(MPI) – Ngày 08/9/2017, tại Hà Nội đã diễn ra buổi đối thoại giữa đại diện các Bộ, ngành với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các doanh nghiệp và việc sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì buổi đối thoại.
|
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tại buổi đối thoại, các đại biểu cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CPngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP chưa mang lại hiệu quả và gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp trong nhiều năm qua, cản trở sự phát triển của đất nước.
Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định “Bản công bố chỉ ghi nhận sự cam kết của doanh nghiệp, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” nhưng thực tế, theo dữ liệu trên hệ thống cấp độ 4 của Cục ATTP, Bộ Y tế, doanh nghiệp mất trung bình 4,4 tháng chỉ để được ghi nhận sự cam kết của chính mình, không có giá trị chứng nhận sản phẩm phù hợp. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục ghi nhận này sinh ra 45.000 giấy phép con mỗi năm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp và 5,4 triệu ngày làm việc mỗi năm.
Báo cáo của Chính phủ số 37/BC-CP ngày 03/02/2017 về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 đã công nhận “Về công bố hợp quy và công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai thực tiễn”. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: “Thủ tục xác nhận công bố phù hợp ATTP là thủ tục 5 không: Không hợp pháp, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực, không phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Theo quy định hiện hành, ngoài việc xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, mỗi lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra thực tế về ATTP. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 có 163.000 lô hàng phải kiểm tra ATTP khi thông quan. Theo khảo sát của CIEM, chi phí trung bình cho việc này vào khoảng 6-10 triệu đồng/lô hàng. Tỷ lệ kiểm tra các lô hàng thực phẩm ở Việt Nam đang ở mức 30-35%, Nghị quyết số 19 đặt ra mục tiêu là giảm xuống 15% nhưng tình hình triển khai còn chậm.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tại buổi đối thoại, đại diện các Bộ, ngành đã đưa ra những giải trình cho những vấn đề được các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã có nhiều cuộc họp, gửi công văn phối hợp với các Bộ liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về việc sửa quy định công nhận phù hợp ATTP song còn nhiều vấn đề khúc mắc nên đến nay vẫn chưa sửa được. Cục trưởng Cục ATTP nêu quan điểm chưa đồng ý đề xuất cho phép doanh nghiệp tự công bố phù hợp ATTP với lí do có thể gây ra nhầm lẫn cho người dùng nếu để doanh nghiệp tự do công bố sản phẩm, sẽ khó xử lý nếu doanh nghiệp sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, các loại dược liệu bị cấm hay khuyến cáo không sử dụng, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng vượt mức cho phép…
Về việc chuyển đổi các quy định thành quy chuẩn kỹ thuật, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, quy trình nàyđược thực hiện theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), lĩnh vực nào có đầy đủ cần được công nhận ngay, lĩnh vực còn thiếu hoặc những sản phẩm đặc thù của Việt Nam thì nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện, những yêu cầu vô lý, tùy tiện, không có cơ sở khoa học đối với doanh nghiệp cần được bỏ ngay. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, tiến hành thẩm định, công nhận các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đã có đầy đủ./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư