(MPI) - Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đang tìm tòi các mô hình mới tạo động lực cho phát triển đất nước, trong đó đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là mô hình cần nghiên cứu.
|
Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, chuyên gia độc lập của dự án Luật đơn vị HCKTĐB. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tạo cực tăng trưởng phát triển đất nước, đổi mới thể chế và tổ chức bộ máy
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia độc lập của dự án Luật đơn vị HCKTĐB đánh giá, đề án Luật đơn vị HCKTĐB là đạo luật mới, phức tạp cần có sự nghiên cứu, ý kiến của nhiều chuyên gia. Cách đây 30 năm, ngày 29/12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đây là một đạo luật được quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhất trong khu vực, tạo làn sóng thu hút đầu tư.
Hiến Pháp năm 1992 đã lần đầu đưa ra khái niệm đơn vị HCKTĐB, tiếp đó Hiến pháp năm 2013 khẳng định Quốc hội quyết định thành lập đơn vị HCKTĐB. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào dưới Hiến pháp cụ thể hóa hình hài đơn vị HCKTĐB. Tuy muộn, nhưng vẫn cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tìm tòi phát triển mô hình mới, đơn vị HCKTĐB là mô hình cần nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và tổng kết những kết quả đạt được sau 25 năm phát triển mô hình khu kinh tế (KKT) ven biển, KKT cửa khẩu, khu kinh tế - thương mại đặc biệt, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) ở nước ta.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, khi thực hiện một dự án bất kỳ phải cân bằng giữa lợi ích của Trung ương và địa phương. Đầu tiên là chọn địa điểm, sau đó mới đến các chính sách thu hút đầu tư, cải cách thể chế. Ba đơn vị HCKTĐB chỉ nằm trên địa giới của 3 tỉnh, nhưng là đại diện của 3 vùng, có vị trí địa chính trị quan trọng. Trong đó, Vân Đồn tạo vòng cung phát triển kinh tế, kết nối thuận lợi về giao thông quốc gia và quốc tế, nhất là có đầu mối giao thương với Trung Quốc - ASEAN… sẽ tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ công nghệ cao. Bắc Vân Phong với lợi thế nằm trong vùng vịnh nước sâu, kín gió, gần ngã ba của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên Biển Đông. Phú Quốc với điều kiện thuận lợi gắn kết bằng đường biển và đường hàng không với các nước trong ASEAN, môi trường tự nhiên, kết cấu hạ tầng đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch quy mô lớn… sẽ tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Mục tiêu xây dựng các đơn vị HCKTĐB là thu hút đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược, tạo cực tăng trưởng phát triển đất nước.
Tác động lan tỏa về đổi mới thể chế và tổ chức bộ máy là đặc biệt quan trọng, nếu ba đơn vị HCKTĐB được chấp nhận và triển khai thành công đây sẽ là “phòng thí nghiệm về thể thế”.
Chính quyền của đơn vị HCKTĐB tạo ra sự “khác biệt”
Ba đặc điểm về chính quyền địa phương quy định trong dự thảo Luật đó là: Đa dạng hóa mô hình hành chính; Đa dạng hóa về chính quyền địa phương; Đa dạng hóa về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, tại Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 đã tiệm cận. Thống nhất quan điểm, phù hợp với Hiến pháp, có thể khác các luật khác. Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đây là quan điểm đúng đắn, mạch lạc. Hiến pháp năm 2013, chương quy định về chính quyền địa phương đã được thiết kế mở để tạo không gian thiết kế các chính quyền phù hợp với giai đoạn, đặc điểm, điều kiện.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB bao gồm: Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính (không xác định cấp chính quyền địa phương tại ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nên không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB); Đơn vị HCKTĐB được tổ chức các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới; Trưởng Khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng Đơn vị HCKTĐB, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.
Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB; Tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị HCKTĐB; Đơn vị HCKTĐB được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.
Qua nghiên cứu cho thấy thành công của các ĐKKT dựa vào 6 yếu tố, điều kiện như: Vị trí chiến lược; Luật điều chỉnh riêng cho ĐKKT; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế; Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng và hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh; Hỗ trợ đầu tư của Nhà nước; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Hiện nay, các chính sách quy định trong dự thảo Luật và thời gian về miễn giảm thuế đã vượt trội hơn các mô hình đang áp dụng.
|
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, song song với việc ban hành Luật, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về đề án thành lập 03 đơn vị HCKTĐB. Trong đó, các vấn đề không nêu được trong dự thảo Luật, thì sẽ nêu trong đề án như vấn đề an ninh quốc phòng, sắp xếp cán bộ, chuyển đổi mô hình… Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 10/11/2017, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình bày trước Quốc hội về dự thảo Luật đơn vị HCKTĐB./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư