(MPI) - Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 02/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 7.864 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 99.062 tỷ đồng, tăng 44,0% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 02/2018 đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 10,5%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 71.120 lao động, tăng 13,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 2.319 doanh nghiệp, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2017.
|
Biểu đồ so sánh tình hình đăng ký doanh nghiệp |
Trong 02 tháng đầu năm 2018, cả nước có 18.703 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 197.333 tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 0,1%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 156.410 lao động, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Về số vốn đăng ký, trong 02 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tiếp tục tập trung cao ở loại hình công ty cổ phần là 103.630 tỷ đồng, tăng 38,6%, tiếp đó là loại hình công ty TNHH 1 thành viên có 61.634 tỷ đồng, tăng 25,7%, loại hình công ty TNHH 2 thành viên có 31.708 tỷ đồng, tăng 13,2%, loại hình doanh nghiệp tư nhân có 356 tỷ đồng, giảm 52,2% và loại hình công ty hợp danh có số vốn đăng ký mới thấp nhất so với các loại hình khác là 6 tỷ đồng, tăng 480,0%.
Về số vốn đăng ký, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 94.411 tỷ đồng, chiếm 47,8%, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng Sông Hồng có 54.556 tỷ đồng, chiếm 27,6%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 23.800 tỷ đồng, chiếm 12,1%, Đồng bằng Sông Cửu Long có 12.763 tỷ đồng, chiếm 6,5%, Trung du và miền núi phía Bắc có 9.190 tỷ đồng, chiếm 4,7% và Tây Nguyên có 2.614 tỷ đồng, chiếm 1,3%.
Về số doanh nghiệp đăng ký, lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, ô tô, xe máy có 6.460 doanh nghiệp, chiếm 34,5%; Xây dựng có 2.418 doanh nghiệp, chiếm 12,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 2.291 doanh nghiệp, chiếm 12,2%; Khoa học, công nghệ; Dịch vụ tư vấn, thiết kế; Quảng cáo và chuyên môn khác có 1.436 doanh nghiệp, chiếm 7,7%;...
Về số vốn đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 58.741 tỷ đồng, chiếm 29,8%, tiếp đến là xây dựng có 30.344 tỷ đồng, chiếm 15,4%, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 28.112 tỷ đồng, chiếm 14,2%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 20.028 tỷ đồng, chiếm 10,1%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga có 12.053 tỷ đồng, chiếm 6,1%;...
Trong 02 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt là 6.878 doanh nghiệp, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 2.866 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 41,67%, có 2.145 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 31,19%, có 731 doanh nghiệp tư nhân chiếm 10,63%, có 1.133 công ty cổ phần chiếm 16,47% và có 03 công ty hợp danh chiếm 0,04%.
Trong tháng 02/2018, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều có xu hướng giảm trên cả nước so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, chỉ có Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên là vùng có mức gia tăng với tỷ lệ lần lượt là 36,5%, 3,2%. Về tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong tháng qua chỉ có 03 ngành tăng so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 25 doanh nghiệp, tăng 31,6%, tiếp đó là giáo dục và đào tạo có 129 doanh nghiệp, tăng 8,4%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 184 doanh nghiệp, tăng 6,4%. Các ngành còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2017./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư