Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/10/2017-09:38:00 AM
Khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm
(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 25/10/2017, đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật quy hoạch.

Luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay

Tham gia ý kiến về Dự án Luật quy hoạch, đại biểu Lẹo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, nếu Luật này được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt sẽ khắc phục được tình trạng khiếm khuyết trong công tác quy hoạch, bởi hiện nay còn nhiều loại quy hoạch, ở địa phương nào cũng có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, quy hoạch sản phẩm, quy hoạch đô thị nông thôn… Các quy hoạch này chồng chéo nhau, xung đột nhau gây khó khăn rất lớn cho việc quản lý và thực hiện quy hoạch, đồng thời gây tốn kém ngân sách. Bên cạnh đó, còn tư tưởng cục bộ, còn tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch, do vậy sự phối hợp giữa lĩnh vực liên ngành hiện nay còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch.

Theo ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), đây là một Luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên áp dụng giải pháp kỹ thuật tích hợp tiên tiến, phức tạp. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là kỹ thuật công nghệ và chuyên môn từ đội ngũ chuyên gia hệ thống đến năng lực của các thành viên Hội đồng thẩm định, thẩm tra và đặc biệt là do tích hợp đa ngành nên cơ chế làm việc, hợp tác, phản biện, giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch ngành, vùng để lựa chọn phương án hình thành cơ sở dữ liệu tối ưu trong một khoảng thời gian không dài.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội) bày tỏ mong muốn Luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này để chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo công tác rà soát, lập quy quy hoạch, trong đó có những quy hoạch lập lần đầu ngay sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, không nên chờ đến ngày 01/01/2019 Luật có hiệu lực. Bởi, nếu không sớm triển khai sẽ dẫn đến tình trạng khi bước vào thời kỳ chiến lược 2021-2030, các quy hoạch cũ hết hiệu lực trong khi đó quy hoạch mới chưa được lập.

Liên quan đến vấn đề lấy ý kiến về các đề án quy hoạch, đại biểu Tráng Thị Xuân (Sơn La) đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về tỉ lệ ý kiến đồng thuận bắt buộc để các đề án quy hoạch được thông qua. Như vậy sẽ tăng chất lượng lấy ý kiến người dân trong quá trình làm quy hoạch, đồng thời quy định này có thể giúp nâng cao trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền trong việc lập quy hoạch. Khi quy hoạch được thông qua phải đảm bảo tính khả thi, khoa học và góp phần hạn chế tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong quá trình lập quy hoạch.

Để góp phần nâng cao tính ổn định của quy hoạch tăng cường vai trò của Quốc hội, đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, chia rẽ, cát cứ của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đã đưa ra đề xuất nguyên tắc để xác định thẩm quyền về tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập hội đồng thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch: Cấp quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch phải cao hơn cấp tổ chức lập quy hoạch. Cấp nào quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thì có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hoặc thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch. Theo đó, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề xuất, về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chính phủ tổ chức lập quy hoạch; Quốc hội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch; Về quy hoạch tỉnh, tổ chức lập quy hoạch là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ…

Phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự án Luật quy hoạch. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình về vấn đề tại sao Luật quy hoạch không điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn mà vẫn để thực hiện riêng theo Luật đô thị và Luật xây dựng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thứ nhất là do Luật này điều chỉnh về không gian lãnh thổ ở một quy mô lớn cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh và cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực trên lãnh thổ đó. Trên thế giới hầu hết đều có quy hoạch riêng cho phát triển đô thị.

Thứ hai, quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tổ chức và sắp xếp không gian sống và phát triển đô thị, điểm dân cư cụ thể nên có những yếu tố yêu cầu về kỹ thuật khác nhau dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để thiết lập lên các không gian sống đó. Do vậy, cần phải có quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện được quy định ở một luật riêng. Việc hình thành các quy hoạch đô thị xuất phát từ việc phát triển kinh tế và nhu cầu phát triển khách quan của xã hội và phụ thuộc vào tình hình cụ thể phát triển trong quy hoạch tổng thể của quốc gia. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và nông thôn áp dụng riêng theo Luật đô thị và Luật xây dựng nhưng tất cả các quy hoạch này vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc chung của Luật quy hoạch.

Về vấn đề lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, đây là xu thế từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước đặt ra, do vậy cần phải có sự tích hợp để có sự thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phương pháp này được tổ chức nên chắc chắn sẽ còn có vấn đề khó, vấn đề thách thức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, cần phải đẩy mạnh các ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các phần mềm để đảm bảo thống nhất và công khai, minh bạch một cách độc lập, chất lượng tốt nhất và thời gian nhanh nhất.

Về quy trình lập quy hoạch, trước hết là không phải do một cơ quan hay một tổ chức nào có thể lập được quy hoạch mà tất cả phải có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, của các chuyên gia, kể cả trong nước và ngoài nước, đảm bảo theo nguyên tắc, trình tự nhất định.

Về điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một vấn đề rất quan trọng, rất phức tạp và nếu không được quy định chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ dẫn đến tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Trên thực tế, lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn khó hơn. Do vậy, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định, không được điều chỉnh tùy tiện trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Liên quan đến việc phê duyệt và thẩm định quy hoạch nếu Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng thẩm định để phê duyệt các nhiệm vụ về quy hoạch sẽ phụ thuộc vào các kỳ họp Quốc hội. Do vậy, có thể sẽ kéo dài rất nhiều thời gian. Ban Soạn thảo đã báo cáo, xin phép Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung Chính phủ sẽ quyết định việc phê duyệt và thẩm định quy hoạch, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra và cuối cùng trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo cách đó sẽ linh hoạt và không mất quá nhiều thời gian cho các địa phương trong công tác quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật quy hoạch đã giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường, các sản phẩm do thị trường quyết định, Nhà nước làm công tác dự báo, phân tích, thông tin để tuyên truyền chứ Nhà nước không lập quy hoạch các sản phẩm cụ thể. Đối với các quy hoạch ngành chỉ giữ những quy hoạch ngành liên quan đến kết cấu hạ tầng và khai thác sử dụng tài nguyên.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật quy hoạch, đa số các đại biểu cho rằng, Ban Soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến tham gia tại Kỳ họp thứ ba, dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này đã làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi thực hiện. Nhìn chung ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch của Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về việc rà soát các điều khoản để đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, tính cụ thể của Dự án Luật, tránh xung đột khi tổ chức thực hiện; về phạm vi điều chỉnh và hệ thống quy hoạch quốc gia; về thứ tự quy hoạch, phân loại quy hoạch, quan hệ giữa các loại quy hoạch; về vấn đề tích hợp các loại quy hoạch, việc sử dụng công nghệ thông tin và dữ liệu quốc gia trong tích hợp; về căn cứ, quy trình lập quy hoạch;…

Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1506
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)