(MPI) – Ngày 02/11/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) tổ chức Hội thảo tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đối với nền kinh tế Việt Nam với sự chủ trì của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM và ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn chuyên gia nước ngoài, Dự án EU-MUTRAP.
|
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hương (MPI)
|
Hiệp định EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán năm 2015 và đang trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và thực thi. Với tính toàn diện và được đánh giá là hiệp định có chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, qua đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra trong nhiều ngành sản xuất. Hội thảo là cơ hội để trao đổi, thảo luận những đánh giá, cập nhật về tác động của EVFTA đối với tổng thể và các phân ngành kinh tế Việt Nam.
Các tham luận tại Hội thảo cho thấy, Việt Nam và EU là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng. Xét về tác động tổng thể, dự đoán EVFTA sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam. So với kịch bản không có EVFTA, kết quả mô phỏng cho thấy lợi ích thu được đối với Việt Nam là 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6% vào năm 2030. Những nhân tố đóng góp chính bao gồm: Tỷ lệ thương mại trên GDP của Việt Nam tương đối cao nên bất kỳ lợi ích nào thu được đều mang lại tác động đáng kể đến GDP và thu nhập quốc dân; Tỷ trọng thương mại của Việt Nam với EU cao hơn so với các đối tác khác trong FTA ASEAN; Tỷ lệ bảo hộ tương đối cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam (như dệt may, da giày và thủy sản) và một số phân ngành nên dỡ bỏ những rào cản này cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hương (MPI)
|
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những tác động của EVFTA đến các phân ngành chính và một số ngành Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp, bao gồm: chế biến thực phẩm, gạo, rau quả, dệt may, da giày, điện tử, máy móc, thiết bị và một số phân ngành dịch vụ (thông tin, giao thông vận tải…). Tác động đối với các phân ngành sẽ tích cực hơn nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong nước và dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật đối với việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ nước ngoài.
EVFTA cũng mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hình thức khác nhau như dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ, cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU.
Bên cạnh đó, để đạt được tiêu chuẩn khắt khe của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tăng thêm hàm lượng giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến trong hàng xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí điều chỉnh không nhiều và EVFTA có tác động tích cực đến giảm nghèo, tuy nhiên, phân phối thu nhập có chiều hướng xấu hơn. Gia tăng thu nhập quốc dân giúp cải thiện tiền lương thực tế cho hầu hết các loại hình lao động, ước tính cao hơn 4-5%, đặc biệt trong lĩnh vực da giày, dịch vụ kinh doanh và vận chuyển hàng không.
Hội thảo với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan, Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội ngành nghề, đại diện đại sứ quán một số nước thành viên EU đã đưa ra những thảo luận, đánh giá hữu ích, thiết thực, qua đó nhận định những cơ hội cũng như các định hướng và giải pháp xử lý ứng phó với những thách thức nhằm tối đa hóa lợi ích mà EVFTA mang lại cho Việt Nam trong thời gian tới./.
EU là một liên minh kinh tế gồm 28 nước thành viên, tổng diện tích khoảng 4,4 triệu km2 và dân số 508 triệu người, là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 18.000 tỷ USD. EU là đối tác kinh tế hàng đầu Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU liên tục tăng, đạt 30,9 tỷ USD năm 2015, chiếm 19% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ (21%) và vượt xa các thị trường khác. Nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng liên tục tăng, đạt 10,3 tỷ USD năm 2015. Như vậy, Việt Nam luôn xuất siêu vào EU, đạt 20,6 tỷ USD năm 2015.
Tính đến hết năm 2016, EU đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 2.142 dự án với tổng số vốn 43,922 triệu USD. Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam, trong đó trên 40% là viện trợ không hoàn lại.
|
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư