(MPI) – Ngày 03/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ, góp ý về các cơ chế chính sách kinh tế - xã hội quy định trong dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội dự thảo Luật được chia làm 07 vấn đề chính: Chính sách về thủ tục đầu tư kinh doanh; Chính sách tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; Chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đặc thù; Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuế đất; Chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; Thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một số chính sách khác. Các chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật đơn vị HCKTĐB tập trung vào hệ thống ngành nghề, giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh. Các chính sách về đất đai, nguồn lực, kết cấu hạ tầng, thuế.
Trình bày về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại dự thảo Luật đơn vị HCKTĐB, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đơn vị HCKTĐB sẽ từ 243 xuống còn 108 ngành, nghề. Gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB. Các thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động,… được giải quyết đơn giản, nhanh gọn, tại Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Về chính sách tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, cho phép tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, trình bày tham luận về các đặc khu trên thế giới và góp ý về các cơ chế chính sách kinh tế - xã hội nêu tại dự thảo Luật, Chuyên gia Marcin Miloz - Nhóm tư vấn Công ty TNHH tư vấn Boston (The Boston Consulting Group) cho rằng, khi đầu tư, các nhà đầu tư tư nhân mong muốn, thứ nhất là vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phải phù hợp, đầy đủ, có sự tham gia của nhà nước và tư nhân. Thứ hai, đó là khung khổ thể chế rõ ràng. Theo ông Marcin Miloz, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quá trình dự thảo Luật này. Các cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo ra khung khổ pháp luật thuận lợi thông thoáng, thực thi chính sách một cửa hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Marcin Miloz, khi xây dựng Đặc khu, phải làm sao cho mọi người thấy được tầm quan trọng của công tác quảng bá, nhằm thu hút nhà đầu tư có chất lượng. Trong đó, lưu ý đến 03 ưu tiên, một là gia tăng giá trị cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ dựa trên ngành sử dụng lao động rẻ tiền. Hai là, vì có sự phối hợp của cả nội địa và nhà đầu tư nước ngoài nên đặc khu phải mang tính mở, áp dụng chuẩn mực quốc tế. Ba là, phải duy trì được giá trị chứ không chỉ đơn thuần là duy trì vốn đầu tư, vì các doanh nghiệp đầu tư là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nên cần phải cải cách, đổi mới về quy phạm pháp luật, khung pháp lý để 10 - 20 năm nữa các giá trị vẫn được bảo tồn phát triển.
Góp ý tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ông Patrick Tay, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tư vấn chính sách kinh tế Price Water House Coppers Malaysia (PWC) cho rằng, có 3 thông điệp về các cơ chế chính sách kinh tế - xã hội chủ chốt mà Luật đơn vị HCKTĐB cần nêu lên. Thứ nhất, đó là khung khổ pháp lý, chất lượng của định chế, thể chế là nền tảng có đặc khu siêu hạng. Thứ hai, thành công có được duy trì lâu dài trong thu hút đầu tư nước ngoài là khó, vì đây là chặng ma-ra-tông. Thứ ba, đặc khu thực sự thành công khi có tác động lan tỏa, tất cả mọi người đều được hưởng lợi, từ người dân trong nước sở tại đến các nhà đầu tư. Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là rất tốt, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển nhanh và cạnh tranh ngang Ma-lai-xi-a. Các yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của đặc khu đó là tiềm năng, quy mô thị trường, chất lượng quản lý nhà nước và xây dựng được khung khổ, thể chế tốt. Bên cạnh đó, mô hình nhân khẩu học cũng là vấn đề cần quan tâm, tiếp đến là thị trường nội địa, khả năng tiếp cận với khách hàng.
Ông Patrick Tay đánh giá Dự thảo Luật hiện đã tương đối phù hợp, tuy nhiên chúng ta cần xem xét thêm và hoàn chỉnh trong thời gian tới từ góc nhìn, vị trí của những người thực thi. Trong Luật đơn vị HCKTĐB, phải trao quyền thỏa đáng cho người lãnh đạo đặc khu, để họ có thể đổi mới, sáng tạo thay vì bó buộc họ. Ba vấn đề dự thảo Luật cần làm rõ đó là tính rõ ràng, chắc chắn, tính thể chế. Cần có bộ luật siêu hạng, không chỉ là lấy được điểm tốt từ những gì hiện có mà cần hình dung được xu thế trong tương lai để Luật không chỉ phù hợp trong thời điểm hiện tại mà còn không lạc hậu trong tương lai.
Ý kiến tại Hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chúng ta nên mạnh dạn đưa ra yêu cầu thủ tục hành chính một cửa điện tử tại đơn vị HCKTĐB. Về yêu cầu đổi mới chính sách đất đai của Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện tương đối khá. Trong đó, Ông ý kiến bổ sung về cơ chế thế chấp tại các ngân hàng có pháp nhân nước ngoài. Khi chúng ta chọn nhà đầu tư nước ngoài mua nhà gắn liền với đất ở Việt Nam thì việc cho thế chấp tài sản tại ngân hàng nước ngoài, cần đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước được nhận quyền chuyển nhượng đất, thuế đất, góp vốn bằng sử dụng đất nhưng nhà đầu tư nước ngoài chưa được, nên đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện những quyền này trong luật…/.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư