Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2012-09:01:00 AM
Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 khu vực Tam giác Phát triển

(MPI Portal) – Ngày 07/12, Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) đã diễn ra tại Kon Tum dưới dự chủ trì của ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban điều phối Việt Nam, ông CHAM Prasidh - Bộ trưởng cấp cao, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Ủy ban điều phối Campuchia và ông Somdy DOUANGRY, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban điều phối Lào.

Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban điều phối Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tại Hội nghị, Bộ trưởng 3 nước đã xem xét và thông qua Dự thảo Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối lần thứ 8, trong đó nêu ra, tình hình thực hiện Bản sửa đổi Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020.
Sau khi ba Thủ tướng thông qua Bản sửa đổi tại Hội nghị cấp cao tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia tháng 11/2010; Chính phủ ba nước đã giao Tổ công tác ba nước phối hợp triển khai các nội dung của Bản quy hoạch và lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong Khu vực, bước đầu đã đạt được một số thành tựu.
Trong hai năm 2011-2012, về kinh tế, bốn tỉnh của Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, các tỉnh của Lào tăng trưởng bình quân khoảng 11,4%/năm; các tỉnh của Việt Nam đạt 10%/năm. Tính chung cả khu vực Tam giác Phát triển ba nước, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt khoảng 10%/năm, đạt mục tiêu quy hoạch.
Ông CHAM Prasidh - Bộ trưởng cấp cao, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Ủy ban điều phối Campuchia.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp và quy mô kinh tế còn nhỏ so với mỗi nước, nên GDP/người năm 2012 khu vực Tam giác Phát triển mới đạt 980 USD, chỉ bằng khoảng 77,5% so với mức bình quân trung ba nước.
Cơ cấu kinh tế khu vực Tam giác Phát triển chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tương đối tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng công nghiệp và dịch vụ. Ước thực hiện năm 2012, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế giảm xuống còn 48,2%, công nghiệp – xây dựng tăng lên 23,2% và dịch vụ đạt 28,6%.
Cơ cấu hạ tầng Khu vực đang từng bước được nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện. Các tuyến trục giao thông quan trọng trong Khu vực đã được nâng cấp, mở rộng. Nhiều công trình thủy điện được đầu tư xây dựng, mạng lưới truyền tải và phân phối điện được mở rộng…
Hiện nay, Việt Nam có 25 dự án đầu tư nằm trong khu vực Tam giác Phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệ, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Với 50 dự án đầu tư vào khu vực Tam giác Phát triển thuộc Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,65 tỷ USD. Hiện có 05 dự án từ Lào; 02 dự án từ Campuchia đầu tư vào các tỉnh khu vực Tam giác Phát triển của Việt Nam.
Hợp tác thương mại qua biên giới giữa các tỉnh trong khu vực có sự tăng trưởng khá, các sản phẩm xuất nhập khẩu chủ yếu là hàng thiết yếu cho tiêu dùng, các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị công trình.
Về công nghiệp, ba nước đã phối hợp xây dựng “Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia giai đoạn 2010 – 2020, có xét đến năm 2025”, đây là tiền đề quan trọng cho các bên phối hợp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa và định hướng thu hút đầu tư tại khu vực.
Ông Somdy DOUANGRY, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban điều phối Lào. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tại Hội nghị cấp cao ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam lần thứ 6, Chủ tịch Ủy ban điều phối ba nước đã thay mặt Chính phủ ba nước ký bản ghi nhớ sửa đổi về Chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển. Ủy ban điều phối chung ba nước cũng như các Tiểu ban, các cơ quan liên quan, các địa phương đã cụ thể hóa các kế hoạch hành động để thực hiện Bản ghi nhớ sửa đổi này. Đây là tiền đề thu hút đầu tư, phát triển thương mại nằm đẩy mạnh hợp tác phát triển Khu vực Tam giác phát triển ba nước CLV hướng tới theo kịp các khu vực khác của mỗi nước.
Tuy nhiên kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, chưa tạo được sức đột phát để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Nguồn lực thực hiện các dự án từ mỗi nước còn rất hạn hẹp, trong khi việc kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài chưa được nhiều; hợp tác thương mại và đầu tư còn nhiều bất cập như: chính sách thuế, thủ tục đầu tư chưa nhất quán…
Về hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV với Nhật Bản, trong thời gian tới, Ủy ban điều phối chung Khu vực tam giác phát triển tiếp tục vận động các nguồn tài trợ từ phía Nhật Bản để đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng, thuận lợi hóa thương mại và hành lang kinh tế Đông Tây.
Về triển khai thực hiện Trang thông tin điện tử khu vực Tam giác Phát triển CLV, qua quá trình triển khai, hoạt động và điều chỉnh, bổ sung, Trang thông tin đã được đầu tư nâng cấp, bổ sung phiên bản tiếng Khơ-me và tiếng Lào, phòng thiết bị phục vụ cho công tác vận hành đã được lắp đặt tại Phnôm Pênh và Viêng Chăn. Cho đến nay đã có Quy chế vận hành, quản trị nội dung và biên tập của 3 nước đã được phê duyệt, Việt Nam đã tích cực triển khai và đã ban hành Quy chế hoạt động tại bên Việt Nam; Trang thông tin điện tử đã được cập nhật thông tin thường xuyên, kịp thời bằng 4 thứ tiếng: tiếng Anh, Khơ-me, Lào và Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác Phát triển (MOU) bản sửa đổi đã được ba Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban điều phối ba nước ký kết với sự chứng kiến của ba Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 tại Phnôm Pênh tháng 11/2010 nhưng việc triển khai còn một số hạn chế: một số cửa khẩu không giải quyết thủ tục hàng hóa vào thứ 7 và chủ nhật.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác toàn diện giữa 13 tỉnh trong Khu vực và với các tỉnh khác, các Chủ tịch Ủy ban điều phối lần thứ 8 đã kiến nghị một số biện pháp, trong đó, các tỉnh trong Khu vực cần đẩy mạnh việc khai thác, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư: vốn ngân sách nhà nước của ba Chính phủ, vốn vay ưu đãi hoặc viện trợ và hình thức đầu tư của các tổ chức quốc tế, vốn của khu vực tư nhân thông qua các hình thức đầu tư hợp tác công tư, xây dựng, vận hành và chuyển giao, xây dựng, sở hữu và chuyển giao… để triển khai các dự án hạ tầng chủ yếu.
Lễ ký Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8, khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thương mại, cửa khẩu và giao thông khu vực biên giới; đầu tư hạ tầng thương mại (khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu), đầu tư trang thiết bị, xây dựng khu làm việc liên hợp, bãi kiểm tra, kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảng qua biên giới. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kênh phân phối hàng hóa tại khu vực biên giới và các tỉnh lân cận, đặc biệt là xây dựng chợ biên giới.
Tích cực hỗ trợ cho các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tam giác Phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước tại khu vực tìm hiểu hệ thống chính sách và pháp luật của ba nước để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Trên cơ sở kết quả triển khai thỏa thuận đã cam kết tại Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 6, Hội nghị đã kiến nghị ba Thủ tướng giao Ủy ban điều phối chung ba nước: Rà soát lại các Hiệp định song phương, các Hiệp định khu vực và các bản ghi nhớ hiện có; xây dựng một hiệp định về xúc tiến và tạo điệu kiện thuận lợi về thương mại giữa các nước Campuchia – Lào – Việt Nam cho khu vực Tam giác Phát triển CLV để ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh CLV lần thứ 8. Tổ chức một Hội nghị Hợp tác phát triển trong năm 2013 để huy động hỗ trợ tài chính nhằm thực hiện quy hoạch tổng thể khu vực Tam giác Phát triển CLV./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2026
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)