Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu của Chương trình nhằm phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành 30 dự án chuyển tiếp tại Công văn số 1443/TTg-QHQTngày 19/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC; 42 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, phòng hộ đầu nguồn và một số dự án ưu tiên cấp bách tại Công văn số 78/TTg-QHQT ngày 16/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và một số dự án ưu tiên cấp bách sau khi được rà soát; Trồng, phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm và tạo sinh kế ổn định cho người dân...
Đối với hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ xây dựng 01 hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và 01 hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, xây dựng, nâng cấp từ 6 đến 10 công trình hồ, đập với dung tích 100 triệu m3 nhằm điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng; Xây dựng, nâng cấp từ 6 đến 8 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt phù hợp với Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long; Từ 2 đến 3 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt tại các khu vực ven biển;…
Đối với hợp phần tăng trưởng xanh, mục tiêu đến năm 2020 giảm phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với năm 2010; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Ngoài ra, xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha; Thay thế 1.000 phao báo hiệu đường thủy nội địa sử dụng đèn bằng ắc quy thành phao báo hiệu sử dụng năng lượng mặt trời;…
Chương trình có 4 dự án thành phần, gồm: (1) Thực hiện một số nhiệm vụ tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Một số hoạt động cập nhật và hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu; Xây dựng tài liệu, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về: Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cơ hội của biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng như các nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư từ cộng đồng quốc tế cho giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo; Theo dõi, giám sát, đánh giá Hợp phần biến đổi khí hậu và Chương trình; (2) Đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Thực hiện một số hoạt động xây dựng thể chế, chính sách; tăng cường năng lực và theo dõi, giám sát, đánh giá Hợp phần tăng trưởng xanh; (4) Đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, Dự án (1) và (2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; Dự án (3) và (4) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Theo Quyết định, nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương được bố trí cho Chương trình là 15.866 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển là 15.470 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 396 tỷ đồng… Nguyên tắc, chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn của chương trình sẽ được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và chủ Chương trình cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc Chương trình.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, triển khai thực hiện hợp phần Tăng trưởng xanh, thông báo cho chủ Chương trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn và tình hình triển khai thực hiện hợp phần Tăng trưởng xanh; Phối hợp với chủ Chương trình kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định; Tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đối với nguồn vốn từ ngân sách cho Chương trình, cân đối và phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các dự án khởi công mới./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư