Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/09/2017-13:46:00 PM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Kỳ họp thứ 4
(MPI) – Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11 - 20/9/2017 sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án Luật quan trọng. Trong phiên họp ngày 11/9/2017, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Tại Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật chỉ rõ, quan điểm xây dựng Luật nhằm quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đặc khu; Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương và các quy định liên quan. Xây dựng thể chế, chính sách đột phá, đặc biệt và vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, phù hợp với Hiến pháp, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có tính cạnh tranh quốc tế. Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở được phân cấp, phân quyền mạnh; Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng; Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Đảm bảo về môi trường để phát triển bền vững. Ngoài chính sách chung áp dụng đối với các Đặc khu, có quy định chính sách riêng cho từng Đặc khu.

Dự thảo Luật có kết cấu gồm 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục quy định chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan nhà nước khác tại Đặc khu.

Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, mỗi đặc khu chỉ xây dựng một quy hoạch tổng thể duy nhất trên cơ sở tích hợp các ngành, đảm bảo tính đồng bộ và tầm nhìn dài hạn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi. Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; Chính sách huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện các chính sách đặc thù tại Luật; Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển; Chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Trên cơ sở so sánh 9 tiêu chí (chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng; Dịch vụ hỗ trợ đầu tư; Ưu đãi đầu tư; Đất đai; Lao động; Giải quyết tranh chấp; Thu hút ngoại kiều; Xuất nhập cảnh) cho thấy nội dung quy định tại dự thảo Luật hầu hết cao hơn, thuận lợi hơn so với các Đặc khu tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po, Mi-an-ma. Chỉ kém ưu đãi về thuế so với các Đặc khu Dubai (UAE), Đảo Virgin và Đảo Cayman thuộc Anh.

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước khác tại Đặc khu, theo quy định của Hiến pháp (Khoản 1, Điều 110), đơn vị HCKTĐB được phân định là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng Khoản 1, Điều 110 Hiến pháp không quy định cụ thể đơn vị hành chính này có vị trí tương đương cấp tỉnh hay cấp huyện. Hiến pháp cũng không quy định việc phân chia các đơn vị hành chính cấp dưới thuộc đơn vị HCKTĐB. Tại Kết luận số 21-TB/TW, Bộ Chính trị đã đồng ý cho thành lập ba Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc tỉnh và yêu cầu cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền địa phương Đặc khu do luật quy định.

Theo quy định nêu trên, nếu chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB được xác định là một cấp chính quyền thì tổ chức chính quyền địa phương phải có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trường hợp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB không được xác định là một cấp chính quyền thì chính quyền địa phương ở đó có thể được tổ chức khác với chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB được xác định là một cấp chính quyền.

Vì vậy, để bảo đảm việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, Chính phủ đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương.

Phương án tổ chức chính quyền địa phương nêu trên thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương Đặc khu; Bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của Trưởng Đặc khu, phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức chính quyền Đặc khu.

Đồng thời, phương án tổ chức chính quyền Đặc khu vẫn bảo đảm hoạt động giám sát của cơ quan dân cử như: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước cấp trên như: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với chính quyền Đặc khu.

Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan nhà nước khác, Chính phủ đề xuất 02 phương án quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đặc khu, trong đó Phương án 1: Thành lập Tòa án nhân dân Đặc khu trên cơ sở tổ chức lại Tòa án nhân dân cấp huyện tại Đặc khu, có thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc: (1) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm toàn bộ các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản; vụ án hình sự, hành chính; (2) xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; (3) thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật tại địa bàn Đặc khu. Phương án 2: Không thành lập Tòa án nhân dân Đặc khu. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm toàn bộ vụ việc nêu tại Phương án 1.

Về quy định riêng đối với 3 Đặc khu, trên cơ sở đánh giá định tính và định lượng, dự thảo Luật quy định mục tiêu phát triển, ngành nghề ưu tiên phát triển, các chính sách thúc đẩy các ngành, nghề này và một số chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng Đặc khu và không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.

Tại phiên họp, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài; Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân Đặc khu.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật của Ủy ban pháp luật Quốc hội tại phiên họp chỉ rõ sự cần thiết ban hành Luật và yêu cầu đánh giá kỹ hơn về hiệu quả hoạt động KCN, KKT, việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tác động, tình hình chính trị an ninh khu vực đến việc thành lập 3 đặc khu.

Ủy ban pháp luật Quốc hội yêu cầu các bước quy trình hồ sơ phải tiến hành đồng bộ, bao gồm: Thành lập 3 ĐVHCKTĐB (lấy ý kiến dân cư); Đề án đảm bảo quốc phòng an ninh; Dự thảo 3 văn bản thành lập 3 đặc khu, nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, thành lập các cơ quan tư pháp, sắp xếp đội ngũ cán bộ để có một Đề án tổng thể và nhiều sản phẩm của Đề án tổng thể trong đó có dự án Luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất tên gọi Luật ĐVHCKTĐB như Chính phủ đã trình và phạm vi điều chỉnh là điều chỉnh chung cho cả 3 đơn vị HCKTĐB chứ không quy định Luật khung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần chỉ rõ cơ chế đặc thù: vượt trội, đột phá; Lưu ý về chính sách đầu tư, đất đai, thuế khác biệt giữa các địa phương; Gia cố thêm chính sách nổi trội với từng đặc khu, tránh trùng lắp, cạnh tranh nội bộ. Về ngành nghề riêng từng đặc khu, với các ngành không thể yêu cầu riêng như: du lịch tài chính... thì thu hút chung tại 3 đặc khu. Các ngành khác cần phân biệt cụ thể giữa các đặc khu…

Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2157
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)