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và hấp dẫn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Tony Foster, luật sư điều hành công ty luật Freshfields (Anh) cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn thì cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước.
Theo báo cáo tại Hội thảo, hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ năm 2010 còn gần 1.500 DNNN, sau khi tích cực thực hiện cổ phần hóa, số DNNN tính đến hết năm 2016 còn khoảng 600 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.
Công tác cổ phần hóa đã góp phần tái cơ cấu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, tăng khả năng huy động vốn, mở rộng thị trường, thay đổi phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, công nghệ, giúp các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DNNN, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách như: Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020; Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tổng kết, đánh giá quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN trong hơn 20 năm qua, đồng thời đưa ra những định hướng, những nguyên tắc, yêu cầu cho tiến trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Đức Trung cho rằng, xét về góc độ chất lượng thì kết quả cổ phần hóa còn hạn chế, nhất là trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược. Nguyên nhân có thể do giá, thị trường khó khăn, quan trọng nhất là do đặt kế hoạch cổ phần hóa cao nhưng kết quả đạt được thấp. Về thoái vốn nhà nước, số vốn thoái được mới chỉ ở mức 30% so với thực tế cần thoái hơn 100.000 tỷ đồng.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng của cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, các cơ Bộ, ngành và các DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư; Học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để tìm hiểu các nguyên nhân và tìm ra giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; Nghiên cứu để gỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài, loại bỏ các lợi ích nhóm và nâng cao tính minh bạch cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận về những nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề pháp lý và thực tiễn khiến cho quá trình cổ phần hóa kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời thảo luận về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện và định giá nhằm phản ánh giá trị thực của doanh nghiệp./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư