(MPI) - Ngày 20/9/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thứ trưởng Đặng Huy Đông chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện một số Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định cùng đại diện của một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngày 12/6/2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có quy định về chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Phát triển DNNVV. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ về phát triển DNNVV đến năm 2020, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển DNNVV nhằm tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có tiềm năng tăng trưởng cao. Căn cứ nội dung này, Quỹ Phát triển DNNVV đã chủ trì xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, với quan điểm không để Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực phải chờ Nghị định hướng dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất chủ động trong việc chỉ đạo triển khai hướng dẫn Luật này. Theo đó, tại thời điểm trình Luật, dự thảo lần 1 Nghị định về tổ chức và hoạt động của Qũy DNNVV được trình gửi kèm để Quốc hội thảo luận trong tháng 5/2017. Sau khi Luật được chính thức thông qua, Bộ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định. Dự kiến, trong tháng 10/2017, dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, quan điểm của Ban soạn thảo là cố gắng hướng dẫn chi tiết ở Nghị định để có thể không cần ban hành thông tư, tránh sự tùy tiện trong hoạt động hướng dẫn, làm giảm tinh thần của Luật. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, những hỗ trợ cho DNNN phải đúng trọng tâm, trọng điểm.
Trình bày về nội dung, kết cấu của dự thảo Nghị định, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV Hoàng Thị Hồng, thành viên Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo gồm 8 chương 36 điều hướng dẫn thực hiện Điều 20 quy định về Quỹ phát triển DNNVV với 2 chức năng hỗ trợ cơ bản. Thứ nhất là cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Thứ hai là tiếp nhận và quản lý vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV. Theo đó, Dự thảo quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn; Các phương thức hỗ trợ DNNVV; Quản lý, sử dụng vốn và tài sản; Doanh thu, chi phí và phân phối kết quả tài chính; Cơ cấu tổ chức.
Về địa vị pháp lý, Dự thảo quy định Quỹ phát triển DNNVVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập để thực hiện chức năng hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV trên phạm vi cả nước. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, có bảng cân đối kế toán riêng.
|
Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV Hoàng Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV Hoàng Thị Hồng cho rằng, về việc xây dựng một địa vị pháp lý cho Quỹ là cần thiết. Bởi theo Quyết định số 601/QĐ-TTg quy định Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, nhưng hiện không có quy định pháp lý về mô hình hoạt động, cơ chế quản lý tài chính của nhà nước dẫn đến Quỹ gặp không ít khó khăn khi làm việc với các Bộ, ngành trong việc xây dựng quy chế hoạt động, chế độ tài chính - kế toán, lương, thưởng… Bên cạnh đó, do chưa rõ ràng về mô hình hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp công lập nên trong thời gian qua Quỹ gặp vướng mắc về khung pháp lý trong việc xây dựng chế độ phúc lợi xã hội đối với công chức, viên chức và người lao động của Quỹ do Quyết định số 601/QĐ-TTg không quy định vấn đề này. Do đó, việc xác lập địa vị pháp lý cho Qũy nhằm đảm bảo hoạt động hỗ trợ DNNVV hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.
Đồng tình với đề xuất này, các ý kiến góp ý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… đều chung quan điểm cần xác lập địa vị pháp lý cho Qũy. Đồng thời nhấn mạnh, dù Quỹ có phát triển theo mô hình doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp thì mô hình đó phải tạo động lực cho Qũy phát triển, các cán bộ của Quỹ được hưởng các chế độ phù hợp.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Phát biểu tại cuộc họp, đa số các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Ban soạn thảo, Tổ biên Biên tập. Dự thảo Nghị định đã làm rõ được những yếu tố đặc thù của Qũy. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng, khi được trình lên cấp có thẩm quyền, Nghị định sẽ sớm được xem xét, ban hành./.
|
Việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV là một bước tiến quan trọng của Chính phủ trong tăng cường kênh hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Đây được coi là một là một định chế tài chính nhà nước đầu tiên dành riêng cho đối tượng DNNVV ở Việt Nam. Quỹ bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ vào năm 2016 đã góp phần thúc đẩy, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại, các tổ chức có liên quan trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV.
Tính đến tháng 9/2017, có trên 1.000 DNNVV trên cả nước tiếp cận trực tiếp với Quỹ Phát triển DNNVV và được hỗ trợ tư vấn về điều kiện, tiêu chí, hồ sơ, thủ tục và vốn (chưa tính số lượng doanh nghiệp tiếp cận thông tin qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhận ủy thác từ Qũy). DNNVV đáp ứng được điều kiện, tiêu chí hỗ trợ đều được được Quỹ chuyển cho ngân hàng thẩm định vay vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ đã giải ngân tổng cộng 119 tỷ đồng.
|
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư