Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/10/2017-13:47:00 PM
Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp với lợi thế và đảm bảo cạnh tranh quốc tế
(MPI) – Ngày 26/10/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã có buổi trao đổi với Đài Truyền hình Việt Nam về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung tại buổi trao đổi với Đài Truyền hình Việt Nam.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Hạ tầng có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của các đặc khu kinh tế (ĐKKT)

Khi nghiên cứu, đánh giá các kết quả đạt được và chưa được trong quá trình phát triển các mô hình đặc khu trên thế giới, đặc biệt với mô hình của 13 nước, nhìn lại mô hình KKT, KCN, KKT cửa khẩu của Việt Nam cho thấy, một trong những nguyên nhân gây hạn chế và cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần vào thành công của các khu này đó là sự phát triển của kết cấu hạ tầng.

Hạ tầng được hiểu theo hai khía cạnh, gồm: hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, hạ tầng cứng là giao thông, điện, nước,…và hạ tầng mềm là các vấn đề về tổ chức bộ máy, chính quyền điện tử, hành chính, tư pháp để giải quyết các vướng mắc khi nhà đầu tư gặp phải trong quá trình đầu tư vào Việt Nam…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, Luật đơn vị HCKTĐB đang được thiết kế ở hai khía cạnh của hạ tầng. Trong đó, đối với hạ tầng cứng vấn đề khó nhất hiện nay là thu hút đầu tư, đảm bảo đúng quy hoạch, hiệu quả, thân thiện với môi trường và đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho từng đơn vị HCKTĐB. Nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các đơn vị HCKTĐB sẽ được quyền lựa chọn các hình thức đầu tư theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho đơn vị HCKTĐB số vốn ban đầu, đồng thời các địa phương có thể phát hành trái phiếu của chính quyền để thực hiện các dự án nằm trong kế hoạch phát triển trung hạn.

Đối với các dự án nằm ngoài hàng rào, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước tại thời điểm đó chưa đủ kinh phí để đầu tư thì cho phép nhà đầu tư có thể ứng vốn để triển khai dự án, sau đó nhà đầu tư có thể lựa chọn các hình thức để hoàn trả lại số vốn bằng các hình thức như: thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng đất thông qua một dự án khác hoặc có thể trừ vào tiền thuê đất,…

Về hạ tầng mềm, đối với các đơn vị HCKTĐB khi xây dựng các đề án phải đặc biệt lưu ý đến xây dựng chính quyền điện tử, tổ chức trung tâm hành chính công của từng đơn vị HCKTĐB, đây sẽ là đầu mối duy nhất, tập trung xử lý các vướng mắc của các nhà đầu tư, những yêu cầu của nhà đầu tư khi triển khai dự án.

Cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với lợi thế của từng đơn vị HCKTĐB, đảm bảo cạnh tranh quốc tế

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại Luật đơn vị HCKTĐB phải đảm bảo tính vượt trội và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Dự thảo Luật đơn vị HCKTĐB hiện được thiết kế phù hợp với Hiến pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ chính sách hiện hành và chính sách áp dụng đối với các mô hình ĐKKT trên thế giới, trong đó tập trung nghiên cứu sâu 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể thấy cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật đã đảm bảo: Vượt trội so với các quy định áp dụng đối với KCN, KCX, KKT, KCNC theo quy định pháp luật hiện hành; Đảm bảo cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới và ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các ĐKKT, KKT tự do tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po, Mi-an-ma); Chỉ kém ưu đãi về thuế đối với các thiên đường thuế như ĐKKT Dubai, Đảo British Virgin và Đảo Cayman.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi chỉ tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo. Các ngành, nghề ưu tiên phát triển theo từng đơn vị HCKTĐB và các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có uy tín, đồng thời đảm bảo không ưu đãi dàn trải, tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn HCKTĐB để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, quản lý đất đai là vấn đề nóng hiện nay, để quản lý đất đai cần quy hoạch có tầm nhìn. Dự thảo Luật đã thiết kế một số chính sách đặc thù liên quan đến đất đai áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài như: cho phép tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Đồng thời, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.

Trước đây, Việt Nam đã thành lập các đặc khu như: Đặc khu Hồng Gai (năm 1949), Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (năm 1979), Khu chế xuất Tân Thuận (năm 1991), Khu kinh tế mở Chu Lai (năm 2003).

Việc nghiên cứu thành lập 03 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Chính phủ triển khai từ năm 2012 sau khi được Bộ Chính trị đồng ý. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, việc thành lập các đơn vị HCKTĐB tại thời điểm hiện nay là cấp thiết để thực hiện chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về ĐKKT tại các Đại hội VIII, IX và XII của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB để áp dụng tại 3 khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập tại Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017. Đặc biệt, mô hình đơn vị HCKTĐB được kỳ vọng sẽ là động lực mới để phát triển đột phá, có tính lan tỏa tại Việt Nam và theo kịp xu hướng phát triển các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1569
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)