Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/10/2017-15:05:00 PM
Cơ chế khuyến khích đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
(MPI) – Ngày 03/10/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Thứ trưởng Đặng Huy Đông chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện một số Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định cùng đại diện của một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhận thấy vai trò quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo trong xu hướng phát triển mới, Đảng và Chính phủ đã có những định hướng, chỉ đạo kịp thời để thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo như Nghị quyết số 19-2016/CP-NQ ngày 28/4/2016; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 và đặc biệt là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) số 04/2014/QH14 ngày 12/6/2017.

Tại Điều 18, Luật DNNVV đã xác định một số nguyên tắc cơ bản về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và cơ chế đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, nếu các dự án khởi nghiệp sáng tạo của nước ngoài được đăng ký tại Việt Nam thì các dự án đó được tính vào trình độ, mức độ phát triển sáng tạo của quốc gia, góp phần nâng cao thang điểm tín nhiệm quốc gia, tăng cường thu hút đầu tư và các nguồn vốn. Do vậy, điều này rất quan trọng, là nhu cầu thực tiễn khách quan cần phải thực hiện. Đây sẽ là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra của cải cho đất nước.

Nghị định được ban hành nhằm xác định địa vị pháp lý của các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hạn chế các khả năng trục lợi, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, giúp những nhà đầu tư muốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo không bị lợi dụng. Khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Trong xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các cuộc cách mạng công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là start-up) là lực lượng chính của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các công ty khởi nghiệp sáng tạo không giống như các công ty thương mại, sản xuất kinh doanh truyền thống vì yếu tố nghiên cứu công nghệ và sáng tạo trong các công ty này rất cao. Do đó, khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với yếu tố rủi ro, nhưng nếu vượt qua các khó khăn thì có thể đem lại giá trị kinh tế lớn.

Trên thế giới, chính phủ các nước thường có chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức đầu tư cho khởi nghiệp, đưa ra các chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp; Hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Hỗ trợ vốn mồi, vốn đối ứng hoặc cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân.

Trình bày về nội dung, kết cấu của dự thảo Nghị định, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Nghị định gồm 06 Chương, 40 Điều, hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 18 của Luật hỗ trợ DNNVV. Đồng thời giải quyết những hạn chế trong hệ thống pháp luật về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo quy định chi tiết về điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, điều kiện thành lập công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nguyên tắc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Các nội dung về công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: thành lập công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, người đại diện theo pháp luật của công ty; Điều kiện thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, điều lệ, hồ sơ thủ tục thành lập, tăng giảm vốn điều lệ, hợp nhất, sáp nhập quỹ, thanh lý, giải thể quỹ, phân chia lợi tức quỹ, chuyển nhượng phần vốn góp; Cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước; Quản lý nhà nước đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại cuộc họp, đa số các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập. Đồng thời tập trung thảo luận về các nguyên tắc, phạm vi, giới hạn của công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để được nhận ưu đãi thuế; Mô hình tổ chức cho các nhà đầu tư khi góp vốn; Nguyên tắc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước; Thẩm quyền xử lý rủi ro đối với khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước; Cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cùng các công ty, quỹ đầu tư khởi nghiệp tư nhân.

Các đại biểu cho rằng, hiện nay, ngoại trừ Điều 18 của Luật Hỗ trợ DNNVV thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, chưa xác nhận địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan. Do vậy, để khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, việc tạo lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn khách quan. Các ý kiến góp ý tại cuộc họp sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo để xin ý kiến các Bộ, ngành, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2040
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)